Kỳ vọng kiểm soát những bất ổn nội tại
(ĐCSVN) - Trong bối cảnh nền kinh tế gặp vô vàn khó khăn như năm 2021, việc giữ ổn định giá trị đồng tiền, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô là những thành công lớn của Việt Nam. Song dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, chưa kể, những bất ổn nội tại của hệ thống ngân hàng như “tảng băng chìm” dần phát lộ là thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thời gian tới.
Ảnh minh họa (Ảnh: M.P) |
Thực tế, năm 2021, theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, được coi là một năm nhiều thành công của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khi hầu như tất cả các mục tiêu lớn đều đạt được. bên cạnh giữ ổn định vĩ mô, năm qua, ngành ngân hàng cũng có rất nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thể hiện sự đồng hành cùng doanh nghiệp.
Như khẳng định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, thành công lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Ổn định vĩ mô chính là điều kiện để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất và là nền tảng để phát triển các thị trường khác, như: thị trường chứng khoán, thị trường tiền tệ, thị trường bất động sản…
Và tất nhiên, mọi con mắt dường như đều đổ dồn về phía ngân hàng, có cả sự mong mỏi, sự trách móc, lẫn nỗi đồng cảm. Có người thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước “gặp may”, bởi sức mua suy giảm là một trong những nguyên nhân khiến lạm phát thấp, song đây không phải là lý do duy nhất. Trên thế giới, nhiều quốc gia đang rơi vào cảnh lạm phát tăng phi mã, dù tăng trưởng GDP ở mức rất thấp. Trong khi đó, hoạt động điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển, “bơm – hút” nhịp nhàng của Ngân hàng Nhà nước đã góp phần giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) về mức thấp nhất trong vòng 5 năm qua.
Trong bối cảnh ấy, ai cũng muốn kinh tế nhanh chóng phục hồi, thậm chí, nhiều người kêu gọi chấp nhận tăng lạm phát, tăng thâm hụt ngân sách, bơm tiền ra để kích thích tăng trưởng. Song điều quan trọng nhất là phải ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát bùng lên để không ảnh hưởng đến sự phục hồi của doanh nghiệp, đời sống của người lao động.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, sự thận trọng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước là rất cần thiết. Với sức hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay, bơm tiền ồ ạt sẽ không vào tăng trưởng, mà sẽ đẩy lạm phát lên cao, dòng vốn chảy vào các kênh đầu cơ. Nếu lạm phát tăng cao, thì các doanh nghiệp sẽ phải chạy cuốn theo vòng xoáy vay nợ, tăng giá, có hồi phục cũng rơi vào bất ổn. Vì vậy, ổn định kinh tế vĩ mô phải được đặt lên hàng đầu.
Chia sẻ về vấn đề này, TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, năm 2021, rất nhiều người kiến nghị in tiền, song in tiền để làm gì? Tính đến ngày 31/11/2021, giải ngân đầu tư công mới đạt 63% trên tổng vốn chúng ta đã dành ra. Vậy thì “bơm thêm vốn” vào nền kinh tế không giải quyết được vấn đề gì, mà ngược lại, còn đẩy lạm phát tăng lên phi mã. Bài học kinh nghiệm về gói hỗ trợ lãi suất của năm 2008 - 2009 vẫn còn đó và vẫn còn nguyên giá trị.
Trong năm 2021, dù “sức khỏe” doanh nghiệp bị tổn hại nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp thực tế đã rơi vào nợ xấu, không đủ điều kiện cấp tín dụng, nhưng nhờ chính sách giãn, hoãn nợ của Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp này vẫn có cơ hội tiếp cận vốn để phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Thực tế, mặc dù nền kinh tế hết sức khó khăn, song năm 2021, tín dụng toàn nền kinh tế tăng ngay từ đầu năm và cao hơn so cùng kỳ năm trước. Tổng dư nợ nền kinh tế đạt khoảng 10,38 triệu tỷ đồng, tăng 12,97% so thời điểm cuối năm 2020. Quy mô tín dụng được kiểm soát, phù hợp khả năng hấp thụ của nền kinh tế, room tín dụng nhiều lần được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh linh hoạt vào những thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, vốn được hướng vào lĩnh vực ưu tiên.
Cũng nhắc lại gói kích cầu năm 2009, nhiều chuyên gia cho rằng, thời điểm đó, dù quy mô gói kích cầu rất lớn, song GDP chỉ tăng 1%, trong khi hệ lụy lạm phát lại rất lớn. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước kiên quyết kiểm soát chặt chẽ cung tín dụng, kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô là thành công lớn nhất của chính sách tiền tệ năm 2021. Mặc dù không ồ ạt “bơm tiền”, song Ngân hàng Nhà nước có nhiều biện pháp gỡ khó rất thiết thực cho doanh nghiệp. Đó là hai lần gia hạn cơ cấu nợ, hối thúc các ngân hàng thương mại giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp.
Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường, khiến triển vọng kinh tế, lạm phát toàn cầu năm 2022 khó dự báo. Chưa kể, những bất ổn nội tại của hệ thống ngân hàng như “tảng băng chìm” dần phát lộ là thách thức đối với Ngân hàng Nhà nước thời gian tới.
Cụ thể, tính đến cuối năm 2021, tổng số tiền lãi mà các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm, hạ cho khách hàng khoảng 34.900 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng đã thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ với giá trị nợ đã cơ cấu lũy kế từ khi có dịch đạt hơn 607.000 tỷ đồng; các ngân hàng đã miễn, giảm, hạ lãi suất cho trên 2 triệu khách hàng với dư nợ hơn 3,87 triệu tỷ đồng… Trong khi đó, xu hướng tăng lãi suất trên toàn cầu, áp lực cung tiền từ các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế năm 2022 khiến nguy cơ lạm phát chi phí đẩy và lạm phát cầu kéo ngày càng hiển hiện.
Việc cho phép cơ cấu nợ của Ngân hàng Nhà nước giúp các ngân hàng và doanh nghiệp vượt qua khó khăn, song cũng phần nào làm lệch lạc kỳ hạn khoản vay. Rất nhiều khoản vay từ ngắn hạn, nếu tính cả thời gian cơ cấu đã biến thành nợ trung hạn. Tương tự, có khoản vay trung hạn đã biến thành dài hạn.
Chính Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cũng khẳng định, tình trạng này nếu kéo quá dài sẽ không có lợi cho an toàn hệ thống, gây ra rủi ro kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu thời gian tới, dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, thì Ngân hàng Nhà nước vẫn phải cân nhắc có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Về lâu dài, nền kinh tế phải giảm dần sự phụ thuộc vốn trung, dài hạn vào ngân hàng và thay vào đó, phải dựa vào thị trường vốn, như chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp.
Không chỉ vậy, một mối lo nữa của Ngân hàng Nhà nước là nợ xấu. Dù nợ xấu nội bảng năm 2021 vẫn dưới 2%, song, nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, thì tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2%, tăng vọt so cuối năm 2020 là 5,08%.
Rất may, thực tế minh chứng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có dày dặn kinh nghiệm xử lý nợ xấu, đã đưa nợ xấu từ mức 17,2% năm 2012 về mức dưới 2%, thì việc xử lý nợ xấu thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát, không phải là quá khó. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất là hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu đang gặp khó khi Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu sắp hết hiệu lực. Các ngân hàng thương mại đang rất trông chờ Chính phủ sớm luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14, bởi nếu không, nguy cơ về “cục máu đông nợ xấu” như giai đoạn trước sẽ quay lại.
Bước sang năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%, điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế. Quan điểm của cơ quan này hiện nay là nắn dòng vốn vào lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát chặt tín dụng rủi ro. Tuy vậy, trên thực tế, bất chấp sự kiểm soát của cơ quan này, năm 2021, một lượng không nhỏ dòng tiền ào ạt chảy vào chứng khoán, bất động sản. Chính vì vậy, tiếp tục nắn dòng tín dụng bất động sản vẫn tiếp tục là một trong những áp lực lớn nhất của Ngân hàng Nhà nước trong năm 2022.
Trong phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2022 mới đây, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng nhận định, mặc dù Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều cố gắng, song việc kiểm soát, hướng luồng vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh còn một số bất cập. Trong đó, vẫn còn hiện tượng vốn tín dụng chảy vào các lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán...
Chính vì vậy, năm 2022, bên cạnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng góp phần hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần phải hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Phải kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán... trong đó, kiểm soát chặt chẽ việc mua trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng, giảm thiểu rủi ro hệ thống.
Mặt khác, thời gian tới, Chính phủ có gói hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, theo kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế, Chính phủ và các ngân hàng sẽ rút kinh nghiệm từ bài học năm 2009 để “bơm vốn” cho đúng đối tượng ưu tiên, chảy vào sản xuất, thay vì chảy vào kênh đầu cơ như chứng khoán, bất động sản…
Điều này sẽ được thực hiện như thế nào, và kết quả sẽ ra sao, tất nhiên phải trông cậy vào năng lực điều hành, quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam./.