Kỳ họp đổi mới, sáng tạo
(ĐCSVN) - Đây là Kỳ họp lịch sử khi lần đầu tiên Quốc hội họp trực tuyến ghi dấu sự đổi mới, đoàn kết, quyết tâm của Quốc hội Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển.
Chiều 19/6, sau 20 ngày làm việc trách nhiệm, dân chủ, kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đã đề ra.
Bên lề hành lang Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đánh giá, lần đầu tiên trong lịch sử Quốc hội Việt Nam họp trực tuyến liên tục nhiều ngày, các nội dung đã diễn ra thông suốt, bảo đảm tiến độ, chất lượng và đạt hiệu quả cao. Số lượng đại biểu đăng ký phát biểu tăng lên đáng kể; không khí thảo luận, tranh luận tại nghị trường rất sôi nổi, công khai, dân chủ được dư luận đánh giá cao.
Qua hình thức tổ chức Kỳ họp thứ 9, ĐB Đặng Ngọc Nghĩa nhìn nhận, các chương trình, nội dung chất lượng đề rất tốt. Các đại biểu tham gia đóng góp vào xây dựng Luật, các Nghị quyết hoặc thảo luận các lĩnh vực mà chương trình của kỳ họp đề ra đều bảo đảm và được các đoàn đại biểu rất ủng hộ.
ĐBQH Đặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế). Ảnh: TH. |
Đặc biệt, với hình thức họp trực tuyến chia làm 2 giai đoạn sẽ tạo điều kiện về mặt thời gian để các đại biểu và các lãnh đạo địa phương, bộ, ngành nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội để chỉnh lý, hoàn thiện các dự thảo Luật, Nghị quyết trình Quốc hội biểu quyết, thông qua, đồng thời các đại biểu cũng có thời gian kịp thời chuẩn bị công việc giữa năm và chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp.
“Những kết quả đạt được tại kỳ họp, bước đầu rất đáng trân trọng, tạo tiền đề để tiếp tục nghiên cứu, phát huy, hoàn thiện phương thức họp Quốc hội trong thời gian tới. Kết quả này cũng một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội cũng luôn nỗ lực, trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước”, ĐB nhấn mạnh.
Theo ĐB Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, rõ ràng COVID -19 đã mang đến khó khăn, thách thức đối với đất nước, song đối với Quốc hội, đây cũng là cơ hội để lần đầu tiên họp trực tuyến. Điều này thể hiện được quá trình đổi mới của Quốc hội và cũng là bước trưởng thành để tiếp cận thực hiện cuộc cách mạng 4.0
“Kỳ họp trực tuyến đã thể hiện được hình ảnh hay theo hướng rộng, đa chiều đối với ĐBQH ở 63 đầu cầu, không khí họp sôi nổi, tinh thần thảo luận, tranh luận rất tốt, đạt được yêu cầu”, ĐB đánh giá.
Đối với kỳ họp trực tiếp tại hội trường, ĐB Bùi Sỹ Lợi cho rằng đã thể hiện được tinh thần, trách nhiệm, không khí hoạt động trên nghị trường rất sôi động, đặc biệt tinh thần thảo luận, tranh luận sôi nổi càng về sau càng được thể hiện rõ nét, thẳng thắn làm chất lượng kỳ họp tốt hơn.
Bên cạnh đó, sự điều hành của Đoàn Chủ tịch cũng rất linh hoạt, trách nhiệm. Chương trình Kỳ họp được sắp xếp hợp lý, khoa học, tranh thủ được thời gian, không để thời gian “chết”, lãng phí.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội. (Ảnh:TH ) |
ĐB Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh, chúng ta hoàn toàn có thể lấy kinh nghiệm từ kỳ họp 9 để tiến hành các kỳ họp còn lại và tiếp theo của Quốc hội khoá XV. Trong đó, có thể dành nửa thời gian đầu họp trực tuyến để dành thời gian cho các lãnh đạo địa phương là ĐBQH điều hành công việc tại đại phương.
“Quan trọng họp trực tuyến các đoàn ĐBQH có thể mời các ngành, lĩnh vực liên quan đến nội dung của Luật , vấn đề thảo luận tại hội trường để tham khảo thêm ý kiến, đồng thời tạo điều kiện cho các đại biểu của ngành được tiếp cận với hoạt động của Quốc hội để điều chỉnh chính sách, giúp cho chất lượng hoạt động của các ngành, các cấp tốt hơn”, ĐB chia sẻ.
Đồng quan điểm, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng cho rằng trong tương lai Quốc hội nên phát huy và nhân rộng mô hình kết hợp họp trực tuyến.
ĐB Mai Thị Phương Hoa bày tỏ: Kỳ này, Quốc hội thông qua một số dự án Luật rất quan trọng, trong có thể kể đến Luật doanh nghiệp (sửa đổi), Luật đầu tư (sửa đổi), Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Đây là những Luật được sửa đổi kịp thời trong giai đoạn này để góp phần tạo cơ sở pháp lý quan trọng để phát triển kinh tế tốt hơn. Đặc biệt Quốc hội đã thông qua 2 Hiệp định quan trọng EVFTA và EVIPA đánh dấu mối quan hệ mới giữa Việt Nam và các nước EU.
“Tôi tin tưởng rằng Hiệp định này sẽ tạo ra động lực cho đất nước ta phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới”, ĐB nói.
ĐB Mai Thị Phương Hoa cho hay, trong kỳ họp này, mặc dù không thực hiện chất vấn trực tiếp tại hội trường, tuy nhiên quyền chất vấn vẫn được ĐBQH thực hiện thường xuyên phù hợp với tình hình thực tiễn trong điều kiện Chính phủ đang tập trung thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Cá nhân ĐB vẫn gửi chất vấn các Bộ trưởng bằng văn bản và được các Bộ trưởng kịp thời trả lời.
Tuy nhiên, ĐB Mai Thị Phương Hoa cho rằng nếu phiên chất vấn được tổ chức theo hình thức tập trung và được truyền hình trực tiếp thì cử tri có thể theo dõi dễ dàng hơn.
Song ở khía cạnh khác, ĐB Mai Thị Phương Hoa cho biết, phiên thảo luận về tình hình kinh tế- xã hội được Quốc hội truyền hình trực tiếp mới đây thực chất cũng là phiên chất vấn gián tiếp, vì khi các đại biểu nêu vấn đề liên quan đến các bộ, ngành nào thì lập tức các Bộ trưởng, tư lệnh ngành trả lời các vấn đề ngay. Trong đó, những vấn đề nóng được các ĐBQH nêu tại diễn đàn QH đều được các Bộ trưởng trả lời tương đối rõ ràng, không né tránh, đưa ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) chia sẻ với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam . (Clip: TH) |
Nhắc lại lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: “Quốc hội đã chủ động, kịp thời đổi mới, linh hoạt, ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng điều kiện hoàn cảnh”, ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) khẳng định, kết quả đạt được tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV là hết sức thiết thực.
Tuy nhiên, ĐB Phạm Văn Hòa cũng lưu ý cần siết chặt hơn kỷ luật trong họp trực tuyến, bảo đảm đại biểu tham dự đầy đủ tại các điểm cầu. “Đối với họp tập trung, nếu ai theo dõi có thể thấy, không khí thảo luận, tranh luận sôi nổi, thẳng thắn, do ngồi chung một hội trường nên số lượng đại biểu dự họp đông đủ hơn, tạo không khí gần gũi, cảm hứng và chất xúc tác tốt hơn cho các đại biểu thể hiện chính kiến, quan điểm, đóng góp thiết thực vào nội dung thảo luận tại Quốc hội”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa nhận định, tại các phiên thảo luận các ĐBQH tiếp tục đặt ra, gợi mở nhiều vấn đề với Chính phủ, như tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân dưới tác động của đại dịch như thế nào. Hay, ngay tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, những vấn đề sát sườn đời thường nhất là làm thế nào để giảm giá thịt lợn, để người dân không phải ăn thịt lợn giá rẻ "trên ti vi" đã được nhiều đại biểu đặt ra. Nhiều ĐBQH phát biểu sâu sắc, có chất lượng, không chỉ nêu thực trạng, phản ánh tình hình, mà còn gợi mở, đề xuất với Chính phủ những giải pháp hữu hiệu để vừa phòng, chống hiệu quả dịch COVID - 19, vừa phát triển kinh tế.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh, vấn đề là cần làm thế nào để công khai hết nội dung đại biểu chất vấn và câu trả lời của Chính phủ, bộ, ngành đối với vấn đề chất vấn, vấn đề nóng cử tri quan tâm để giúp cho báo chí truyền tải thông tin đến cử tri những vấn đề đó đã được trả lời một cách chu đáo không?. Trên cơ sở trả lời chất vấn của Chính phủ, bộ, ngành, ĐBQH, cử tri đánh giá việc trả lời đã đáp ứng yêu cầu chưa và giám sát lời hứa của các Bộ trưởng đến cùng.
Kỳ họp thứ 9 đã khép lại, kết quả kỳ họp một lần nữa khẳng định, trong bất cứ hoàn cảnh nào, Quốc hội luôn nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, thể hiện trách nhiệm vì lợi ích của Nhân dân và đất nước./.