Lễ hội "Vì Hoà bình” - Điểm nhấn nơi đất lửa Quảng Trị
(ĐCSVN) - Việc Lễ hội được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị vào tháng 7/2024 sẽ mở ra cánh cửa để tỉnh trở thành điểm đến, nơi hội tụ, biểu hiện sâu sắc tinh thần đoàn kết, hữu nghị với thế giới.
Mang cả thế giới hoà bình đến Quảng Trị
Theo đồng chí Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị, Lễ hội "Vì Hoà bình" được lên ý tưởng và chuẩn bị từ năm 2019. Từ đó đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị đã tổ chức nhiều phiên họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để tổ chức một lễ hội thật sự ý nghĩa nhất.
Theo đó, lễ hội sẽ được khai mạc vào tối 6/7/2024, tại Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải với chương trình nghệ thuật đặc biệt nhằm chuyển tải thông điệp về khát khao hòa bình và tinh thần hội nhập của Việt Nam, trọng tâm là mảnh đất Quảng Trị, với trầm tích lịch sử - con người thân thiện - văn hóa riêng.
Lễ hội được kỳ vọng là sản phẩm du lịch hoàn toàn mới của Việt Nam, là cái riêng, độc đáo của tỉnh Quảng Trị. |
Việc Lễ hội "Vì Hòa bình" được tổ chức lần đầu tiên tại Quảng Trị vào năm 2024 mở ra cánh cửa để tỉnh trở thành điểm đến, là nơi hội tụ, nơi biểu hiện sâu sắc sự đoàn kết, hữu nghị với thế giới. Đây chính là động lực, là tiêu đề, là yếu tố giúp Quảng Trị phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập quốc tế hiện nay.
Ngoài chương trình nghệ thuật, tại đây còn có màn bắn pháo hoa tầm thấp. Sau lễ khai mạc, sẽ có chương trình giao lưu quảng bá văn hóa, du lịch với nhiều hoạt động chính như: Giao lưu âm nhạc “Giai điệu hòa bình” vào ngày 8/7/2024 tại Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh; Lễ hội Văn hóa - Ẩm thực với chủ đề “Hương vị miền nắng gió” với 100 - 120 gian hàng ẩm thực. Trong đó có 20% gian hàng quốc tế, chương trình giao lưu Nghệ thuật diều quốc tế diễn ra từ ngày 9-10/7/2024, tại Khu Dịch vụ du lịch Cửa Việt, chương trình “Ước nguyện hòa bình” vào tối 26/7/2024 tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị với lễ dâng hoa, dâng hương, thả hoa đăng, cầu nguyện.
Đặc biệt, tiếng chuông cầu nguyện hòa bình tại Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn và Di tích quốc gia đặc biệt Thành Cổ Quảng Trị sẽ diễn ra đồng thời cùng các hoạt động tri ân tại tất cả các nghĩa trang, bia tưởng niệm, nhà thờ... trên địa bàn tỉnh và có thể kết nối với các địa danh liên quan đến chủ đề vì hòa bình trên thế giới.
Ngoài ra, tại các huyện, thị xã, thành phố đều có các hoạt động thiết thực để hưởng ứng lễ hội nhằm phản ánh một cách đa dạng, phong phú những nét văn hóa truyền thống đặc trưng của mảnh đất, con người Quảng Trị.
“Tôi kỳ vọng thông qua lễ hội này sẽ xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất đã từng bị hủy diệt do chiến tranh. Sẽ là nơi hội ngộ của bạn bè bốn phương, nơi họp mặt, chia sẻ của những thành phố, những dân tộc từng chịu chung số phận như Quảng Trị trên toàn thế giới. Dấu ấn của lễ hội sẽ tạo ra các điểm nhấn cảm xúc “mang cả thế giới hòa bình đến Quảng Trị” và điểm khác biệt là mỗi người dân Quảng Trị trở thành một đại sứ vì hòa bình; những người đến với Quảng Trị sẽ hòa nhập với lễ hội, đặt trên vai sứ mệnh mang giá trị vì hòa bình đi muôn nơi” - đồng chí Nguyễn Đăng Quang chia sẻ./.