Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không tạo “kẽ hở” để nhân viên ngân hàng trục lợi

Thứ Tư, 16/09/2020 09:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thời gian qua, dư luận lo lắng khi xảy ra tình trạng nhiều nhân viên ngân hàng sử dụng các thủ đoạn tinh vi để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Có hay không “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhân viên ở một số ngân hàng?

Mới đây, Công an tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố bị can Lê Thị Thương (sinh năm 1988, trú phường Hoa Lư, TP Pleiku) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Quyết định khởi tố  đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn. Qua điều tra ban đầu xác định, Lê Thị Thương là nhân viên của Ngân hàng BIDV Chi nhánh tỉnh Gia Lai. Từ khoảng cuối năm 2018 đến tháng 5/2020, Thương đã vay tiền nóng của nhiều người với số tiền hàng trăm tỉ đồng. Ngày 11/9/2020, Lê Thị Thương đã đã đến Công an tỉnh Gia Lai đầu thú và khai nhận hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản". Ngay sau đó, cơ quan chức năng đã làm các thủ tục và thực hiện bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Thị Thương để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Dương Minh Phú (ngoài cùng bên phải) nghe đọc lệnh khởi tố. (Ảnh: Quang Văn). 

Trước đó, Công an tỉnh Quảng Bình vừa có quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 tháng đối với Dương Minh Phú (32 tuổi) để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 15 tỉ đồng. Dương Minh Phú trú tại huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, là nhân viên Phòng giao dịch Bố Trạch thuộc Ngân hàng BIDV chi nhánh Quảng Bình. Theo điều tra ban đầu, lợi dụng sự tin tưởng của người dân về việc làm thủ tục giúp người dân vay vốn ngân hàng, Phú đã lừa nhiều người ký khống vào các loại giấy tờ như ủy nhiệm chi, giấy rút tiền mặt và một số hồ sơ có liên quan khác. Cụ thể, nhân viên này đã tự ghi nâng số tiền cần vay của người dân. Sau khi hoàn thành hồ sơ, Phú chuyển cho khách hàng số tiền cần vay, số còn lại Phú chiếm đoạt, mỗi người từ 1 tỉ đến 2,6 tỉ đồng… Đến nay, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu thuộc Công an tỉnh Quảng Bình đã xác định được việc Phú lừa đảo nhiều người, chiếm đoạt số tiền gần 15 tỉ đồng.

Cũng liên quan đến hành vi tương tự, Công an tỉnh Gia Lai đã đề nghị Viện kiểm sát nhân dân truy tố Hồ Đức Anh (SN 1994, TP. Pleiku) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hồ Đức Anh là nhân viên quan hệ khách hàng cá nhân của Ngân hàng Á Châu (ACB) - Chi nhánh Gia Lai. Trong quá trình làm việc, Đức Anh quen biết với một số khách hàng là người dân trên địa bàn TP. Pleiku nên đã vay tiền họ để đáo hạn và làm ăn. Từ 21/11/2018 đến 10/7/2019, có 4 cá nhân cho Đức Anh vay tổng số tiền 7,75 tỷ đồng. Đức Anh đã sử dụng số tiền này để đánh bạc bằng hình thức cá độ bóng đá qua mạng Internet, trả nợ, trả lãi cho các cá nhân để họ tiếp tục tin tưởng cho bị can vay tiền. Khi đến thời hạn trả nợ, Đức Anh không trả tiền và tự ý nghỉ việc, cắt liên lạc với các cá nhân trên rồi bỏ trốn. Đầu tháng 12/2019, Đức Anh đến phường Vĩnh Trại (TP. Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) với ý định trốn qua Trung Quốc thì bị bắt giữ.

Đây chỉ là một số vụ việc điển hình liên quan đến tình trạng nhân viên ngân hàng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Thực tế, việc là nhân viên ngân hàng đã được các cá nhân nói trên sử dụng như một “vỏ bọc” để tạo lòng tin đối với các nạn nhân. Bên cạnh đó, những người này còn sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi để có thể chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Dư luận đặt vấn đề, vì sao những cá nhân nói trên lại có thể dễ dàng lừa đảo và chiếm đoạt tài sản của khách hàng? Phải chăng đang có “lỗ hổng” trong công tác quản lý nhân sự của những ngân hàng này? Anh Nguyễn Văn Hải ở quận Hà Đông (Hà Nội) chia sẻ: “Nếu không phải là nhân viên ngân hàng thì chắc chắn các cá nhân này cũng không thể lừa được nhiều người như vậy. Hầu hết nạn nhân đều là khách hàng của các ngân hàng. Nếu ngân hàng quản lý tốt các mối quan hệ của nhân viên thì cũng khó có thể xảy ra những vụ lừa đảo với số tiền lên tới hàng chục thậm chí là hàng trăm tỷ đồng”.

Theo Luật sư Trần Xuân Tiền – Trưởng VP Luật sư Đồng Đội, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, trong các vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản liên quan đến nhân viên ngân hàng, về hình thức, hành vi của các nhân viên này có những điểm giống giao dịch dân sự nhưng bản chất thì đó là những hành vi nhằm mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Ở đây, niềm tin của khách hàng đối với các ngân hàng đã bị một số nhân viên lợi dụng để trục lợi thông qua các hành vi vi phạm pháp luật. Việc xem xét công tác quản lý nhân sự của các ngân hàng còn tùy thuộc vào tính chất, mức độ và quá trình thực hiện hành vi lừa đảo của các nhân viên. Cần làm rõ, các nhân viên này có trao đổi, bàn bạc với lãnh đạo chi nhánh ngân hàng hay không? Lãnh đạo chi nhánh ngân hàng có biết hành vi vi phạm của nhân viên hay không?

Thực tế cho thấy, liên quan đến việc một số nhân viên ngân hàng có hành vi lừa đảo, chiếm dụng tài sản, khách hàng vẫn là những người chịu hậu quả cuối cùng. Không ít gia đình đã rơi vào cảnh nợ nần, mất nhà mất cửa sau khi trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo do nhân viên ngân hàng thực hiện. Do vậy, các chuyên gia khuyến cáo, khách hàng nên thận trọng khi tham gia các giao dịch tại ngân hàng. Theo đó, người dân cần lựa chọn những ngân hàng thực sự có uy tín; chỉ thực hiện các giao dịch với nhân viên tại ngân hàng; cần đọc kỹ các nội dung điều khoản văn bản trước khi đặt bút ký. Đặc biệt, tuyệt đối không vì tin tưởng hay vì lãi suất cao mà giao tiền, tài sản cho nhân viên ngân hàng.

Mặt khác, để bảo đảm uy tín thương hiệu, các ngân hàng cũng cần nâng cao chất lượng công tác quản lý nhân sự, từ khâu tuyển chọn đến quản lý các mối quan hệ của nhân viên. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định liên quan đến giao dịch tài chính từ đó tránh tạo “kẽ hở” để một số nhân viên lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, vừa xâm hại quyền lợi của khách hàng, vừa ảnh hưởng xấu đến uy tín của các ngân hàng./.

Quang Đạo

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN