Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lao động dân tộc thiểu số được quan tâm đào tạo nghề, giải quyết việc làm

Chủ Nhật, 17/09/2023 16:23 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Theo báo cáo của Uỷ ban Dân tộc gửi Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, thời gian qua, công tác hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được tích cực triển khai thực hiện.

Các cơ quan chức năng đã hỗ trợ đào tạo nghề được trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người DTTS trong độ tuổi lao động.

Thí điểm đặt hàng dạy nghề trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 10.534 lao động là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế. 

Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm. Nhiều người DTTS sau khi được học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương”.

Lớp dạy nghề trồng màu cho người dân ấp Xung Thum A, xã biên giới Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng 

Đặc biệt trong thời gian dịch bệnh COVID-19, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động tiếp tục được hỗ trợ. Một số doanh nghiệp tích cực cùng với Nhà nước hỗ trợ người lao động nhằm góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đối với người lao động trước ảnh hưởng của đại dịch.

Nhiều chương trình, đề án, chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS, lao động vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn được triển khai đồng bộ và bước đầu đạt những kết quả tích cực.

Riêng 9 tháng năm 2021, nguồn vốn vay từ Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã hỗ trợ tạo, duy trì và mở rộng việc làm cho hơn 211 ngàn lao động, trong đó người DTTS là 10.315 lao động.

Công tác quản lý lao động qua lại biên giới làm việc và hỗ trợ cho lao động người DTTS được tăng cường và thực hiện ngày càng chặt chẽ, đúng đối tượng. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng các ngành chức năng đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường lao động, theo dõi chặt chẽ, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, tăng cường giao dịch việc làm trực tuyến, chủ động cung ứng nguồn lao động đáp ứng yêu cẩu doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, tạo cơ hội cho người lao động tiếp cận thông tin việc làm, nghề nghiệp phù hợp, nhất là nhóm yếu thế như lao động là người DTTS, lao động ở vùng sâu, vùng xa…

Kim Hoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN