Lan đột biến - Giao dịch thật hay chiêu trò "thổi giá"?
(ĐCSVN) - Thời gian qua, thông tin về những giao dịch hàng chục tỷ đồng, thậm chí hàng trăm tỷ đồng liên quan đến hoa lan đột biến luôn thu hút sự quan tâm của dư luận. Vấn đề đặt ra là những thông tin đó có chính xác hay không, và nếu đây là những giao dịch thật thì ngân sách nhà nước có thu được thuế?
Giao dịch thật hay chỉ là chiêu trò "thổi giá"?
Hình ảnh lan đột biến được cho là có giao dịch trị giá 250 tỷ đồng tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh cắt từ clip). |
Khoảng hơn một năm trở lại đây, người chơi hoa lan Việt Nam liên tục đón nhận thông tin về các giao dịch “khủng”, có giá trị từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng. Cùng với các giao dịch này, mạng xã hội cũng liên tục xuất hiện hình ảnh những “đại gia lan”, những người “đổi đời” sau khi đầu tư vào lan đột biến. Mới đây nhất ngày 15/3, trên facebook của một cá nhân đã đăng tải thông tin về việc nhận chuyển giao 3 cuộc giao dịch lớn với vườn lan var Đất Mỏ tại thị xã Đông Triều (Quảng Ninh). Tổng giá trị giao dịch này là 288,5 tỷ đồng, trong đó có 1 cây Ngọc Sơn Cước có giá 250 tỷ đồng, 1 lá non Pleiku giá 20,5 tỷ đồng và 2 lá non Cờ đỏ giá 18 tỷ đồng. Trước đó, ngày 12/3, trên mạng xã hội cũng lan truyền hình ảnh một vụ chuyển nhượng cây lan Bảo Duy 5 cánh trắng ở Hà Nam với giá 18.888.888.888 đồng.
Điểm chung của những giao dịch này là khi đăng tải trên mạng xã hội đều có hình ảnh đi kèm để chứng minh tính xác thực. Các hình ảnh đi kèm cũng thể hiện các giao dịch được trao đổi bằng tiền mặt, với hàng trăm cọc tiền gồm nhiều mệnh giá khác nhau được xếp ngay ngắn. Nhiều người hoài nghi về tính xác thực của những giao dịch này bởi mức giá... siêu cao!
Tiếp cận từ góc độ pháp lý, Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, vấn đề mấu chốt ở đây là cơ quan chức năng cần có biện pháp xác minh và buộc các cá nhân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế thu nhập, nếu đây là những giao dịch thật, thỏa mãn quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp cá nhân có hành vi trốn thuế thì có thể xử lý hình sự về tội trốn thuế theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ở chiều hướng khác, nếu các cá nhân liên quan thừa nhận đây là giao dịch giả mạo, không phải giao dịch thật thì cần xem xét xử lý về hành vi đưa thông tin trái phép trên mạng internet. Đặc biệt, nếu hành vi đưa thông tin giả mạo, sai trái lên mạng xã hội làm ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì hành vi này có thể xử lý hình sự theo Điều 288 Bộ luật Hình sự năm 2015. Theo đó, tùy thuộc vào tính chất, mức độ cụ thể, cá nhân vi phạm có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm hoặc có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Mặt khác, cơ quan chức năng cũng cần làm rõ động cơ, mục đích đưa thông tin thiếu chính xác của các cá nhân này. Nếu đủ căn cứ xác định hành vi này là thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác với số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì cần xử lý hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ Luật Hình sự năm 2015. Trường hợp số tiền chiếm đoạt từ 500.000.000 đồng trở lên thì các đối tượng có thể phải chịu mức chế tài là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Cơ quan chức năng vào cuộc
Được biết, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), Cục thuế các tỉnh, thành phố đang phối hợp cùng các cơ quan chức năng rà soát, xác minh làm rõ các giao dịch liên quan đến lan đột biến. Việc xác minh này sẽ là căn cứ để xác định trách nhiệm thuế của doanh nghiệp hoặc cá nhân (nếu các giao dịch nói trên là thật). Theo đó, nếu xác định được doanh nghiệp tham gia giao dịch mua bán thì doanh nghiệp sẽ phải chịu các mức thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập doanh nghiệp 20% (loại hình doanh nghiệp thông thường). Tổng mức thuế bị truy thu 30% trên giá trị thương vụ.
Còn đối với cá nhân, theo quy định tại Thông tư số 92/2015 của Bộ Tài chính, các mức thuế bị truy thu sẽ dựa trên doanh thu. Trường hợp lan đột biến là hàng hóa, cá nhân người bán sẽ chịu tổng mức thuế 1,5% (trong đó thuế VAT là 1%, thuế thu nhập cá nhân là từ 0,5%).
Văn bản của Cục Thuế tỉnh Sơn La. (Ảnh: NTH). |
Liên quan đến những giao dịch lan đột biến “giá trị tiền tỷ”, để tránh thất thu ngân sách, ngành Thuế một số địa phương cũng đã chủ động ban hành văn bản hướng dẫn người dân thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Mới đây, Cục Thuế tỉnh Sơn La đã có văn bản thông báo, yêu cầu người buôn bán hoa lan đột biến phải kê khai, nộp thuế. Theo Cục Thuế tỉnh Sơn La, thời gian vừa qua trên địa bàn tỉnh này có các cá nhân, tổ chức kinh doanh hoa phong lan đột biến gen có giá trị lớn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Cục Thuế tỉnh Sơn La, Chi cục Thuế khu vực các huyện, TP chưa nhận được hồ sơ đăng ký, kê khai và nộp thuế đối với hoạt động kinh doanh hoa lan.
Để thực hiện đúng quy định của Luật Quản lý thuế, các chính sách thuế, chống thất thu ngân sách trên địa bàn. Cục Thuế tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế với cơ quan thuế. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện đăng ký, kê khai và nộp thuế, qua kiểm tra phát hiện có giao dịch, kinh doanh hoa phong lan đột biến gen sẽ truy thu và xử phạt theo pháp luật thuế hiện hành.
Thực tế cho thấy, hiện tượng “sốt ảo”, “giá ảo” gắn với các mặt hàng nông nghiệp đã xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau. Nhiều năm trước, có thể kế đến hiện tượng thổi giá cây sanh cảnh từ vài trăm nghìn lên chục triệu, trăm triệu và cả tỷ đồng. Hệ quả là đã có không ít người dân đổ tiền đầu tư vào cây sanh cảnh để rồi rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà, mất đất.
Các chuyên gia cho rằng, với những giao dịch lên tới hàng trăm tỷ đồng, rõ ràng giá trị chuyển nhượng (nếu có thực) của lan đột biến đang bị đưa lên quá cao so với giá trị thực. Do vậy, người dân cần tỉnh táo khi tiếp nhận những thông tin liên quan đến các giao dịch này. Từ đó cân nhắc kỹ trước khi quyết định đầu tư vào các giao dịch liên quan đến lan đột biến để tránh việc “tiền mất tật mang”./.