Khi người lớn cũng cần được vị tha…
(ĐCSVN) – Khi một đứa trẻ chọn cách ra đi vì những vấn đề mà khó ai giải thích nổi, chúng ta sẽ rất dễ dàng để đổ lỗi cho cha mẹ chúng. Nhưng đằng sau sự dại dột, bồng bột đó, người ta cũng sẽ không khó để nhìn thấy chính bản thân mình – chính bản thân mình ở những thời khắc quyết định để từ bỏ, hay vượt qua.
Ảnh minh họa (petrotimes.vn) |
Những đứa trẻ, với những quyết định táo tợn và không cần quan tâm đến người khác, ở khía cạnh nào đó còn “già” hơn cả chúng ta. Một cảm giác bị bỏ rơi, một cảm giác bị thiếu thấu hiểu, một cảm giác bị ghẻ lạnh, hay sự thiếu tình thương bị tích tụ… Tất cả đều có thể tạo nên một tấn bi kịch!
Trên cả hành tinh này, không ai có thể nói về một kịch bản dạy con theo bất cứ một khuôn mẫu nào hết. Dĩ nhiên, vì mỗi đứa trẻ không bao giờ giống nhau. Một cuộc họp bất thường, một cuộc nhậu quan trọng, một cơn say bất chợt, tất cả đều có thể khiến người bố, người mẹ nào đó quên đón con ở trường. Ai dám nói người lớn chưa từng mắng sai con, chưa từng mang những ức chế, áp lực từ cơ quan, công sở để đổ lên đầu những đứa con? Nhưng nhiều khi, người lớn vẫn khó thể hiểu rằng, trẻ con vẫn luôn tha thứ và dễ quên. Vẫn luôn bao dung và nói lời an ủi, khi ta cần nhất. Đó là điều chúng luôn cần được ghi nhận, cần được động viên. Và cũng cần được nói lời xin lỗi, bất cứ khi nào.
Sự áp đặt với một đứa trẻ không hề quá khó, nếu không muốn nói là điều rất tự nhiên với những gia đình mang tư tưởng “yêu cho roi cho vọt”. Có lý ở chỗ, không phải trẻ nhỏ nào sống trong nhung lụa, yêu chiều và hạnh phúc cũng có thể trưởng thành và trở thành nguyên mẫu sống giống như cha mẹ mong ước. Nhưng nghịch lý ở chỗ, những vết tổn thương sớm liệu có lấp đầy được trái tim con trẻ? Thứ mong manh mà ấm áp, thứ non dại mà cũng đầy xúc cảm còn hơn người lớn như chúng ta?
Những vụ học sinh tự tử gần đây và mới nhất là cậu bé 16 tuổi tại trường Amsterdam Hà Nội khiến cả xã hội bàng hoàng . Với một đứa trẻ đã sẵn có những suy nghĩ tiêu cực và sự bế tắc không được giải tỏa, không được giãi bày, không được lắng nghe và thấu hiểu, điều tồi tệ nhất đã đến. Nhưng vấn đề không chỉ đơn giản như vậy, bởi lúc này bất cứ sự trách móc nào đó cũng đều không thể sánh được với nỗi đau. Với sự ân hận quá muộn màng…
Dù người lớn có nợ trẻ con tình thương và sự tôn trọng. Dù người ta không thể trả lời chính xác về cách ứng xử và dạy dỗ với từng cá nhân ở độ tuổi đang chập chững, hoang mang về cả tâm lý lẫn hành vi. Dù vẫn có những giọt nước mắt con trẻ rơi vì những trận đòn oan uổng, thì trong sâu thẳm, không bố mẹ nào không muốn con tốt đẹp, khỏe mạnh và thành người. Có điều, mọi thứ không bao giờ đi theo một quy luật chung trong việc dạy dỗ một đứa trẻ. Nhưng, khi bất cứ sự việc nào không mong muốn xảy ra, bất cứ ai trong chúng ta cũng sẽ nhìn thấy một phần nào của chính mình trong đó. Của thời trẻ dại, của sự cô độc hay thậm chí bất công khi không có khả năng phản kháng. Của cái quả lắc giữa buông xuôi và vượt lên. Của những gì phải trải qua và phải đối mặt, nếu muốn thành Người.
Người lớn cũng cần sự vị tha vì thế. Vì những gì không thể theo kịp, không thể dễ chấp nhận, không thể có cách giải quyết trước cách biệt về thế hệ. Vì áp lực cuộc sống mưu sinh, vì những lần lỡ biến tổ ấm thành nơi trút giận. Vì cả tình thương không thể diễn đạt nữa…
Xin một lần, xin được vị tha!