Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lễ cưới của người M'nông

Thứ Năm, 06/06/2024 10:37 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Phong tục cưới hỏi là một hoạt động dân gian lâu đời, phản ánh đậm nét đời sống, tín ngưỡng của người M’nông ở tỉnh Đắk Nông. Tục lệ này không chỉ thu hút sự quan tâm của người M’nông, mà còn thu hút sự quan tâm của nhiều dân tộc anh em khác trên các vùng miền đất nước.

Trong cuộc sống hiện đại, đồng bào M’nông, huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông vẫn lưu truyền tục cưới hỏi truyền thống đậm bản sắc, tạo nên một vùng sáng trong bức tranh văn hoá của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam.

Theo phong tục cưới hỏi của người M’nông, trước khi tổ chức lễ cưới đồng bào tổ chức các lễ chính như lễ Kep môi (lễ dạm), lễ Văng u (lễ ăn hỏi), lễ ăn hỏi được tiến hành cùng với lễ cưới. Dân tộc M'nông có phong tục tiến hành lễ ăn hỏi liền với lễ cưới. Trong lễ này, chú rể và đoàn nhà trai phải mang đến nhà gái lễ vật gồm: Một ché rượu, một con gà nướng, một con gà sống, một bát gạo trắng, một cây đèn sáp, một con dao, một chiếc lao, một chiếc lược chải tóc...

Khi đến trước cửa nhà gái, hai bà mối sẽ thực hiện nghi thức hát đối đáp. Khi bà mối nhà trai hát đáp được, thì bà mối nhà gái nhận bát gạo từ nhà trai và bố cô dâu sẽ mời bà mối cùng bố mẹ, chú rể và mọi người vào nhà. Trong nhà gái, đại diện hai bên gia đình gặp gỡ nhau, hỏi ý kiến đôi trai gái, nếu họ đồng ý yêu thương nhau, nguyện thành vợ chồng, cô dâu sẽ đưa cho bố mình chiếc vòng đồng để bố trao cho chú rể và cô dâu tự nhận lễ vật của bên nhà trai.

Lễ cưới diễn ra sôi nổi nhất với những nghi thức cổ truyền, thể hiện đời sống tinh thần phong phú của người M’nông, nổi bật như: Trong lễ cưới cô dâu chú rể sẽ thực hiện nghi thức trao vòng đồng cho nhau trước sự chứng kiến của mọi người, sau đó ông bà mối trùm tấm chăn rộng lên đầu cô dâu chú rể và chúc phúc cho họ. Chúc phúc xong, già làng và bà mối đẩy nhẹ cô dâu chú rể ngã xuống.

Ngay lập tức, cô dâu chú rể cùng lật chăn lên trong tiếng reo hò cổ vũ của người dân bản làng, ai lật chăn nhanh hơn, người đó sẽ là trụ cột trong cuộc sống sau này. Tiếp đó, hai vợ chồng trẻ mời rượu nhau và cùng thổi tắt ngọn đèn sáp, họ so hai cây đèn sáp với nhau, cây nào dài hơn chứng tỏ người đó sẽ sống lâu hơn… 

 Cô dâu và chú rể thực hiện nghi thức “mời cơm” trong lễ cưới của người M’nông.

Trong lễ cưới cũng diễn ra các nghi thức truyền thống khác như già làng dùng huyết con vật hiến sinh hòa rượu cúng thần, sau đó bôi rượu huyết lên các vị trí thiêng trong nhà; đôi vợ chồng trẻ thực hiện nghi thức kup boh (lễ trùm mặt); hai vợ chồng trẻ thực hiện nghi thức “mời cơm” thể hiện tình cảm gắn kết nhau... Để chúc mừng đôi bạn trẻ, người dân bản làng cùng nhau uống rượu cần, đánh chiêng, hát ca vui vẻ, góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó người dân trong bản làng người M'nông.

Sau khi thực hiện các nghi thức truyền thống trong lễ cưới, chú rể và cô dâu tặng quà cho họ hàng hai bên, mẹ chú rể trao vòng chỉ cho cô dâu, bố cô dâu trao vòng chỉ cho chú rể. Nếu là đàn bà thì sẽ được tặng một chiếc váy hoa kèm theo một vòng chỉ hoặc vòng cườm; nếu là đàn ông thì sẽ được tặng một chiếc khố hoa kèm theo một vòng chỉ hoặc một vòng cườm. Trong lễ cưới cũng diễn ra các hoạt động văn nghệ dân gian truyền thống của người M’nông, thông qua các hoạt động đó giúp cho việc gìn giữ bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của người M’nông.

Sau khi làm lễ cưới xong, hai vợ chồng lưu lại nhà vợ bốn hoặc tám ngày, rồi cùng bố mẹ, họ hàng nhà gái sang bên nhà trai để chào và đưa cô dâu ra mắt bố mẹ, họ hàng nhà chồng, lúc này cô gái đã chính thức là thành viên mới của nhà chồng, gia tộc có thêm một người mới.

Bài, ảnh: N Dương

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN