Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Không bay có phải trả phí?

Thứ Sáu, 14/05/2021 15:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Thực tế, trên 1 chuyến bay nội địa ở Việt Nam, các hãng/đại lý/trang web mở bán rất nhiều mức giá khác nhau tùy vào giai đoạn và tình hình chuyến bay. Khách hàng thường phải trả giá vé máy bay, thuế giá trị gia tăng, phí quản trị, phí sân bay, phí an ninh soi chiếu, phụ thu dịch vụ xuất vé/phí thanh toán.

Riêng về “phí”, mỗi hãng gọi tên khác nhau, với Vietnam Airlines là phí soi chiếu an ninh hành khách và hành lý, phí dịch vụ hành khách, trong khi Bamboo Airways gọi là "phí thu hộ", còn Vietjet Air là phí sân bay và phí an ninh sân bay.

Thu hộ thì dễ nhưng hoàn thì…

Về nội dung này, trong Điều 8 Thông tư 53/2019/TT-BGTVT ngày 31/12/2019 của Bộ Giao thông vận tải nêu rõ: "Giá dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý và giá phục vụ hành khách tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam được thu qua các nhà vận chuyển khai thác chuyến bay đến và đi từ Việt Nam. Hành khách đi tàu bay thanh toán tiền sử dụng dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý và dịch vụ phục vụ hành khách cùng với giá dịch vụ vận chuyển hàng không".

Như vậy, hành khách đi máy bay phải chịu các khoản phí này và các hãng hàng không là người thu hộ cho đơn vị cung cấp dịch vụ (gọi chung là phía sân bay).

Còn theo Quyết định 2345/QĐ-BGTVT ngày 08/8/2017 về mức giá, khung giá dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, mức phí phục vụ (đã bao gồm VAT) quy định đối với hành khách đi chuyến bay nội địa tại sân bay nhóm A (khai thác 24/24, gồm Nội Bài, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Cát Bi, Vinh, Cần Thơ, Phú Quốc, Liên Khương, Phú Bài, Buôn Ma Thuột) là 100.000 đồng/vé, nhóm C (gồm Côn Đảo, Điện Biên, Cà Mau, Rạch Giá) là 60.000 đồng/vé và nhóm B (các sân bay không thuộc nhóm A và nhóm C) là 80.000 đồng/vé. Riêng dịch vụ đảm bảo an ninh hành khách, hành lý có giá 20.000 đồng/vé áp dụng cho tất cả các sân bay.

Tính chất thu hộ được thể hiện rõ qua việc các hãng hàng không được hưởng tỷ lệ hoa hồng 1,5% trên mỗi kỳ thanh toán tiền sử dụng dịch vụ phục vụ hành khách và dịch vụ bảo đảm an ninh hành khách, hành lý. Hoa hồng thu hộ chỉ áp dụng đối với chuyến bay thường lệ.

 Hành khách nếu hủy vé thì khoản phí dịch vụ sân bay đã “được thu hộ” sẽ hoàn lại như thế nào? (Ảnh minh họa, nguồn: Vietnam+)

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá vé máy bay hiện khá thấp, nhiều vé chỉ từ 100 - 300 nghìn đồng/chiều, hoặc khuyến mại dưới 100 nghìn đồng/chiều, thậm chí 0 đồng. Tuy nhiên, đó mới chỉ là giá vé. Để sở hữu thẻ lên máy bay, đàng hoàng bước lên cửa máy bay, hành khách còn phải trả thêm một số loại thuế, phí, phụ thu, tổng các khoản này từ 400 - 600 nghìn đồng/vé/chặng (tuỳ hãng).

Ngoài tiền vé, phí quản lý hệ thống chiếm tỷ lệ cao nhất (mức thu tuỳ hãng) trong cơ cấu của mỗi vé giá rẻ. Hãng giải thích đây là chi phí trả cho việc duy trì các hệ thống quản trị dữ liệu liên quan tới hành trình của quý khách, áp dụng cho tất cả khách mua vé qua kệnh trực tiếp hay qua đại lý.

Như vậy, khách đang phải trả khoản phí gấp nhiều lần giá vé cho một công việc các hãng phải làm để phục vụ việc quản lý dịch vụ của mình. Nói nôm na là họ đang phải gánh hộ chi phí này cho doanh nghiệp. Về bản chất, tổng tiền vé vẫn là nó mà thôi, chỉ khác ở cách diễn đạt nhằm tạo cảm giác giá vé máy bay rất thấp, rồi nói là doanh nghiệp hỗ trợ hay chương trình kích cầu…

Hiện khoản phụ thu hệ thống của Vietnam Airlines Group (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) được điều chỉnh tăng từ ngày 9/5, lên mức 450.000 đồng/chặng (tăng 100.000 đồng/chặng so với trước, đã gồm thuế VAT). Bamboo Airways cũng tăng khoản phí trên từ ngày 10/5, lên 410.000 đồng/chặng (tăng 90.000 đồng so với trước, chưa gồm VAT). Mức phí trên của Vietjet Air đang áp dụng là 250.000 đồng/chặng (chưa gồm VAT).

Theo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), trong giá vé máy bay có 2 khoản thu các hãng đang thu hộ ACV khi bán vé, gồm phí soi chiếu an ninh 20.000 đồng/khách/chiều; phí dịch vụ sân bay nội địa 100.000 đồng/khách/chiều.

Tuy nhiên, ACV chỉ nhận khoản thu hộ này từ các hãng nếu khách thực hiện chuyến bay. Tại khu vực kiểm tra an ninh, nhân viên an ninh sẽ quét thẻ lên máy bay của hành khách để xác định số lượng khách sử dụng dịch vụ để yêu cầu hãng hàng không chuyển số tiền thu hộ.

Và rồi cũng chính do dịch bệnh đã và đang khiến các chuyến bay phải hủy tăng mạnh thời gian qua. Dù các hãng đều “chứng tỏ sự cố gắng thành tâm chia sẻ” thông qua các phương án hỗ trợ đổi/hoàn/hủy vé, nhưng trong quá trình giải quyết vẫn có một số vấn đề bất cập.

Cụ thể, có hành khách thắc mắc khi họ không thực hiện chuyến bay (bỏ vé) và không được hoàn tiền vé bay (do quy định của hãng, thường là các vé bay giá rẻ) lại “vô tình mặc định” không được hoàn cả các khoản phí. Tiền vé máy bay mất là đương nhiên, nhưng các khoản phí kia cần phải được trả lại.

Tranh chấp tất yếu xảy ra. Có hãng chậm hoặc không hoàn lại các khoản phí thu hộ, hành khách có quyền yêu cầu trả lại. Nếu hãng “vô tình quên” thì hành khách có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa.

Vậy rốt cuộc, phí sân bay và an ninh này rơi vào túi ai? Nếu là sân bay thì hành khách chưa từng sử dụng dịch vụ, chưa bước tới sân bay mà vẫn phải trả tiền thì thật vô lý, còn nếu là hãng bay thì đây không phải là tiền của hãng, hãng chỉ là đơn vị thu hộ.

Tiền "có cánh" và biết bay?

Trước tình hình trên, Bộ Giao thông vận tải vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp với ACV là đơn vị khai thác cảng và các hãng hàng không thực hiện việc thu hộ các loại phí dịch vụ nói trên nghiên cứu, làm rõ, đồng thời báo cáo kết quả về Bộ trước ngày 17/5/2021.

Phải thừa nhận rằng, với một thị trường hàng không nội địa đầy tiềm năng và nhu cầu đi lại của người dân được dự báo ngày càng tăng (mặc dù hiện đang tạm thời chững lại do dịch bệnh), thử nhẩm tính số lượt khách "ngậm ngùi bỏ vé" nhân với phí dịch vụ dao động từ 80.000 - 120.000 đồng sẽ là số tiền chẳng hề nhỏ, trong 1 ngày, 1 tuần, 1 tháng, 1 quý hay 1 năm.

Do vậy, không chỉ Bộ Giao thông vận tải, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, mà đương nhiên những hành khách “thượng đế” đang rất mong chờ câu trả lời thực sự minh bạch từ các hãng hàng không và các sân bay về khoản tiền này./.

Anh Tuấn

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN