Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hàng nghìn người dân tộc thiểu số được trợ giúp pháp lý

Chủ Nhật, 19/11/2023 21:46 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Ủy ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tư pháp đã tích cực thực hiện công tác trợ giúp pháp lý cũng như đảm bảo quyền tiếp cận thông tin cho người dân tộc thiểu số.

Đảm bảo quyền tiếp cận thông tin của người dân nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, thời gian qua, Uỷ ban Dân tộc phối hợp với Bộ Tư pháp đã tổ chức biên soạn, phát hành các đề cương, tài liệu tuyên truyền, phổ biến nội dung cơ bản của các luật, nghị quyết mới được thông qua của các kỳ họp Quốc hội khóa XV và đăng tải công khai trên trang thông tin phổ biến và giáo dục pháp luật của Bộ Tư pháp để mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận, khai thác sử dụng.

 Tập huấn công tác nhân quyền và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La (Ảnh: CTV)

Hai cơ quan cũng đã phối hợp tổ chức các khóa tập huấn cho đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, huyện, hòa giải viên cơ sở vùng dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN) về bảo đảm bình đẳng giới, về kỹ năng truyền thông nhằm giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết.

Xây dựng và in ấn sổ tay bình đẳng giới, phổ biến kiến thức pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Thiết lập đường dây nóng về trợ giúp pháp lý ở hầu hết các địa phương có huyện, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn.

Thực hiện các hoạt động thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan tới dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.

Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng một số chương trình, phóng sự để trợ giúp pháp lý cho người DTTS.

Theo Báo cáo số 322/BC-BTP ngày 22/12/2022 của Bộ Tư pháp về kết quả công tác dân tộc năm 2022, trong năm 2022, các Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện trợ giúp pháp lý được 20.703 vụ việc cho 20.703 lượt người, trong đó có 6.470 người DTTS.

Hòa An

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN