Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Lãng phí trách nhiệm làm suy yếu bộ máy công quyền

Thứ Hai, 31/10/2022 15:03 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh), tình trạng thất thoát, lãng phí trách nhiệm đang trở nên phổ biến trong các cấp, các ngành, ở một bộ phận không nhỏ các cơ quan, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức; gây ra những hậu quả khôn lường, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Quản lý đất đai ở nhiều nơi còn nỏng lẻo, gây lãng phí

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (Đoàn Bình Thuận) đánh giá rất cao việc Quốc hội lựa chọn chuyên đề việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nội dung giám sát tối cao. Đây là lựa chọn đúng và trúng trong thời điểm hiện nay khi cả nước đang phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13, trong đó có nội dung về phát huy các nguồn lực phát triển đất nước.

Đại biểu cho hay, qua nghiên cứu báo cáo Quốc hội và thực tế Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tiến hành giám sát trong thời gian qua cho thấy, về tổng thể công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, qua nghiên cứu và trực tiếp giám sát và qua tiếp xúc cử tri, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ hoặc các bộ, ngành quan tâm đến vấn đề lãng phí trong vấn đề sử dụng đất, nhất là dự án treo, quy hoạch treo. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Quốc hội làm việc tại Hội trường. Ảnh: QH. 

Đại biểu cho rằng, từ nay đến khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành khá dài, đại biểu đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát và tháo gỡ những người dân trong vùng dự án treo, quy hoạch treo, giảm bớt những khó khăn, như: kiên quyết thu hồi, hủy bỏ những dự án treo chậm tiến độ, đánh thuế cao đối với những diện tích đất không sử dụng; đồng thời xử lý nghiêm trách nhiệm đối với những cá nhân, tổ chức có liên quan.

Đồng quan điểm, đại biểu Chau Chắc (Đoàn An Giang) chỉ ra, nhiều nơi trên cả nước còn tình trạng thiếu đất sản xuất, trong khi đó tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng, khai thác đất đai vẫn còn tồn tại như dự án treo chậm tiến độ, sai phạm. Thực trạng quản lý đất đai, đường nông thôn, sông suối, đất bãi bồi sông ngòi ven biển ở nhiều nơi, nhất là vùng nông thôn còn thiếu chặt chẽ, còn để bị lấn chiếm, thất thoát tài sản công, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Đại biểu Chau Chắc đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương điều tra, rà soát, quản lý chặt chẽ trong phạm vi toàn quốc để tránh thất thoát, lãng phí tài sản công, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân nông thôn, góp phần thực hiện tốt 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia đã đề ra.

Theo đại biểu Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng), trực tiếp và dễ nhận diện nhất là nguồn lực về nhà cửa và đất đai đang bị lãng phí rất lớn, đây cũng là vấn đề có tính nhạy cảm cao, không chỉ ảnh hưởng đến nguồn lực phát triển mà còn gây ra nhiều hệ lụy liên quan đến tham nhũng, tiêu cực, thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm, lạm dụng chính sách. Qua các vụ án gần đây liên quan đến cán bộ quản lý nhà nước đều có bóng dáng công tác quản lý nhà đất.

Dẫn phụ lục báo cáo kết quả giám sát có 28.000 ha, 900 dự án, công trình chậm hoặc không đưa đất vào sử dụng, nhiều dự án lớn có vướng mắc, đất để hoang hoá gây lãng phí…, đại biểu Nguyễn Tạo chỉ ra, chính sách, pháp luật đất đai còn nhiều bất cập, trong đó có những vấn đề về thị trường bất động sản, bất động sản du lịch, xác định giá trị quyền sử dụng đất, quy hoạch, quản lý quy hoạch đất đai, tình trạng phân lô bán nền, đầu cơ đất đai, không đưa đất đai vào sử dụng đúng mục đích và thời gian quy định nhưng không được xử lý kịp thời, chưa tạo ra động lực để đưa đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp vào sử dụng gây lãng phí nguồn lực đất đai.

Lãng phí tránh nhiệm - lãng phí khôn lường

Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh) cho rằng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong thực hành tiết kiệm, trong một số trường hợp còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển. Đằng sau những lãng phí hữu hình là những lãng phí vô hình với sức tàn phá lớn hơn nhiều, nó không chỉ làm mất đi cơ hội phát triển mà còn làm nghèo đất nước, làm lãng phí nguồn lực quý giá của quốc gia, làm suy yếu bộ máy công quyền và cùng với tham nhũng, hai giặc nội xâm này có thể đe dọa sự tồn vong của chế độ chúng ta.

Đại biểu Trần Hữu Hậu dẫn lại câu chuyện nhiều bệnh viện công xin thôi tự chủ, ách tắc đấu thầu thuốc, thiết bị... Hay chuyện không ít cán bộ, công chức không dám làm những việc cần phải làm đã gây trì trệ cho bộ máy, gây lãng phí thời gian, công sức, tiền bạc, cơ hội kinh doanh cho người dân và doanh nghiệp.

 Đại biểu Trần Hữu Hậu (Đoàn Tây Ninh). Ảnh: QH.

 Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, phần đông trong số họ là những người có lương tâm và trách nhiệm, chỉ có điều tinh thần trách nhiệm của họ do nhiều nguyên nhân không được phát huy, bị lãng phí và từ đó gây nên những lãng phí khôn lường, không đo đếm được cho xã hội, cho đất nước.

Theo đại biểu, hiện nay, các địa phương đang xây dựng dự toán ngân sách năm 2023, tuy nhiên, các quy định về sử dụng nguồn đầu tư công còn bất cập, làm phát sinh nhiều chi phí về thời gian, thủ tục. Đại biểu kiến nghị Bộ Tài chính cần sớm trình hồ sơ Nghị quyết bổ sung quy định về sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để thực hiện xây dựng mới, cải tạo nâng cấp, mở rộng tài sản công hàng năm nhằm khắc phục những bất cập trong việc triển khai thực hiện các vấn đề liên quan trong khi chưa sửa Luật Đầu tư công.

Đại biểu nhấn mạnh, thất thoát, lãng phí này đã và đang gây ra những hậu quả khôn lường trong hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong thực thi công vụ, làm thất thoát, lãng phí lòng tin của nhân dân với Đảng, với Nhà nước.

“Đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm thấu đáo loại lãng phí này để có giải pháp căn cơ, hành động quyết liệt, biện pháp cụ thể để chúng ta không bị lãng phí trách nhiệm, lãng phí niềm tin, những tài sản, tài nguyên vô giá của sự phát triển đất nước”, đại biểu nói.

Ở một khía cạnh khác, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) chỉ rõ, nước ta có lực lượng lao động đông đảo, đang ở vào thời kỳ dân số vàng, có nhiều tiềm năng phát triển, tuy nhiên nút thắt là ở chất lượng lao động chưa cao, nếu không có chính sách tận dụng thời kỳ dân số vàng, sẽ là lãng phí rất lớn cho cơ hội phát triển.

Theo đại biểu, tình trạng sinh viên ra trường đi làm trái ngành, giáo viên nghỉ việc là hồi chuông báo động về lãng phí nhân lực ở môi trường giáo dục gia đình, doanh nghiệp, xã hội, thậm chí còn cho thấy có sự lãng phí về niềm tin yêu với nghề nghiệp.

Để đảm bảo sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tránh lãng phí, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Cùng với đó, xây dựng Cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu kỹ năng như Hội đồng kỹ năng nghề quốc gia, Hội đồng kỹ năng nghề theo nhóm ngành. Ban hành và tổ chức thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN