Lai Châu: Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) - Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo trong nước sau khi được cấp bằng tốt nghiệp được hỗ trợ trình độ tiến sĩ 100 triệu đồng/người, trình độ thạc sĩ 50 triệu đồng/người.
Đây là một trong những nội dung chính sách được áp dụng từ 01/8/2023 đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Lai Châu theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh mới ban hành.
Chính sách hỗ trợ được áp dụng đối với đào tạo chuyên môn từ đại học trở lên, trừ đào tạo đại học đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập; đào tạo lý luận chính trị từ trung cấp trở lên; bồi dưỡng kiến thức, kĩ năng quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch công chức, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, kiến thức, kỹ năng theo yêu cầu, vị trí việc làm, lãnh đạo, quản lý.
cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số công tác tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh Lai Châu được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng (Ảnh minh họa) |
Điều kiện cử đi đào tạo và được hưởng chính sách đào tạo sau đại học đối với cán bộ, công chức người dân tộc thiểu số là phải có thời gian công tác từ đủ 3 năm trở lên, không kể thời gian tập sự và 2 liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; Không quá 40 tuổi tính từ thời điểm được cử đi đào tạo sau đại học lần đầu; Có cam kết thực hiện nhiệm vụ công vụ tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Đào tạo sau đại học đối với viên chức người dân tộc thiểu số chỉ cần đáp ứng các điều kiện: Đã kết thúc thời gian tập sự; Cam kết thực hiện nhiệm vụ hoạt động nghề nghiệp tại cơ quan, đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; Chuyên ngành đào tạo phù hợp với vị trí việc làm.
Điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ đại học đối với cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số gồm: Có cam kết làm việc tại cơ quan đơn vị sau khi hoàn thành chương trình đào tạo trong thời gian ít nhất gấp 2 lần thời gian đào tạo; Có trong quy hoạch, kế hoạch cử đi đào tạo đại học đối với học đại học lần đầu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Có 2 năm liên tục liền kề trước thời điểm được cử đi đào tạo, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.
Việc hỗ trợ đào tạo lý luận chính trị được thực hiện theo quy định của Đảng và có trong quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các khoản hỗ trợ đào tạo gồm: Hỗ trợ tiền mua giáo trình, tài liệu học tập bắt buộc cho cả khóa học theo chứng từ hóa đơn hợp pháp của cơ sở đào tạo. Hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo có khoảng cách từ 10km trở lên được tính theo khoảng cách từ nơi đăng ký thường trú đến cơ sở đào tạo 1.200.000 đồng/người/tháng, trừ đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp xã gồm: Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân.
Hỗ trợ thuê chỗ nghỉ trong thời gian đi đào tạo tập trung tại cơ sở đào tạo có khoảng cách từ 10km trở lên được tính theo khoảng cách từ nơi đăng ký thường trú đến cơ sở đào tạo; trong trường hợp cơ sở đào tạo hoặc đơn vị tổ chức đào tạo xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ hoặc bố trí chỗ nghỉ nhưng thu tiền, trừ đối tượng là cán bộ chủ chốt cấp xã gồm: Bí thư, Phó bí thư, Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân theo mức: Ngoài tỉnh và tại thành phố Lai Châu: 1 triệu đồng/người/tháng; trên địa bàn các huyện còn lại 800.000 đồng/người/tháng. Riêng cán bộ, công chức, viên chức là nữ, người dân tộc thiểu số được hỗ trợ thêm 300.000 đồng/người/tháng.
Thời gian hưởng hỗ trợ tiền ăn, tiền thuê chỗ nghỉ được tính theo số tháng thực học. Trường hợp có thời gian học dưới 15 ngày một tháng thì được tính bằng một nửa tháng. Có thời gian học từ 15 ngày trở lên thì được tính bằng một tháng.
Hỗ trợ bồi dưỡng gồm: hỗ trợ một phần tiền ăn trong thời gian đi bồi dưỡng tập trung tại cơ sở đào tạo bồi dưỡng có khoảng cách từ 10km trở lên được tính theo khoảng cách từ nơi đăng ký thường trú đến cơ sở đào tạo bồi dưỡng theo mức: Ngoài tỉnh 60.000 đồng/người/tháng, trong tỉnh 50.000 đồng/người/tháng.
Hỗ trợ thuê chỗ nghỉ trong thời gian đi bồi dưỡng tập trung tại cơ sở đào tạo bồi dưỡng có khoảng cách từ 10km trở lên, được tính theo khoảng cách từ nơi đăng ký thường trú đến cơ sở đào tạo bồi dưỡng. Trong trường hợp cơ sở đào tạo bồi dưỡng hoặc đơn vị tổ chức bồi dưỡng xác nhận không bố trí được chỗ nghỉ hoặc bố trí chỗ nghỉ nhưng thu tiền, mức hỗ trợ ngoài tỉnh là 80.000 đồng/người/tháng, trong tỉnh 50.000 đồng/người/tháng.
Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo trong nước sau khi được cấp bằng tốt nghiệp được hỗ trợ trình độ tiến sĩ 100 triệu đồng/người, trình độ thạc sĩ 50 triệu đồng/người.
Cán bộ, công chức, viên chức được cấp có thẩm quyền cử đi đào tạo ở nước ngoài trình độ tiến sĩ được hỗ trợ 150 triệu đồng/người; trình độ thạc sĩ 80 triệu đồng/người.
Cán bộ, công chức, viên chức người dân tộc thiểu số được gửi đi đào tạo phải đền bù chi phí khi thuộc một trong các trường hợp được quy định tại Điều 7 Nghị định số 101/NĐ-CP ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Việc đền bù chi phí đào tạo được thực hiện theo quy định tại Điều 8, Điều 9 của Nghị định này.