Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Kỳ họp bất thường lần 2 của Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự

Thứ Ba, 03/01/2023 19:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Theo dự kiến chương trình kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) và 3 Nghị quyết; Quốc hội cũng sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có).

Chiều 3/1, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khoá XV. Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì họp báo.

 Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo. 

Thông tin tại họp báo, đồng chí Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật, Phó Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị vào chiều ngày 04/01 và khai mạc trọng thể vào ngày 05/01. Theo dự kiến chương trình, Quốc hội sẽ họp tập trung trong thời gian 04 ngày (dự kiến bế mạc vào ngày 09/01). 

Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Quốc hội cũng sẽ xem xét, thông qua 03 Nghị quyết, gồm: Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050;  Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược; Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương. 

Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự đại biểu và nhân sự khác thuộc thẩm quyền của Quốc hội (nếu có). 

Theo thông tin cụ thể hơn về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), ông Nguyễn Trường Giang cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự án Luật này. Ngay sau Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Cơ quan trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp thu, giải trình các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức liên quan về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật; lấy ý kiến và tiến hành khảo sát tại địa phương về việc thực hiện chính sách khám bệnh, chữa bệnh và về tài chính, nhân lực của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. 

Tại phiên họp thứ 18, ngày 14/12/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở Báo cáo số 477/BC-CP ngày 07/12/2022 của Chính phủ về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện gồm 12 chương, 123 điều, nhiều hơn 03 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Về dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Trường Giang thông tin, dự thảo Nghị quyết  có những nội dung chủ yếu như sau: về phạm vi ranh giới quy hoạch; quan điểm, tầm nhìn và mục tiêu phát triển; những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch; định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội đối với các vùng động lực quốc gia, các hành lang kinh tế, các khu vực lãnh thổ cần bảo tồn, vùng hạn chế phát triển, định hướng phát triển và phân bố không gian các ngành quan trọng; định hướng phát triển không gian biển; định hướng khai thác và sử dụng vùng trời; định hướng phân vùng và liên kết vùng; định hướng phát triển hệ thống đô thị và nông thôn quốc gia, phát triển ngành hạ tầng xã hội cấp quốc gia, ngành hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia; định hướng sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh; định hướng sử dụng đất quốc gia; danh mục dự án quan trọng của quốc gia và thứ tự ưu tiên thực hiện; giải pháp, nguồn lực thực hiện quy hoạch về huy động nguồn lực, cơ chế, chính sách, khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế.

Liên quan dự thảo Nghị quyết về tiếp tục thực hiện một số chính sách liên quan đến công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, ông Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này là cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của người dân trong việc triển khai một số chính sách nhưng cần thêm thời gian để thực hiện hết cho các đối tượng và giải quyết các vướng mắc, tồn đọng đối với các hoạt động đã thực hiện nhưng chưa được chi trả, quyết toán. Đồng thời, tạo cơ sở tiếp tục bảo đảm việc cung ứng thuốc, sự ổn định của hoạt động sản xuất kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Bên cạnh đó, việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021; điều chỉnh dự toán kinh phí bảo đảm hoạt động chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương nhằm xử lý những vướng mắc trong thực tiễn, phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

 Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh thông tin về công tác nhân sự

Tại họp báo, trả lời báo chí về công tác nhân sự, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết,  từ đầu nhiệm kỳ, nội dung nhân sự cũng là nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội. Dự kiến vào chiều mai (4/1), tại phiên họp trù bị, Quốc hội sẽ thông qua chương trình kỳ họp, trong đó có nội dung về nhân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang tập hợp ý kiến của các cơ quan có liên quan về vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Thanh cũng cho biết, vào chiều mai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp toàn thể để trình Quốc hội về 3 nội dung nhân sự: cho thôi nhiệm vụ đại biểu, phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm, phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm nhân sự mới.

Khẳng định quy trình, thủ tục rất chặt chẽ, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh: "Công tác cán bộ là công việc hệ trọng, then chốt của then chốt. Nghị quyết 28 của Trung ương có nội dung nêu rất rõ là công tác cán bộ kiên trì có lên xuống, có vào có ra… bảo vệ cán bộ năng động sáng tạo, sẵn sàng xem xét, thay thế cán bộ không đảm bảo”.

Theo dự kiến chương trình, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1), Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV1), Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp phiên khai mạc và phiên bế mạc Kỳ họp. Ngoài ra, Truyền hình Quốc hội Việt Nam sẽ tổ chức truyền hình trực tiếp phiên Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050./.

Kim Thanh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN