Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Tăng trưởng vượt kịch bản, xuất siêu 11,63 tỷ USD

Thứ Bảy, 06/07/2024 17:00 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - 6 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta nhìn chung đã phục hồi trở lại. Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn. Tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 14,5%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Chiều 6/7, tại Hà Nội, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6/2024, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo.

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ chủ trì buổi họp báo.

Tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%

Thông tin tại buổi họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, 6 tháng đầu năm, nền kinh tế nước ta nhìn chung đã phục hồi trở lại như trước đại dịch COVID-19 và tiếp tục xu hướng tích cực, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước; tính chung 6 tháng đạt nhiều kết quả quan trọng, cao hơn cùng kỳ trên hầu hết các lĩnh vực.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý II phục hồi mạnh, đạt 6,93%, tính chung 6 tháng đạt 6,42%, cao hơn nhiều cùng kỳ năm 2023 (3,84%) và vượt kịch bản tại Nghị quyết 01 (5,5-6%). Cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng tốt (Nông nghiệp tăng 3,38%; công nghiệp và xây dựng tăng 7,51%; dịch vụ tăng 6,64%). Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng tăng 4,08% (lạm phát cơ bản tăng 2,75%).

An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt trên 4,6 triệu tấn, kim ngạch gần 3 tỷ USD, tăng lần lượt 10,4% và 32% so với cùng kỳ); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.

Xuất khẩu tăng mạnh, xuất siêu 11,63 tỷ USD

Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, xuất siêu lớn, góp phần bảo đảm cán cân thanh toán. Tính chung 6 tháng xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%; xuất siêu 11,63 tỷ USD.

Các lĩnh vực dịch vụ, du lịch phục hồi mạnh. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng tăng 8,6%. Số lượt khách quốc tế 6 tháng đạt trên 8,8 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023 và tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2019 (trước dịch COVID-19).

Tình hình tài chính, ngân sách nhà nước (NSNN) tiếp tục được cải thiện rõ nét. Tổng thu NSNN 6 tháng đạt 60% dự toán năm, tăng 15,7% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát tốt, thấp hơn nhiều giới hạn quy định.

Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý II tăng 7,5%; tính chung 6 tháng tăng 6,8% (trong đó vốn đầu tư của khu vực Nhà nước tăng 4,8%; khu vực ngoài nhà nước tăng 6,7%, khu vực FDI tăng 10,3%).

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 29,39% kế hoạch. Thu hút FDI 6 tháng đạt 15,19 tỷ USD, tăng 13,1%; vốn FDI thực hiện đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% (cao nhất 5 năm qua).

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tăng. Tính chung 6 tháng có 80.500 doanh nghiệp (DN) đăng ký thành lập mới, tăng 6,1% và 39.100 DN hoạt động trở lại, tăng 3,9% so với cùng kỳ.

Triển khai hiệu quả tăng thu, tiết kiệm chi, cơ cấu lại đầu tư công để có khoảng 700 nghìn tỷ đồng thực hiện tăng lương với lộ trình phù hợp, được dư luận, người hưởng lương đồng tình cao…

Cũng theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Cụ thể, ADB, Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%. IMF đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4% giai đoạn 2024-2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc;…

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ cung cấp thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2024 tại buổi họp báo. 

Nỗ lực tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong quý III

Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, nước ta vẫn còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức cần tập trung ứng phó, xử lý, khắc phục, trong đó nổi lên là: Sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là kiểm soát lạm phát, tỷ giá, ổn định kinh tế vĩ mô do tác động từ bên ngoài; Tăng trưởng kinh tế ở một số địa phương còn thấp; Tình hình sản xuất kinh doanh một số lĩnh vực còn khó khăn; Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 6 tháng đạt thấp hơn cùng kỳ; Thị trường bất động sản bước đầu ổn định, nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết. Một số bộ, cơ quan chưa đảm bảo thời hạn trình các dự án luật; còn tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết các luật có hiệu lực; Đời sống một bộ phận người dân khó khăn…

Thời gian tới, Chính phủ đề ra mục tiêu nỗ lực tăng trưởng khoảng 6,5-7% trong quý III và đạt cao hơn trong quý IV/2024; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; lạm phát giữ ở mức cho phép dưới 4,5%; bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư; bảo đảm an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia, giữ vững quốc phòng an ninh, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế…/.

Tin, ảnh: Đỗ Thoa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN