Làm đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong sự đa dạng, kết nối với văn hóa của 54 dân tộc
(ĐCSVN) – Đó là khẳng định của ông Trần Tiến Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu trong buổi làm việc sáng 2/11 với đại diện lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về tiến độ triển khai Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021.
Theo Kế hoạch tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III tại tỉnh Lai Châu, năm 2021 (sau đây gọi tắt là Ngày hội), dự kiến, Ngày hội sẽ được tổ chức từ ngày 24 - 26/12/2021 tại TP. Lai Châu với sự tham gia của 13 tỉnh có đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Lễ khai mạc Ngày hội dự kiến được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam và Đài địa phương.
Theo ông Trần Tiến Dũng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu xây dựng kế hoạch, kịch bản chi tiết các hoạt động của Ngày hội. Phải làm đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc Mông trong sự đa dạng, kết nối với văn hóa của 54 dân tộc anh em.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III dự kiến sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc. (Ảnh minh họa: Thành Công) |
Cũng theo ông Trần Tiến Dũng, Lai Châu hiện có trên 80% người dân trên 18 tuổi tiêm vaccine mũi 1, trên 20% tiêm đủ 2 mũi vaccine. Trong thời gian tới, tỉnh quyết tâm tăng tỉ lệ người dân tiêm mũi 2. Tỉnh Lai Châu xác định thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, với quyết tâm tổ chức thành công ngày hội, các phương án tổ chức được xây dựng nhằm đảm bảo chống dịch theo quy định của Chính phủ.
Đến nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lai Châu đã tham mưu cho UBND tỉnh Lai Châu gửi thông báo đến các tỉnh tham gia Ngày hội, giao nhiệm vụ cho các tiểu ban nội dung, tuyên truyền khánh tiết và thi đua khen thưởng, hậu cần, lễ tân, an ninh, chăm sóc sức khỏe và triển khai các hoạt động chuẩn bị cho Ngày hội, đảm bảo an toàn trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Công tác chuẩn bị đang được tiến hành khẩn trương, chu đáo, sẵn sàng để Ngày hội diễn ra một cách trang trọng và lan tỏa được bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào Mông trên cả nước, lan tỏa được tiềm năng, thế mạnh, vẻ đẹp của miền đất, con người Lai Châu tới bạn bè trong nước và quốc tế.
Tỉnh Lai Châu kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ công tác truyền thông, họp báo quảng bá Ngày hội, đồng thời kết nối với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam để truyền hình trực tiếp Ngày hội.
Đánh giá cao sự chủ động của tỉnh Lai Châu trong việc chuẩn bị tổ chức Ngày hội, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cũng bày tỏ thống nhất với những đề xuất, kiến nghị của địa phương.
Thứ trưởng cho rằng, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III là dịp để các tỉnh tham gia học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, ngành và đồng bào các dân tộc trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Mông, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Đồng thời, là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, kinh tế-xã hội. Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III, năm 2021 còn là hoạt động có ý nghĩa rất quan trọng đối với tỉnh Lai Châu và các địa phương tham gia, góp phần kích cầu du lịch, quảng bá hình ảnh sau thời gian dài nhiều hoạt động bị ảnh hưởng do dịch bệnh COVID-19.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị của Bộ, thông qua đầu mối là Vụ Văn hóa dân tộc, phối hợp với tỉnh Lai Châu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình theo kế hoạch đã phân công.
Thứ trưởng cũng lưu ý, địa phương khắc phục khó khăn, căn cứ tình hình thực tiễn để tổ chức Ngày hội đảm bảo an toàn, hiệu quả, thực sự tạo không khí sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa cho đồng bào Mông nói riêng và cộng đồng các dân tộc Lai Châu nói chung.
Ngày hội văn hóa dân tộc Mông lần thứ III, năm 2021 là một sự kiện văn hóa quy mô lớn, được tổ chức tại tỉnh Lai Châu, thể hiện sự tôn vinh văn hóa một tộc người giàu truyền thống văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc anh em. Đây cũng là dịp để nghệ nhân, diễn viên quần chúng của 14 tỉnh tham gia Ngày hội có điều kiện học tập, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức cho các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc ý thức trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế, góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế-xã hội tại các địa phương tham gia Ngày hội.
Với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông/Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển", Ngày hội dự kiến sẽ có nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc như: Liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch của 14 tỉnh tham gia Ngày hội; Thi giã bánh giầy; Triển lãm "Đặc trưng văn hóa dân tộc Mông trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam"; Hoạt động thể thao quần chúng dân tộc Mông; Tổ chức đoàn Famtrip (các hãng lữ hành trong nước) khảo sát du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái tại tỉnh Lai Châu.
Bên cạnh đó còn có một số hoạt động nằm trong khuôn khổ Ngày hội của tỉnh Lai Châu gồm: Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lai Châu năm 2021; Không gian trưng bày, quảng bá sản phẩm văn hóa, du lịch, sản phẩm OCOP, nông sản địa phương của các huyện, thành phố, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thuộc tỉnh Lai Châu; Không gian giới thiệu ẩm thực; Triển lãm ảnh về miền đất, con người Lai Châu.