Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Làm gì khi F0 tăng cao?

Thứ Năm, 03/03/2022 19:05 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Khi số lượng ca nhiễm COVID-19 trên địa bàn cả nước trên 100 nghìn ca mỗi ngày, nhiều người đã suy nghĩ “rồi ai cũng thành F0”. Suy nghĩ này nảy sinh tâm lý chủ quan trong cộng đồng về công tác phòng, chống dịch bệnh, có thể làm cho số ca COVID-19 tăng cao hơn. Điều này chắc chắn sẽ đè nặng lên không chỉ hệ thống y tế mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Vậy, chúng ta cần làm gì để kéo giảm ca mắc mới cũng như sớm dập dịch?

 Ngày 2/3, lần đầu số mắc COVID-19 ở nước ta lên đến 110.301 ca. (Ảnh minh họa: TA)

Kể từ đầu tháng 10/2021, Việt Nam chúng ta đã từng bước nới lỏng một số biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, thích ứng an toàn, hiệu quả với dịch để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội. Đó là chủ trương đúng, nhận được sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp. Có được điều đó chính là do chúng ta đã thần tốc bao phủ vaccine toàn dân, với tỉ lệ cao hàng đầu thế giới. Điều này lý giải vì sao thời gian gần số người trở bệnh nặng ít, tỉ lệ tử vong cũng thấp.

Nhưng mấy ngày gần đây, số lượng người nhiễm COVID-19 lại tăng cao. Ngày 1/3, Việt Nam ghi nhận 98.762 ca nhiễm mới; ngày 2/3, lần đầu số mắc COVID-19 ở nước ta lên đến 110.301 ca. Trong đó Hà Nội nhiều nhất hơn 15.000 F0; TP Hồ Chí Minh tăng lên hơn 2.700 F0… Số ca mắc mới ngày sau luôn cao hơn ngày trước nên cũng chưa thể khẳng định thời điểm nào Việt Nam sẽ đạt tới đỉnh dịch rồi đi xuống.

Điều đáng nói là cũng vì số ca liên tục tăng và liên tục “lập kỷ lục mới” nên trên các trang mạng xã hội có nhiều tin, bài đăng với nội dung: Rồi ai cũng thành F0, hắt hơi, đau đầu, ho, uống thuốc vài ba hôm là hết. Đây là điều khiến dư luận cảm thấy bất an, chuyên gia cảm thấy lo lắng.

Nói về tâm lý này, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân cần tránh tâm lý chủ quan, chờ đợi “ai rồi cũng thành F0”. Bởi vì được chữa khỏi COVID-19 không có nghĩa là hoàn toàn vô sự. Nhiều ca F0 sau khi có các kết quả xét nghiệm âm tính vẫn gặp các triệu chứng tồn tại dai dẳng, thậm chí phải quay trở lại bệnh viện để điều trị.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, quan điểm của nước ta là sống chung với dịch, nhưng sống chung thế nào cho an toàn phải tính toán hợp lý. Nếu buông xuôi, thả lỏng, nghĩ "ai rồi cũng thành F0" thì rất nguy hiểm, kéo theo vô số những hệ lụy, trong đó có quá tải hệ thống y tế, khiến số ca bệnh nặng, tử vong tăng vọt.

Đúng như các chuyên gia đánh giá, các công trình nghiên cứu cho thấy, có 33% - 76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 kéo dài ít nhất 6 tháng, 20% người bệnh phải tái nhập viện; 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.

Chưa hết, không chỉ tăng cao về số F0 ghi nhận được hằng ngày, số ca bệnh tử vong cũng bắt đầu tăng. Ví dụ như ngày 26/2, cả nước ghi nhận 88 ca tử vong; ngày 28/2 ghi nhận 108 ca tử vong thì đến ngày 02/3 ghi nhận 114 ca tử vong… Tại Hà Nội, nếu như trước ngày 23/2, số ca tử vong ghi nhận được tại Thủ đô ở mức dưới 20 ca/ngay thì từ ngày 24/2 tới nay, trung bình 1 ngày Hà Nội có khoảng 21 bệnh nhân tử vong - theo số liệu công bố từ Bộ Y tế.

Nhận định về tình hình dịch bệnh, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng nhanh, số ca tử vong cũng bắt đầu tăng và hiện tượng quá tải hệ thống y tế cơ sở đã xuất hiện.

 “Chúng ta chỉ có thể thả lỏng hoàn toàn khi có được một hệ thống y tế tốt, có khả năng chống đỡ, còn ở điều kiện hiện tại, nếu để dịch bùng phát mạnh sẽ dẫn tới việc y tế bị quá tải. Bên cạnh đó, nếu không thực hiện quy định cách ly nghiêm túc, các F0 sẽ trở thành nguồn lây cho nhiều người khác, nguy hiểm hơn là lây cho người già, người có bệnh nền và trẻ em, khiến dịch lây lan theo cấp số nhân”- PGS.TS Trần Đắc Phu nói.

Vì thế, ngay lúc này, mỗi người dân không nên hoang mang lo sợ, nhưng cũng tránh tâm lý chủ quan, thả lỏng, chờ đợi “rồi ai cũng là F0 sẽ khiến nhiều người mắc hơn và dịch sẽ kéo dài, tác động tiêu cực tới việc hồi phục, phát triển kinh tế - xã hội cũng như cuộc sống. Mỗi người, mỗi gia đình cần bình tĩnh, áp dụng các biện pháp phòng chống để hạn chế số ca mắc mới; cùng đó là bảo vệ những người khỏe mạnh để tiếp tục làm việc, để cuộc sống không bị “đứng im”, “đóng băng”, không dịch chuyển…

Các chuyên gia y tế cũng đã lưu ý, không riêng gì F0 hay F1, mà tất cả mọi người cần nâng cao cảnh giác, chủ động phòng, chống dịch, hạn chế đi lại, tiếp xúc nhiều; không tụ tập, không đến nơi đông người khi không cần thiết… Khi thấy dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe cần xét nghiệm COVID-19 tại nhà. Nếu dương tính, nên báo cho lực lượng y tế nơi mình cư trú để được tư vấn điều trị.

Mặt khác, mỗi người cần ý thức tham gia tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và không vì đã tiêm vaccine mà lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Mỗi cơ quan, đơn vị cần tuyên truyền người dân, các cơ quan, đơn vị, trường học, xí nghiệp... thực hiện thông thoáng nhà cửa, nơi làm việc để giảm nguy cơ lây nhiễm; tăng cường họp, làm việc online…

Sống chung với virus gây bệnh COVID-19, đó là quyết tâm lớn đòi hỏi ý thức tự bảo vệ của mỗi cá nhân, của cả cộng đồng. Cùng với vaccine thì việc thực hiện nghiêm chỉnh quy định 5K là “lá chắn” hết sức quan trọng để chặn đà lây lan của virus, để dịch sớm được dập tắt. Đây cũng là thời điểm rất cần những quyết định đúng đắn, sáng suốt của ngành Y tế cũng như chính quyền các cấp, các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp và cũng là của từng cá nhân, từng gia đình và cả cộng đồng. Vì thế, người dân cần sớm loại bỏ tâm lý “Rồi ai cũng bị f0” và tích cực, chủ động hơn nữa để chung tay cùng cộng đồng phòng, chống dịch COVID-19./.

Trung Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN