Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái xứ Thanh

Thứ Ba, 11/06/2024 09:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy được người Thái tổ chức nhằm bày tỏ tấm lòng biết ơn với các vị mường trời, thần núi, thần sông, thần đất, để cầu may, cầu mát cho dân làng mạnh khoẻ, có cuộc sống thanh bình.

Kin Chiêng Boọc Mạy là nghi lễ dân gian có lịch sử lâu đời, được gìn giữ và lưu truyền qua nhiều thế hệ người Thái, huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá. Lễ phổ biến ở những bản mường có ông mo hoặc bà tày tài giỏi, có uy tín, đông con mày, con nuôi (những người đã được Thầy chữa khỏi bệnh).

Kin Chiêng Boọc Mạy bắt nguồn từ các ông mo, bà tày ở trong bản mường chuyên lo việc chữa bệnh cứu người cho dân bằng lá cây, hoa cỏ ở trong vườn nhà hoặc ở rừng và cầu cúng thần linh nhằm xua đuổi ma rừng, ma núi để chúng không đến quấy nhiễu bản làng.

Các hình thức, tín ngưỡng trong Lễ phản ánh nhiều mặt đời sống xã hội người Thái như: Văn hóa sản xuất, phong tục, tập quán, quan hệ ứng xử; các mối quan hệ về tự nhiên, xã hội, con người, sự vận hành của thiết chế bản làng.

Thời gian tổ chức Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy vào tháng giêng, hoặc tháng hai âm lịch hằng năm, cứ 5 năm tổ chức lễ lớn, một năm làm lễ nhỏ. Trong ngày lễ, có sự tham dự của nhiều người dân sinh sống trên địa bàn như Mường, Kinh… tới dự hội và ăn cơm mới.

Để tiến hành Lễ, đồng bào Thái làm lễ “Tem phạ” ngay từ tháng 9 âm lịch, mọi nhà phải treo các dải chỉ xanh, đỏ để tang Trời 3 ngày. Trong lễ ông mo hoặc bà tày có vai trò chủ trì, dẫn dắt điều hành buổi lễ, lễ nhỏ tổ chức ở phạm vi gia đình, còn lễ lớn tổ chức tại nơi thờ thành hoàng làng với sự tham gia rộng rãi của cả cộng đồng. 

 Cây bông vật lễ mang ước vọng về cuộc sống sinh sôi, trù phú của người dân bản làng. Ảnh: Phan Giang

Trong lễ không thể thiếu cây bông, một biểu tượng tín ngưỡng được đồng bào dựng cao tới 9 tầng với hàng ngàn bông hoa đồng tiền dày khoảng 40 cánh, thân cây làm bằng cây chục bục, cây dâu hay cây sắn, được trang trí hình chim thú hay những công cụ lao động.

Những vai diễn trong Lễ dưới hình tượng “thần”, vai “mường Trời”, mượn cái uy, cái linh của “thần” để răn dạy người dân bản làng làm điều hay, điều tốt đẹp, biết sống yêu thương nhau. Những bài cúng thần linh, lời dặn cây bông, cây thuốc hay các trò chơi, trò diễn giúp thỏa mãn nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, thể hiện tư tưởng nhân văn trong cuộc sống.

Các vật phẩm trong Lễ Kin Chiêng Boọc Mạy gồm nhiều loại sản vật của nền nông nghiệp trồng trọt, chăn nuôi, săn bắt, hái lượm. Nhất là các loại cây rừng, lá rừng, củ rừng trong cây bông liên quan tới việc hái thuốc chữa trị bệnh dân gian để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày, làm phong phú thêm nền y học cổ truyền của người Thái.

Không gian Lễ có sự tham gia của nhiều loại hình nghệ thuật như Hát, múa, trình diễn nhạc cụ... Trong không gian lễ hội, người dân là chủ thể văn hoá, họ cùng vui chơi, nhảy múa, hát ca sáng tạo thăng hoa. Trải qua thời gian dài hình thành, phát triển, Kin Chiêng Boọc Mạy đã trở thành sinh hoạt dân gian gắn bó với đời sống tinh thần người Thái, xứ Thanh. Lễ hội đã được công nhận là lễ hội văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia vào năm 2018.

N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN