Khu vực Sahel: Người dân di cư ồ ạt do bất ổn leo thang
(ĐCSVN) – Các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc ngày 6/3 lên tiếng cảnh báo tình trạng gia tăng các cuộc xung đột và bất ổn tại khu vực Sahel khiến cho nhiều người dân phải di cư.
Theo Liên hợp quốc, tại Sahel, khoảng 4,2 triệu người đã buộc phải di cư, tăng cao so với con số 3,2 triệu vào năm 2018, do tình trạng bạo lực vũ trang không ngừng leo thang ở các khu vực của Mali, trong lưu vực hồ Chad và ở Liptako-Gourma, một khu vực nằm trên lãnh thổ của Burkina Faso, Mali và Nigeria. Trong đó, số người phải di cư ở Mali đã tăng gấp 3 lần, lên khoảng 120.000 người. Khu vực lưu vực hồ Chad đã ghi nhận 2,7 triệu người buộc phải di cư, và hơn 100.000 người đã phải di cư ở Burkina Faso, hơn một nửa trong số đó kể từ đầu năm 2019.
Trợ lý Tổng thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề nhân đạo Ursula Mueller đã tiến hành chuyến thị sát tới 3 quốc gia này và tuyên bố nêu rõ: "Chúng tôi chứng kiến một tình huống nhân đạo khẩn cấp chưa từng có ở Burkina Faso, nơi các cuộc tấn công vũ trang tiếp tục bùng phát trở lại, dẫn đến làn sóng di cư ồ ạt". "Hàng nghìn gia đình, trẻ em, nam giới và phụ nữ phải sống trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhiều người phải sống trong những căn lều quá chật chội và không có đủ thức ăn, nước uống hoặc chăm sóc y tế” – bà cho biết.
Trong bối cảnh đó, bà Mueller, người đồng thời là Trợ lý Điều phối viên Cứu trợ khẩn cấp, cho rằng việc tăng cường hỗ trợ khẩn cấp đang diễn ra ở Burkina Faso và tăng cường các nỗ lực cứu trợ nhân đạo ở cả khu vực Sahel nói chung là rất cần thiết, nhằm ứng phó với tình tình nhân đạo đang ngày một xấu đi.
Tại Sahel, hàng triệu người vẫn bị ảnh hưởng bởi hậu quả của cuộc khủng hoảng lương thực và dinh dưỡng hồi năm ngoái. Không những thế, bạo lực vũ trang kéo dài ở nhiều khu vực của Sahel lại tiếp tục làm trầm trọng thêm tác động của tình trạng mất an ninh lương thực, suy dinh dưỡng và dịch bệnh; đồng thời làm suy yếu các nỗ lực nhằm đưa cộng đồng dân cư này thoát khỏi tình trạng khủng hoảng triền miên.
Ở những khu vực bị xung đột, nông nghiệp, thương mại, các sinh kế khác và các hoạt động kinh tế thường xuyên bị tổn hại nghiêm trọng.
Sau đợt hạn hán nghiêm trọng làm các đồng cỏ, vật nuôi và hoa màu bị chết hàng loạt hồi năm 2018, cuộc sống của hàng triệu gia đình bị ảnh hưởng vẫn rất mong manh. Các chuyên gia ước tính rằng 9,5 triệu người sẽ bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng trong thời kỳ giáp hạt của năm 2019 (từ tháng 6 – 8), trong đó 4,4 triệu người thuộc lưu vực hồ Chad.
"Tình trạng mất an ninh lương thực và suy dinh dưỡng do nghèo đói, biến đổi khí hậu và xung đột tiếp tục bủa vây khu vực Sahel" – ông Abdou Dieng, Giám đốc Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) tại Tây Phi, nhấn mạnh. Theo chuyên gia của WFP, cần tăng cường đầu tư đáng kể để tình hình không tiếp tục xấu đi trong thời kỳ giáp hạt sắp tới và hơn thế nữa, để giúp cộng đồng và các quốc gia trở nên kiên cường hơn. "Cứu trợ khẩn cấp phải là một phần của các chiến lược rộng lớn hơn, bao gồm các khoản đầu tư kinh tế, phát triển và các sáng kiến về an ninh" – ông Dieng lưu ý.
Theo Liên hợp quốc, năm 2019, cộng đồng nhân đạo quốc tế đang kêu gọi 2,4 tỷ USD để trợ giúp cho khoảng 15,3 triệu người ở Burkina Faso, Cameroon, Mali, Nigeria, Nigeria và Chad./.