Lắng nghe dân, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân
(ĐCSVN) - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nêu rõ: Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì trước hết phải nghe được dân; chỉ có tinh thần, thái độ chân thành, nghiêm túc lắng nghe mới hiểu được dân, nắm bắt được người dân mong đợi gì…
- Đồng chí Trần Thanh Mẫn tái đắc cử Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam – nơi hội tụ sức mạnh đại đoàn kết
- Chung sức, đồng lòng xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc
Chiều 20/9, tại phiên bế mạc Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam lần thứ IX, thay mặt Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã phát biểu về tình hình và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã nêu bật những kết quả toàn diện mà đất nước ta đạt trong sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua cũng như những những nhiệm vụ, định hướng lớn trong công tác chỉ đạo, điều hành xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước thời gian tới.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Đại hội đại biểu toàn quốc MTTQ Việt Nam lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh đất nước ta đã vượt qua nhiều thách thức lớn ở đầu nhiệm kỳ. Đạt đến được như vậy, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã tổng kết: “Chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực như thế và uy tín như ngày hôm nay”. Những thành tựu phát triển mà đất nước ta đã đạt được qua hơn 30 năm đổi mới và trong những năm qua có ý nghĩa lịch sử, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận như một hình mẫu của nền kinh tế chuyển đổi, có nhiều thành công, phát triển và đang định hướng mạnh mẽ trọng tâm đến một mô hình phát triển bền vững và bao trùm. Kết quả này là sự nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có sự đóng góp rất to lớn của Mặt trận các cấp.
Theo Phó Thủ tướng, tình hình kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế của nước ta từng bước được cải thiện, quy mô nền kinh tế ngày càng mở rộng. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 – 2020 ước đạt 6,78%, cao hơn rất nhiều so với bình quân của 5 năm trước là 5,91%. Quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, năm 2020 ước đạt 290 tỷ USD, tăng 1,5 lần so với năm 2015, bình quân đầu người ước đạt 3.000 USD, tăng gấp 1,4 lần so với năm 2015.
Phó Thủ tướng thông tin, đây là những chỉ tiêu GDP tính theo chuẩn cũ. Tới đây, trên cơ sở báo cáo đã được trình Bộ Chính trị, Thủ tướng đã chỉ đạo sẽ cho công bố đánh giá lại quy mô GDP trong 10 năm, từ 2007 – 2017 theo thông lệ quốc tế, với sự trợ giúp tích cực Tổ chức Tiền tệ quốc tế IMF và chuyên gia của Liên hợp quốc. Theo cách đánh giá này, chưa tính khu vực kinh tế chưa quan sát được, đến năm 2017, GDP bình quân đầu người của nước ta đã là 3.003 USD/người và dự báo đến năm 2020 có hơn 3.700 USD/người. Quy mô nền kinh tế tăng khoảng 24,6%. Bộ Chính trị cũng đã có chỉ đạo dùng hệ thống chỉ tiêu cũ để đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của Đại hội và Kế hoạch 5 năm, nhưng đồng thời phải căn cứ vào chỉ tiêu đánh giá lại để xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2030, là mốc kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Về xây dựng nông thôn mới, Phó Thủ tướng cho biết, đã có 52% số xã trong toàn quốc được công nhận nông thôn mới, về trước chỉ tiêu Đại hội và Chiến lược 10 năm về “tam nông” gần 2 năm. Hiện có 95 đơn vị cấp huyện trong toàn quốc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó có một số tỉnh như Nam Định 196/196 xã, 11/11 đơn vị cấp huyện được công nhận nông thôn mới. Đồng Nai 133/133 xã được công nhận nông thôn mới. Hà Nội có gần 90% số xã đạt nông thôn mới.
Về tình hình phát triển văn hóa, xã hội, đời sống của nhân dân, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cơ cấu lao động được dịch chuyển theo hướng tích cực, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đảm bảo. Tỷ trọng lao động nông - lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số lao động dự báo đến năm 2030 chỉ còn 33,5%, giảm mạnh so với 2015 là 44% và mục tiêu của Đại hội là 40%. Dịch chuyển mạnh lao động nông nghiệp sang lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo được cải thiện, diện bao phủ bảo hiểm xã hội được mở rộng, số người tham gia bảo hiểm xã hội dự báo đến năm 2020 đạt 16,5 triệu người, chiếm gần 30% lực lượng lao động.
Đề cập đến công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, Chính phủ rất coi trọng công tác phối hợp với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam. Thời gian qua, hiệu quả phối hợp công tác giữa 2 bên không ngừng được nâng cao; hàng năm Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đều nghiêm túc tổ chức đánh giá kết quả công tác phối hợp và xác định nhiệm vụ trọng tâm phối hợp; hàng tháng Chính phủ luôn trân trọng mời Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tham dự và phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Chính phủ, đặc biệt Chủ tịch Mặt trận tham dự và có phát biểu tại hầu hết ở các phiên họp Chính phủ thường kỳ.
Hai bên cũng luôn phối hợp chặt chẽ để thực hiện tốt các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước và nhân dân giao; Chính phủ luôn quan tâm chỉ đạo, đôn đốc các bộ ngành, UBND các cấp có kế hoạch phối hợp và tạo mọi điều kiện thuận lợi để MTTQ hoạt động và đạt được kết quả cao nhất, nhất là tổ chức các phong trào thi đua yêu nước rộng khắp trên cả nước.
Chương trình phối hợp giữa Chính phủ và Mặt trận được triển khai đa dạng trên hầu hết các lĩnh vực và đạt được nhiều kết quả tích cực, nổi bật là Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo MTTQ Việt Nam các cấp tích cực tuyên truyền, động viên đoàn viên, hội viên phát huy quyền làm chủ của các tổ chức xã hội, hội, hiệp hội và của nhân dân trong mọi lĩnh vực, tạo sự đồng thuận xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân… Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp hiệu quả trong chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế; phối hợp trong đề xuất hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách trên các lĩnh vực dân tộc, tôn giáo, kiều bào,…
“Nhà nước của dân, do dân, vì dân thì trước hết phải nghe được dân, chỉ có tinh thần, thái độ chân thành, nghiêm túc lắng nghe mới hiểu được dân, nắm bắt được người dân mong đợi gì. Những năm qua, MTTQ Việt Nam thực sự đã lắng nghe, tập hợp được những kiến nghị, nguyện vọng thiết thực của nhân dân để phản ánh, đóng góp cho Đảng và Nhà nước, nhất là vấn đề về phát huy dân chủ, phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, chăm lo đời sống nhân dân… Đây là những nội dung rất quan trọng và thiết thực, qua những ý kiến phản ánh của Mặt trận về những vấn đề quốc kế dân sinh, về những vấn đề nhân dân đang quan tâm, Chính phủ có thêm cơ sở để nâng cao chất lượng điều hành và quản lý minh bạch, hiệu quả, hướng tới phục vụ tốt nhất đời sống nhân dân, đặc biệt Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, tạo chuyển biến ở các cấp trong thực thi công vụ theo tinh thần trọng dân, gần dân, sát dân và chú trọng giải quyết những vấn đề bức xúc của nhân dân, phát huy vai trò giám sát của nhân dân trong kiểm soát quyền lực của Nhà nước”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu.
Theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển và trước những khó khăn, thách thức, chúng ta rất cần có các phong trào thi đua, các cuộc vận động để đề cao những giá trị đạo đức, các chuẩn mực văn minh, tiến bộ, tôn vinh những cá nhân điển hình, cách làm hay, tham gia xây dựng cộng đồng xã hội tốt đẹp… đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó Mặt trận đã rất tích cực, chủ động trong triển khai thực hiện, trong phát huy tinh thần sáng tạo của nhân dân trong thực hiện các phong trào yêu nước, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ và chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đất nước ta đang trong giai đoạn phát triển mới, bên cạnh thuận lợi cũng có nhiều khó khăn, thách thức đan xen… Để hoàn thành được nhiệm vụ, trong thời gian tới, một mặt ngoài nhiệm vụ có ý nghĩa then chốt là tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường công tác phối hợp giữa Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, và trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh xây dựng Chính phủ, chính quyền thân thiện, kiến tạo, đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp thì vai trò của MTTQ các cấp ngày càng quan trọng.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ mong muốn MTTQ Việt Nam các cấp đồng hành cùng Chính phủ trong những nội dung lớn. Cụ thể, tăng cường nắm tình hình để tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền nắm bắt thông tin, định hướng dư luận; phát huy hiệu quả các hình thức tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và tự nguyện chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, qua đó xây dựng được sự đồng thuận xã hội, vì sự phát triển chung của đất nước.
Các đại biểu tham dự phiên bế mạc chiều 20/9.
Đồng thời, Chính phủ mong muốn MTTQ Việt Nam các cấp tổ chức đa dạng các diễn đàn, đa dạng hóa các kênh thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin một cách tối đa để người dân có thể bày tỏ nguyện vọng của mình và trực tiếp giám sát kết quả thực hiện các kiến nghị; tăng cường phát huy vai trò của người có uy tín, tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào tôn giáo, người Việt Nam ở nước ngoài; phát huy vai trò của các hội đồng tư vấn, ủy viên Mặt trận các cấp, Ban công tác Mặt trận trong nắm bắt tình hình nhân dân, tuyên truyền vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với chính quyền các cấp tổ chức các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước… Thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, đẩy mạnh vận động nhân dân tham gia phòng chống tham nhũng; phối hợp với chính quyền thực hiện dân chủ ở cơ sở… Tổ chức tốt các hoạt động lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri, nhân dân để kịp thời phản ánh đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền…
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đại đoàn kết toàn dân tộc; hoàn thiện thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của nhân dân trong việc quyết định những vấn đề lớn của đất nước, đảm bảo tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân…Đại đoàn kết toàn dân tộc phải dựa trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích giữa các thành viên trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đảm bảo mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của công cuộc đổi mới. Các bộ, ngành, UBND các cấp phải thường xuyên đối thoại, lắng nghe, học hỏi, tiếp thu ý kiến, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, yêu cầu chính đáng của nhân dân, tin dân, tôn trọng lắng nghe ý kiến nhân dân; có hình thức cơ chế, biện pháp cụ thể, thích hợp để nhân dân bày tỏ chính kiến, nguyện vọng và thực hiện quyền làm chủ của mình thông qua MTTQ và các đoàn thể nhân dân…/.