Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lào Cai có thêm 4 di sản phi vật thể quốc gia

Thứ Sáu, 09/07/2021 19:12 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa huyện Bắc Hà, nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Nùng Dín huyện Mường Khương, nghề làm tranh thờ người Dao đỏ thị xã Sa Pa là 4 di sản vừa lọt vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ hội đua ngựa truyền thống gần 100 năm tuổi, diễn ra vào tháng 6 hằng năm. Ở lễ hội, nài ngựa là những người nông dân và ngựa đua chính là những con ngựa thồ hàng giúp người dân mưu sinh hằng ngày… vì vậy Giải đua ngựa trên Cao nguyên Bắc Hà năm nào cũng thu hút rất đông du khách và trở thành nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.

Lễ đội đua ngựa Bắc Hà trước đây diễn ra xung quanh cánh đồng, các quả đồi và đích là bãi đất ở trung tâm thị trấn. Khi gần về tới đích, các kị mã nhảy thật nhanh xuống đất, rút khẩu súng kíp trên vai và nhằm vào bia bắn 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng. Huyền thoại về những chàng kị sĩ Bắc Hà có tài cưỡi ngựa phi nước đại mà vẫn bắn súng trăm phát đều trúng đích cũng từ đó mà có.

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà. (Ảnh: TL). 

Lễ hội đua ngựa Bắc Hà, một ngày hội hấp dẫn, thử thách lòng gan dạ, nhanh nhẹn của người chơi, đã trở thành một nét văn hóa độc đáo của người dân vùng cao Tây Bắc. Vẫn là các chàng trai người dân tộc địa phương thật thà, dùng cảm… vẫn những chú ngựa do chính họ nuôi dưỡng hàng ngày để thồ hàng, kéo cày làm nương nhưng khi vào cuộc đua lại mang đến cho khán giả những màn biểu diễn hấp dẫn, những cuộc so tài nóng bỏng. Những cuộc đua ngựa luôn để lại trong lòng mỗi du khách ấn tượng khó quên khi một lần đến với cao nguyên Bắc Hà.

Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa thể hiện rõ nét trên trang phục và đồ dùng sinh hoạt. Song trang trí y phục có vị trí quan trọng nhất, đặc biệt là trang trí trên váy, áo trang phục thổ cẩm của phụ nữ. Trang phục cổ truyền của phụ nữ Mông Hoa gồm khăn, áo xẻ ngực, váy, tấm vải che phía dưới trước váy, thắt lưng, xà cạp… Khăn có hai loại: hình chữ nhật khổ 65x40cm thêu hoa văn trùm lên đầu, và khăn vành rộng quấn quanh đầu, tuy nhiên, hiện nay những chiếc khăn ấy đã dần được thay bằng loại khăn hình chữ nhật sản xuất theo lối công nghiệp. Phụ nữ mặc áo, váy rộng để khi phần thân và chân phát triển, đội khăn to sẽ phù hợp và tạo ra sự cân đối hài hòa trên thân thể.

Trang phục của phụ nữ Mông Hoa Bắc Hà. (Ảnh: Xuân Cường). 

Ngày nay, trang phục của phụ nữ Mông Hoa ở Bắc Hà vẫn giữ khá nguyên vẹn bản sắc văn hóa dân tộc. Với sự cần cù và trí tưởng tượng phong phú, người phụ nữ đã tạo nên những tác phẩm nghệ thuật tạo ấn tượng sâu sắc cho khách du lịch đến khám phá nét đẹp văn hóa bản làng, thăm chợ phiên vùng cao Bắc Hà…

Bộ trang phục của người Nùng Dín được trang trí bằng các đồ chạm bạc. Tính thẩm mỹ còn được sáng tạo thông qua kỹ thuật thêu, ghép vải, ghép hạt cườm bằng kim loại, bằng bạc… Hoa văn trang trí trên trang phục thể hiện tín ngưỡng và thế giới quan của tộc người thông qua những biểu tượng sùng bái tự nhiên như mặt trời, nguồn nước gắn với tập quán canh tác nông nghiệp. Nghệ thuật trang trí phản ánh triết lý âm dương của tộc người, biểu hiện tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp thông qua biểu tượng nước, nguồn sống của con người có đôi, có cặp phần nào thể hiện sự đầy đàn, sự phồn thịnh.

Bộ trang phục của người Nùng Dín. (Ảnh: laocaitv.vn). 

Nghề làm tranh thờ của người Dao đỏ phản ánh nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ - nghệ thuật, giáo dục. Tranh thờ ra đời từ nguồn gốc tâm linh, gắn kết chặt chẽ với tín ngưỡng trong thờ cúng. Việc nghiên cứu nghề làm tranh thờ, vai trò của tranh thờ trong đời sống góp phần quan trọng làm sáng tỏ lịch sử văn hóa tộc người Dao đỏ.

Nghề làm tranh thờ đáp ứng nhu cầu văn hóa của cộng đồng, tranh thờ luôn hiện hữu trong các sự kiện trọng đại, là hồn cốt của các đại lễ cúng của người Dao đỏ. Tranh thờ của người Dao đỏ không chỉ thể hiện sự khéo léo ở kỹ thuật làm tranh, mà còn chứa đựng yếu tố giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật. Chính điều này làm nên chất nghệ sỹ của họa công vẽ tranh và tính văn hóa cao của nghề làm tranh thờ. Các sản phẩm bộ tranh thờ do thợ vẽ có giá trị thẩm mỹ độc đáo, do vậy, ngoài chức năng vốn có của tranh, tự thân mỗi tờ tranh còn là một tác phẩm nghệ thuật với các nhân vật có tên trong tranh.

Tranh thờ của người Dao đỏ. (Ảnh: Ngọc Thanh). 

Nghề làm tranh thờ là nghề thủ công độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, phản ánh thế giới đa tầng, tâm linh, tín ngưỡng, thậm chí là tính triết lý, triết học thể hiện trên từng bức tranh thờ. Nghề làm tranh thờ trở thành sản phẩm hàng hóa đặc biệt bởi ý nghĩa tâm linh.

Với việc công bố thêm 4 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần tạo thuận lợi cho công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc thiểu số tỉnh Lào Cai.

VH

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN