Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn – nét văn hóa tâm linh đặc sắc
(ĐCSVN) - Lễ hội Cầu Ngư Nhượng Bạn là một trong những biểu tượng tâm linh quan trọng đối với cộng đồng ngư dân xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.
Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn có lịch sử hình thành từ lâu đời, tương truyền có từ khi lập làng Nhượng Bạn thời nhà Trần. Căn cứ các bản sắc phong lưu lại, lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn có từ thời Nguyễn, cách đây hàng trăm năm. Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn xuất phát từ nhu cầu cuộc sống cộng đồng, phản ánh ước vọng của con người tôn kính biển cả và những vị thần bảo hộ đã giúp ngư dân vượt qua sóng gió, mang lại sự an lành và bội thu trên biển khơi.
Lễ hội cũng biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong lao động và sản xuất; hướng con người trở về cội nguồn, về dân tộc, về văn hóa, làm cho nó có nét riêng được quy định bởi lịch sử, phong tục, tính cách con người xã Nhượng Bạn xưa (nay là xã Cẩm Nhượng). Đây cũng là dịp để cộng đồng củng cố tình đoàn kết và sức mạnh chung.
Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn – Nét văn hóa tâm linh đặc sắc của người dân Cẩm Nhượng. |
Lễ hội cầu ngư được xem là một sự kiện văn hóa tín ngưỡng quan trọng nhất của xã Nhượng Bạn (nay là xã Cẩm Nhượng) và được cộng đồng cư dân, bà con ngư dân rất quan tâm, chuẩn bị chu đáo trong thời gian dài. Qua đây nhằm tưởng nhớ, biết ơn vị tôn thần Nam Hải Nhân Ngư (Cá Ông) có tình thương người đã hộ quốc tỷ dân, bảo hộ cho ngư dân đi biển. Công tác chuẩn bị bao gồm các phần như tổ chức, đội cúng tế, đội rước, đội chèo cạn, trang phục, các vật dụng và lễ vật tàu thuyền nghinh rước… Thông qua thực hành lễ hội, con người được đắm chìm trong văn hóa dân tộc, thể hiện mong muốn về sự phồn thịnh và niềm tin tôn giáo, tín ngưỡng; giải tỏa những nỗi lo. Lễ hội còn biểu hiện sức mạnh của cộng đồng, thắt chặt tình đoàn kết trong sản xuất và chiến đấu.
Không gian văn hóa diễn ra lễ hội tập trung chủ yếu ở miếu thờ Đức Ngư Ông tại thôn Phúc Hải là trung tâm của lễ hội, nơi lưu giữ ba sắc phong thời Nguyễn xác nhận vị thế thiêng liêng của Nam Hải Nhân Ngư từ hàng trăm năm trước. Ngôi miếu Ngư Ông được UBND tỉnh Hà Tĩnh xếp hạng là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh năm 2013.
Bên cạnh giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị khoa học của Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn được thể hiện rất rõ. Các cổ vật, di tích, thành tố di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến lễ hội như đồ tế khí long ngai, bài vị, sắc phong, câu đối, miếu Ngư Ông, quy trình tế lễ, văn hóa dân gian, nghệ thuật biểu diễn truyền thống… là nguồn tư liệu lịch sử phong phú.
Đây là cơ sở giúp các nhà khoa học nghiên cứu đời sống văn hóa vật chất và tinh thần của cư dân ven biển Hà Tĩnh, lịch sử hình thành vùng đất, quá trình tụ cư, chinh phục chủ quyền biển đảo mà nhiều thế hệ tiền nhân đi trước đã gây dựng và vun đắp.
Gắn với Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn còn có hò chèo cạn được du nhập dưới thời phong kiến. Đây là di sản văn hóa phi vật thể kết hợp giữa dân ca, dân vũ thể hiện đời sống lao động sản xuất cùng ước vọng cầu ngư của ngư dân đi biển vùng Cửa Nhượng - Hà Tĩnh.
Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. |
Về cơ bản, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn ngày nay được tổ chức tương tự lễ hội xưa, song có bổ sung một số yếu tố biến đổi trong công tác tổ chức cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay. Trước đây, việc tổ chức lễ hội do các giáp lo liệu, còn ngày nay, ngoài cộng đồng dân cư còn có sự tham gia của chính quyền xã trong công tác quản lý và tổ chức.
Ngày 27/5/2021, Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, một bước ngoặt quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội này. Điều này không chỉ là niềm tự hào của người dân Cẩm Nhượng mà còn là cơ sở pháp lý vững chắc để bảo tồn và duy trì truyền thống lâu dài.
Lễ hội Cầu ngư Nhượng Bạn là minh chứng sinh động cho sức sống mãnh liệt của tín ngưỡng và văn hóa cộng đồng ngư dân Việt Nam. Nó không chỉ là hoạt động tâm linh mà còn là sự kiện văn hóa có sức lan tỏa mạnh mẽ, góp phần vào sự phồn thịnh của cộng đồng và là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại trong việc trân trọng và phát huy giá trị di sản của ông cha.