Kon Tum: Mở nhiều hướng giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều
(ĐCSVN) - Tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo, UBND Tỉnh ủy Kon Tum vừa ban hành Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Đây được coi là cơ sở quan trọng để Kon Tum triển khai thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020.
Việc tỉnh Kon Tum xây dựng Đề án giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 - 2020 được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, kết hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa việc thực hiện các mục tiêu giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trên từng địa bàn dân cư của từng địa phương và toàn tỉnh nhằm thực hiện nhiệm vụ hàng đầu là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đi đôi với tốc độ tăng trưởng, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển tinh thần của người dân; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, từng bước xây dựng kết cấu hạ tầng hiện đại.
Theo báo cáo mới nhất của tỉnh, tỷ lệ hộ nghèo của Kon Tum là 26,11%, nhưng nhiều nơi tỷ lệ nghèo vẫn còn trên 40% (Đăk Glei, Sa Thầy, Kon Rẫy), cá biệt, một số huyện tỷ lệ hộ nghèo cao tới 70% (Kon Plông, Ia Hdrai, TuMơ Rông). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số chiếm trên 90% tổng số hộ nghèo. Thu nhập bình quân của hộ thoát nghèo chỉ bằng 24,19% mức thu nhập bình quân chung của tỉnh, chênh lệch giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực các huyện nghèo; kết quả giảm nghèo chưa bền vững, nguy cơ tái nghèo cao. Toàn tỉnh có toàn tỉnh có 61 xã và 50 thôn thuộc vùng được thụ hưởng Chương trình 135 (chiếm 59,8% số xã, phường, thị trấn của tỉnh).
Bên cạnh đó, hệ thống cơ sở hạ tầng cả ở xã và thôn còn thiếu và yếu; các trục đường giao thông xã, thôn chưa được cứng hóa, mạng lưới giao thông từ trung tâm xã đến các thôn trên địa bàn xã, ô tô chưa đi được 2 mùa trong năm; còn 9,69% số người bệnh nghèo chưa tiếp cận được các dịch vụ y tế; 11,71% trẻ em thuộc hộ nghèo chưa được đi học; 39,27% số hộ nghèo có khó khăn về nhà ở; 26,54% số hộ nghèo thiếu nước sinh hoạt. Nhiều thôn có trên 50% số hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh và nhiều thôn chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng phục vụ các hoạt động chung.
Chính vì thế, giai đoạn 2016 - 2020 Kon Tum tiến tới giải quyết một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu như giao thông, trường học, trạm y tế, thủy lợi nhỏ và nước sinh hoạt; tạo điều kiện cho người dân tham gia thực hiện các hoạt động của Đề án nhằm phát huy hiệu quả các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, góp phần giảm rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, cải thiện tiếp cận thị trường.
Dự kiến, trong giai đoạn 2016 – 2020, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh bình quân 3 - 4%/năm, riêng các huyện nghèo giảm 6 - 8%/năm theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Cụ thể: Nhóm huyện nghèo theo Nghị quyết 30a: giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 6 - 8%/năm; Nhóm huyện nghèo theo Quyết định 293/QĐ-TTg ngày 05/02/2013 và huyện Ia Hdrai: giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 5,6 - 6,6%/năm. Nhóm huyện Đăk Tô, Đăk Hà: giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân từ 2,6 - 3,8%/năm. Nhóm huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum: giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 1 - 1,2%/năm.
Bên cạnh đó, cải thiện sinh kế và nâng cao chất lượng cuộc sống của người nghèo, bảo đảm đến cuối năm 2020 thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo tăng gấp 2 lần so với cuối năm 2015; cơ bản đáp ứng khả năng tiếp cận của hộ nghèo đối với các dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin.
Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách giảm nghèo, chính sách phát triển sản xuất, đất sản xuất, chính sách tín dụng ưu đãi để cải thiện điều kiện sống của người nghèo; giảm nghèo gắn với an ninh quốc phòng; dạy nghề và hỗ trợ cho lao động thuộc đối tượng đủ điều kiện xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, đến năm 2020, tỉnh phấn đấu 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 100% xã, phường, thị trấn đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% xã có mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm học tập cộng đồng đủ để đáp ứng nhu cầu học tập và phổ biến kiến thức cho người dân; 80% số xã có cơ sở vật chất trường học đạt chuẩn nông thôn mới; Trên 80% hộ gia đình được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; Các công trình thủy lợi nhỏ được đầu tư đáp ứng 90% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích cây hàng năm có nhu cầu tưới và dân sinh; Thu nhập của hộ nghèo tham gia mô hình tăng 15 - 20%/năm; bình quân mỗi năm có hơn 10% hộ tham gia mô hình thoát nghèo; mỗi xã đặc biệt khó khăn được hỗ trợ xây dựng và duy trì 01 mô hình giảm nghèo bền vững; Trên 52% lao động qua đào tạo; có 80% người trong độ tuổi đạt trình độ giáo dục trung học phổ thông và tương đương; 50% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa; 100% cán bộ, công chức xã, trưởng thôn, làng và cán bộ đoàn thể được tập huấn một số kiến thức cơ bản về kỹ năng quản lý và tổ chức thực hiện các chương trình, chính sách, dự án; 100% số xã đặc biệt khó khăn có cán bộ làm công tác thông tin và truyền thông được đào tạo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ thông tin tuyên truyền cổ động.
Riêng đối với những vùng thuộc Chương trình 135, tỉnh Kom Tum sẽ dành hơn 377 tỷ đồng trong 5 năm (2016 – 2020) để tăng cường cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất và dân sinh ở các xã, các thôn đặc biệt khó khăn với 9 nội dung sẽ được tập trung đầu tư, gồm: Công trình giao thông nông thôn phục vụ sản xuất, kinh doanh và dân sinh; Công trình cung cấp điện phục vụ sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn; Trạm chuyển tiếp phát thanh xã; nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng; Trạm y tế xã đạt chuẩn; Công trình trường, lớp học đạt chuẩn; Cải tạo, xây mới các công trình thủy lợi nhỏ; Công trình phục vụ nước sinh hoạt cho người dân; Các loại công trình hạ tầng quy mô nhỏ khác do cộng đồng đề xuất, phù hợp với phong tục, tập quán, nhu cầu của cộng đồng, phù hợp với mục tiêu của Chương trình 135 và quy định của pháp luật, ưu tiên công trình cho các cộng đồng nghèo, công trình có nhiều người nghèo, phụ nữ hưởng lợi; Duy tu, bảo dưỡng công trình cơ sở hạ tầng trên địa bàn.
Có thể nói, Đề án giảm nghèo đa chiều của tỉnh Kom Tum đã khuyến khích các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện thành công các mục tiêu giảm nghèo, góp phần thực hiện chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với giảm nghèo bền vững trên địa bàn./.