Kiên Giang tập trung phát triển kinh tế thủy sản bền vững
(ĐCSVN) - Để phát triển kinh tế thủy sản nhanh, bền vững, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển Kiên Giang thành khu kinh tế trọng điểm
Trước tình hình các quy định về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) của Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác ngày càng được siết chặt, tỉnh Kiên Giang đã có những định hướng nuôi trồng và khai thác hải sản bền vững, phù hợp với từng nhóm nghề, ngư trường, vùng biển; kết hợp khai thác với bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Đến năm 2020, tỉnh đặt mục tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 9,1%/năm, cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản đạt trên 51,1%; trong đó, giữ ổn định sản lượng khai thác thủy sản khoảng 500.000 tấn/năm, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản; giảm tỷ trọng sản lượng khai thác ven bờ (35%), tăng sản lượng khai thác xa bờ (65%); bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản 211.430 ha, sản lượng 265.505 tấn.
Thời gian qua, Kiên Giang quan tâm đầu tư hiện đại hóa các trang thiết bị, ngư cụ khai thác, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất cho ngư dân. Qua đó, chuyển đổi cơ cầu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ; giảm dần những nghề khai thác gây thiệt hại nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái; duy trì và phát triển những nghề có tính chọn lọc cao, thân thiện với môi trường. Phát triển nghề câu cá khơi, vây khơi đánh bắt các đối tượng cá nổi di cư, nghề lặn kết hợp du lịch khám phá đáy biển.
Theo Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, tỉnh đã hoàn thành việc triển khai lắp đặt và vận hành hệ thống Trạm bờ tại Chi cục Thủy sản để kết nối với Trạm bờ của Tổng cục Thủy sản và kết nối với thiết bị giám sát hành trình của các tàu cá hoạt động khai thác hải sản trên biển; phân bổ 30 thiết bị thông tin liên lạc VX-1700 để hỗ trợ cho chủ tàu cá đóng mới theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Hiện có 3 đơn vị được chọn tham gia thí điểm lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là VNPT, Viettel, Zunibal Việt Nam. Mỗi đơn vị hỗ trợ 10 thiết bị để lắp đặt thử nghiệm và đã triển khai lắp đặt thí điểm được 26/30 thiết bị. Các đơn vị tham gia thí điểm lắp đặt thêm Trung tâm giám sát tàu cá và máy chủ tại 3 đơn vị quản lý để giám sát gồm: 1 Trung tâm giám sát đặt tại Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; 1 Trung tâm giám sát đặt tại Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang và 1 máy chủ đặt tại Sở Thông tin và Truyền thông được cài đặt phần mềm quản lý chung để lưu trữ, quản lý toàn bộ dữ liệu đầu vào và đầu ra của các thiết bị giám sát hành trình để có truy xuất khi cần thiết.
Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên, Kiên Giang tập trung đầu tư sản xuất, nhất là nuôi tôm nước lợ, tôm thâm canh - bán thâm canh, tôm quảng canh cải tiến, tôm càng xanh trong ruộng lúa, cua biển và các loài nhuyễn thể ở những nơi có điều kiện theo hướng công nghiệp, hiện đại và bền vững, thích ứng trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Cùng với đó, tỉnh tăng cường kiểm tra, kiểm soát và xử lý kịp thời các vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản đặc biệt đối với các hoạt động khai thác mang tính huy diệt các loài thủy sản; thành lập và đưa vào hoạt động các khu bảo tồn biển và khu bảo tồn vùng nước nội địa, nhằm khôi phục nguồn lợi, tạo sinh kế cho cộng đồng ngư dân; tổ chức lại hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, bảo đảm ổn định tiêu thụ sản phẩm; quy hoạch chi tiết và từng bước đầu tư hình thành các trung tâm nghề cá lớn gắn với các ngư trường trọng điểm.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, tỉnh tích cực tham gia các hoạt động song phương, đa phương nhằm thu hút nhiều nguồn đầu tư, tài trợ từ các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ, nhất là vốn (ODA, FDI); mở rộng hợp tác quốc tế về thương mại thủy sản thông qua việc đàm phán ký kết song phương, đa phương, các cam kết, thỏa thuận hợp tác liên quan, tháo gỡ rào cản, vướng mắc trong xuất khẩu thủy sản. Đồng thời, Kiên Giang hợp tác với một số nước trong khu vực và thế giới để đưa tàu cá và ngư dân đi khai thác hợp pháp tại vùng biển đặc quyền kinh tế của các nước và vùng lãnh thổ.
Qua đó, giữ vững cơ cấu các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống như: Nhật Bản, Mỹ và EU ở mức 60%; tiếp tục mở rộng thị trường các vùng Đông Âu, Bắc Âu, Trung Đông, châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Á; đổi mới phương thức thực hiện xúc tiến thương mại và phát triển thị trường phù hợp với chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu.
Để phát triển kinh tế thủy sản nhanh, bền vững, tỉnh Kiên Giang kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện về cơ chế, chính sách phát triển vùng biển, hải đảo, ven biển Kiên Giang thành khu kinh tế trọng điểm; cảng biển mang tầm quốc tế để thuận lợi trong giao thương với các nước trong khu vực và quốc tế; sớm bố trí vốn để tỉnh triển khai Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm Nghề cá lớn tại tỉnh Kiên Giang gắn với ngư trường Tây Nam bộ.
Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ sớm đàm phán với các nước trong khu vực ký kết hiệp định về khai thác thủy sản chung ở vùng nước lịch sử tạo điều kiện cho ngư dân mở rộng ngư trường khai thác; có cơ chế, chính sách để hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề, nhất là các nghề khai thác thủy sản ven bờ, nghề cấm, nghề hạn chế phát triển để bảo vệ nguồn lợi thủy sản vốn đang trên đà cạn kiệt.