Không để thiếu thuốc kéo dài
(ĐCSVN) - Ngày 20.11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Vấn đề thiếu thuốc, thiếu vật tư, thiết bị y tế tiếp tục là chủ đề nóng được nhiều đại biểu đưa ra chất vấn, thảo luận.Không để việc thiếu thuốc kéo dài thêm.
Phát biểu ý kiến tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ, Bộ Y tế đã trả lời các kiến nghị của cử tri các địa phương về một số nội dung như: bổ sung thêm thuốc vào danh mục bảo hiểm y tế, khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện, cải thiện chế độ tiền lương, phụ cấp đối với cán bộ công chức, viên chức y tế.
Nêu kiến nghị, đại biểu cho biết cán bộ dân số nói chung, đặc biệt là cán bộ dân số cơ sở đang có rất nhiều thiệt thòi, nhất là giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) phát biểu tại Hội trường. Ảnh: TL. |
Ngày 6/9/2023 Bộ Y tế ban hành Công văn số 5492/BYT-TCCB gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc rà soát vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp và phân công công việc của viên chức dân số nhằm bảo đảm công bằng trong giải quyết chế độ, chính sách cho viên chức y tế, dân số.
Đánh giá đây là việc làm rất thiết thực, đại biểu đề nghị Bộ Y tế kiểm tra, đôn đốc các Sở Y tế thực hiện nghiêm túc. Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết trên thực tế có một số Sở Y tế chưa thực hiện vấn đề này.
Về vấn đề thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cục bộ tại các bệnh viện công lập, đại biểu cho biết hiện tượng này đã được đề cập nhiều trong các báo cáo và các ý kiến. Bộ Y tế đã cố gắng giải quyết bằng những văn bản pháp lý cần thiết để mua sắm thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác khám chữa bệnh.
Do đó, đại biểu đề nghị các tỉnh, thành phố, địa phương đôn đốc, kiểm tra, tổ chức mua sắm các trang thiết bị cho đủ, đúng, để đảm bảo điều kiện tốt cho công tác chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: QH. |
Theo đại biểu Nguyễn Công Hoàng (Đoàn Thái Nguyên), chúng ta có một giai đoạn thiếu thuốc do 2 nguyên nhân, chủ quan và khách quan. Yếu tố khách quan là do đứt gãy chuỗi và chiến tranh của Ukraine - Nga và hậu COVID-19. Nhưng về chủ quan thì có 2 vấn đề: Vấn đề thứ nhất là các nghị định, thông tư, các chính sách y tế; vấn đề thứ hai là do các cơ sở khám, chữa bệnh.
Cũng liên quan đến vấn đề thiếu thuốc, đại biểu Nguyễn Công Hoàng cho hay: “Do bảo hiểm giữ tiền của các cơ sở y tế. Từ các năm 2018, 2019, 2020, 2021 trong giai đoạn COVID-19 thì được phép thanh toán, nhưng từ năm 2022 đến giờ vẫn chưa thanh toán cho cơ sở y tế, một số cơ sở y tế tuyến huyện có thể nói là không thể có tiền, bây giờ quản lý theo tiêu chuẩn nên cứ 3 tháng không nộp tiền vào công ty là họ cắt thuốc”.
Đại biểu cũng cho biết, do chi phí khám chữa bệnh vượt quỹ, các cơ sở y tế không dám giữ bệnh nhân, đẩy hết lên tuyến trên, tuyến trên cũng hết quỹ lại đẩy xuống tuyến dưới, rất khổ bệnh nhân.
Để giải quyết vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, theo đại biểu, trước hết, để nâng cao về công tác thuốc và vật tư y tế thì chúng ta phải nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đấu thầu cho các cơ sở y tế.
“Đây là nhiệm vụ các nhà quản lý. Đồng thời, phải nâng cao công tác dược lâm sàng. Khi thiếu thuốc này, anh phải phối hợp với dược lâm sàng để thay thế bằng thuốc khác, chứ không phải thiếu thuốc là cho bệnh nhân đi mua” - đại biểu nhấn mạnh./.