Lai Châu: Đẩy mạnh công tác bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số
(ĐCSVN) – Với 20 dân tộc anh em cùng sinh sống, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 84,6%, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, bền vững.
Tỉnh Lai Châu có 20 dân tộc cùng chung sống, trong đó có những dân tộc thiểu số đặc biệt ít người như: Lào, Lự, Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Khơ Mú, Kháng... Đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Lai Châu có mật độ dân cư thưa thớt, chủ yếu đồng bào sống xa trung tâm. Tiếng nói, phong tục tập quán của từng tộc người đều có những đặc trưng riêng biệt, trình độ phát triển không đồng đều, khoảng cách về mức hưởng thụ và sáng tạo văn hóa giữa các dân tộc, vùng, miền còn hạn chế. Việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc để Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước (Nghị quyết 33) thực sự đi vào cuộc sống, công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số đã được các cấp chính quyền coi là nhiệm vụ quan trọng, góp phần xây dựng Lai Châu phát triển toàn diện, bền vững.
Lưu giữ những nét đẹp trong trang phục dân tộc Dao tỉnh Lai Châu (Ảnh: laichau.gov.vn) |
Đồng chí Trần Mạnh Hùng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao & Du lịch (VH – TTDL) cho biết: tỉnh Lai Châu đã ban hành nhiều văn bản, triển khai thực hiện các đề án, dự án nhằm cụ thể hóa việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 33 đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương như: “Bảo vệ cấp thiết văn hóa các dân tộc trong vùng ngập lòng hồ thủy điện Lai Châu”; Phối hợp với Viện Âm nhạc, Học Viện âm nhạc quốc gia Việt Nam xây dựng hồ sơ khoa học Di sản văn hóa phi vật thể “Then dân tộc Thái tỉnh Lai Châu” trong hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam” đề nghị UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Triển khai thực hiện dự án bảo tồn văn hóa các dân tộc Cống, Mảng, La Hủ, Si La, Lự…
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ tại cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như: Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã biên giới, Liên hoan nghệ thuật quần chúng các bản tái định cư, Liên hoan dân ca, Hội diễn Nghệ thuật quần chúng các xã nông thôn mới, ngày hội Văn hóa – Thế thao các dân tộc Lai Châu... Phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục chính sách, pháp luật nói chung, công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống cho đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng theo từng chuyên đề như: “Xuân biên cương”, “Nhịp xòe bản mới”, “Giữ gìn bản sắc dân tộc”…
Nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, kiểm kê, truyền dạy di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc được triển khai thực hiện hiệu quả như: Đề án kiểm kê 13 dân tộc thiểu số; Đề án kiểm kê danh mục di sản văn hóa phi vật thể dân tộc Giấy, Lào, Lự, Mảng, Khơ Mú, Si La... Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các lớp truyền dạy kỹ thuật sử dụng nhạc cụ và các lớp truyền dạy dân ca, dân vũ các tộc người trên địa bàn tỉnh trước nguy cơ mai một, thất truyền của dân tộc. Nhờ đó đã có nhiều nghệ nhân dân gian được công nhận, họ đã nỗ lực tham gia bảo tồn văn hóa của dân tộc mình. Là nghệ nhân dân gian duy nhất của người Si La, một dân tộc chưa đến 1.000 người sinh sống tại Việt Nam, Nghệ nhân Hù Cố Xuân – bản Seo Hai, xã Kan Hồ, huyện Mường Tè chia sẻ: Nhiều năm qua, tôi đã tập chung nghiên cứu về văn hóa dân tộc mình để lưu giữ những bộ trang phục và những nghi lễ, kho tàng thơ ca dân gian. Cùng với các cơ quan chuyên môn của trung ương, tỉnh và huyện tham gia các dự án phục dựng, duy trì bảo tồn những nghi lễ, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Si La. Đồng thời, phối hợp với những người già có uy tín người Si La trên địa bàn truyền lại cho các thế hệ trẻ những bài hát, điệu múa, những trò chơi dân gian truyền thống, thông qua những ngày lễ, tết, các buổi sinh hoạt cộng đồng, những buổi tập của đội văn nghệ bản…
Khám phá văn hóa đồng bào các dân tộc luôn có sức hút với du khách trong và ngoài nước (Ảnh: baodantoc.vn) |
Để công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số hiệu quả không thể không nhắc đến Ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch các dân tộc được tổ chức hàng năm tại các huyện, thành phố. Ngày hội đã thu hút đông đảo nghệ nhân, diễn viên tham gia biêu diễn các làn điệu dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian và lễ hội truyền thống của mỗi dân tôc qua đó quảng bá hình ảnh về đất và người, những đặc trưng riêng biệt về sản vật nông nghiệp, cảnh quan thiên nhiên gắn với phát triển du lịch. Nhờ đó, đã góp phần tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; tạo động lực mới, khí thế mới để người dân thi đua phát triển kinh tế, xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ vững chắc biên cương tổ quốc...
Nghị quyết 33 đã tạo nên những chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống tinh thần của người dân đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các dân tộc trên địa bàn đã duy trì thường xuyên 36 lễ hội truyền thống; bảo tồn phát huy giá trị bản sắc văn hóa của 20 di tích cấp tỉnh và 5 di tích cấp quốc gia gắn với phát triển du lịch; 100% số thôn, bản, tổ dân phố duy trì hoạt động thường xuyên đội văn nghệ quần chúng.
Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới tỉnh Lai Châu tiếp tục xây dựng và triển khai thực hiện các đề án, dự án gắn với triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 – 2025 nhằm bảo tồn phát huy giá trị, bản sắc văn hóa của từng dòng họ, tộc người, đặc biệt là các dân tộc chỉ có ở tỉnh Lai Châu, găn với phát triển du lịch, cũng như quảng bá, giới thiệu hình ảnh thân thiện, mến khách đến với du khách trong nước, quốc tế.