Kỳ vọng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược
(ĐCSVN) - Một trong những nội dung quan trọng được đề cập tại Hội nghị Trung ương 7 là xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nội dung này đã và đang nhận được sự quan tâm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đánh giá cán bộ vẫn là khâu yếu
Ông Nguyễn Thanh Bình - Ảnh: Ngọc Anh |
“Vì vậy, việc Trung ương bàn về nội dung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bản thân tôi cũng như nhiều cán bộ, đảng viên về hưu đánh giá rất cao, nhất là khi đánh giá cán bộ theo hướng xuyên suốt, liên tục, đa chiều, bằng sản phẩm cụ thể và so sánh với các chức danh tương đương.
Việc Trung ương hoàn thiện cơ chế để cán bộ, đảng viên thực sự gắn bó với dân cũng hoàn toàn đúng đắn bởi có những chuyện ở khu dân cư biết rất rõ người cán bộ đó sinh hoạt thế nào, có lối sống ra sao, từ đó đánh giá hoàn toàn chính xác; tránh để “lọt” cán bộ không đủ tài, đức bổ nhiệm vào những vị trí cao hơn”, ông Bình nêu quan điểm.
Nhân dân rất đồng tình với việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng - Ảnh: Hiền Anh |
Theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Học viện khu vực IV, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, việc Hội nghị Trung ương 6 ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì đến Hội nghị Trung ương 7 bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp là điều tất yếu, bởi khi đã đề cập đến tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị thì phải đề cập đến con người trong bộ máy đó.
PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, huyện không phải là người địa phương sẽ được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất đồng tình. “Việc bố trí này theo tôi phải gắn với công tác xây dựng Đảng, phải đảm bảo môi trường cho cán bộ phát triển. Để chuẩn bị cho cán bộ luân chuyển về địa phương, phải tính toán đảng bộ đó, địa phương đó như thế nào? Cán bộ về phải tiếp tục được giúp đỡ chứ đưa về nơi mất đoàn kết thì rất khó cho họ. Thực tế, nhiều cán bộ khi luân chuyển được cấp ủy, nhân dân tín nhiệm, đánh giá cao và bản thân cán bộ cũng trưởng thành từ cơ sở. Những người làm công tác cán bộ cũng phải luôn ghi nhớ lời Bác: “Cân nhắc cán bộ, không nên làm như “giã gạo”. Nghĩa là trước khi cân nhắc không xem xét kỹ. Khi cân nhắc rồi không giúp đỡ họ; khi họ sai lầm thì đẩy xuống, chờ lúc họ làm khá lại cân nhắc lên. Một cán bộ bị nhấc lên, thả xuống ba lần như thế là hỏng cả đời”.
Có cơ chế thu hút người tài đặc biệt ở cấp chiến lược
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Quốc Dũng, cần tạo cơ chế lựa chọn, tuyển chọn cán bộ để có cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên”, biết hy sinh cho đất nước, cho nhân dân, tinh thông về nghiệp vụ. Trình độ của cán bộ phải tương xứng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, phải nhìn nhận các vấn đề theo quy luật chung của thế giới. Việc lựa chọn cán bộ cũng nên tham khảo các bài kiểm tra tổng quát về chỉ số thông minh (IQ), chỉ số cảm xúc (EQ), thái độ ứng xử theo tình huống, khả năng lập luận, khả năng tính toán, sắp xếp… mà thế giới đã sử dụng để tuyển chọn nhân sự lâu nay.
Thạc sỹ Bùi Quang Hiệp - Ảnh: Bảo Hưng |
Theo Thạc sỹ Bùi Quang Hiệp - giảng viên khoa Xây dựng Đảng, Học viện Báo chí và tuyên truyền, cán bộ là nhân tố quyết định, có đường lối chính trị đúng đắn cần có những cán bộ kiên định về nền tảng tư tưởng, nắm vững đường lối, đảm bảo tính vững chắc liên tục của đường lối, sự phát triển lâu dài, bền vững của đất nước.
Cán bộ cấp chiến lược ở nước ta khoảng 600 người. Theo như đề án của Ban Tổ chức Trung ương xác định đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp chiến lược là các chức danh cán bộ diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bao gồm: các đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước; trưởng, phó cơ quan tham mưu, giúp việc, đơn vị sự nghiệp của Đảng; bộ trưởng, thứ trưởng và tương đương; bí thư, phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương; chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Để lựa chọn được chính xác cán bộ cấp chiến lược cần phải xác định các tiêu chuẩn cụ thể, chú ý đến tư duy của cán bộ cấp chiến lược, bởi cán bộ cấp chiến lược có vai trò đặc biệt quan trọng, có trách nhiệm lớn đối với vận mệnh của Đảng, tương lai của đất nước.
“Khi cán bộ đủ tiêu chuẩn được quy hoạch vào chức danh cấp chiến lược phải được đào tạo toàn diện về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng và nghệ thuật lãnh đạo, quản lý theo chương trình chuyên biệt, nhưng điều cần thiết đối với đào tạo cán bộ cấp chiến lược vẫn là tầm nhìn và tư duy chiến lược nhằm phát huy và rèn luyện tố chất, năng lực, sáng tạo, cầu thị tiếp thu khoa học, công nghệ và quản lý tiên tiến, có bản lĩnh; dám nghĩ, dám hành động vì lợi ích của Đảng và nhân dân”, giảng viên Bùi Quang Hiệp nói.
Ông Lê Bá Ngọc - Ảnh: Ngọc My |
Theo ông Lê Bá Ngọc, Tham tán Thương mại, Đại sứ quán Việt Nam tại Iran, phải có cơ chế đào tạo, lựa chọn, bảo vệ người tài trong bộ máy, tạo cơ hội thi tuyển, cạnh tranh bình đẳng, công khai, minh bạch hơn để những người tài, đức có cơ hội tham gia đội ngũ lãnh đạo, cống hiến cho đất nước; phát huy được trí thức Việt kiều, nguồn nhân lực được đào tạo bài bản từ nước ngoài...
“Cán bộ tốt, cán bộ giỏi ở đâu cũng có, vấn đề là chúng ta có phát hiện, có tuyển chọn được hay không, có cơ chế như: lương, thưởng, thu nhập xứng đáng để nhân tài xuất hiện, cống hiến hay không. Qua nhiều năm công tác ở Trung Đông tôi thấy, ở Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) là nơi mà người tài được trọng dụng, các ý tưởng đột phá, táo bạo của những chuyên gia hàng đầu, có danh tiếng trên thế giới trên các lĩnh vực… được ghi nhận, triển khai mạnh mẽ. Kết quả đã tạo ra một UAE phát triển thần kỳ. Đây cũng là bài học thu hút nhân tài mà nước ta nên học hỏi” - ông Lê Bá Ngọc chia sẻ./.