Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khi đạo đức kinh doanh không còn...!

Thứ Sáu, 21/05/2021 16:34 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Không ai còn lạ lẫm với những vụ việc sử dụng hóa chất để phù phép thực phẩm bẩn trong những năm gần đây. Sự lên án của dư luận cùng các cuộc kiểm tra, bắt giữ của cơ quan chức năng dường như vẫn chưa thể răn đe những kẻ bất chấp hậu quả để giành lấy lợi nhuận.

Hiện trường vụ việc tại quận 8 vừa được cơ quan chức năng phát hiện (ảnh: vnexpress)

Ngày 18/5, 2,2 tấn ốc ngâm hóa chất bị phát hiện khi cảnh sát ập vào hai cơ sở tại quận 8, thành phố Hồ Chí Minh. Hàng trăm kg hóa chất được thu giữ, chủ cơ sở thừa nhận hành vi. Chỉ trước đó vài ngày, tại Hà Nội, Công an quận Ba Đình bắt quả tang một cơ sở dùng hóa chất cấm tẩy trắng mực để tiêu thụ tại chợ Long Biên. Chỉ cần qua 2 vụ việc trên, câu hỏi được đặt ra: Đó đã phải là toàn bộ tảng băng chìm? Không, có lẽ không người tiêu dùng nào tin vào điều đó, nếu xâu chuỗi lại cả một quá trình hoạt động của những hành vi đầu độc đồng bào.

Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, trước khi khiến những người mê món ốc kinh hoàng bởi hình ảnh được chụp tại quận 8, thì sự việc tương tự cũng đã diễn ra tại cùng khu vực. Chính xác là ngày 21/1, đội 5 - Phòng Cảnh sát môi trường, Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện một cơ sở sơ chế ốc cùng phương pháp pha hóa chất tại Khu dân cư Bến Lức, phường 7, quận 8. Khai nhận với cảnh sát, chủ cơ sở nói rằng chỉ biết giá hóa chất là 3000 đồng/lít, ngoài ra không hề biết đó là chất gì?!? Đáng sợ hơn, chủ cơ sở cho biết đã nhận đơn hàng từ hàng loạt các quán nhậu, nhà hàng, thậm chí cả siêu thị trên địa bàn thành phố. Có nghĩa là trước khi bị phát giác, hoạt động “làm đẹp” hải sản thông qua hóa chất cấm đã tồn tại rất lâu. Và không thể khác được, có cầu ắt sẽ có cung…

Tại quận 5, đã từ lâu chợ Kim Biên đã được xem là “thiên đường” của mọi loại hóa chất. Cái gì cũng có! Có xuất xứ hoặc không. Có nhãn mác hoặc không. Có hóa đơn, chứng từ hoặc không, bất chấp số lượng. Có chỗ bán hàng cụ thể hoặc chỉ là những lời mời chào ngoài chợ. Và nguy hiểm hơn là chính người bán nhiều khi cũng chẳng biết rõ mức độ độc hại với hóa chất đang bán. Đã rất nhiều lần cán bộ quản lý thừa nhận bất lực khi nhân sự thiếu, và cả yếu về chuyên môn để hiểu rõ mục đích sử dụng hay hàm lượng các chất được bày bán tràn lan. Một điểm chung, nó đều rất rẻ và đáp ứng hầu hết mọi nhu cầu sử dụng. Từ ủ trái cây, chế biến giò chả, tẩm hải sản cho đến làm hương liệu…, không thiếu giải pháp. Nó đặc biệt thích hợp hơn nữa với những chủ cơ sở kinh doanh muốn lợi nhuận cao, nhưng không muốn đầu tư thích đáng cho sản phẩm. Những cuộc thanh, kiểm tra thường kỳ thường khó kiểm soát được tình hình. Hàng chục hộ kinh doanh nằm bên ngoài chợ, khoảng gấp rưỡi con số đó nằm trong chợ, đó là chưa kể đến hàng trăm cơ sở hoạt động ở các khu vực lân cận, quả là một bài toán khó cho cơ quan quản lý khi công tác quy hoạch vẫn bỏ ngỏ.

Hóa chất cấm dễ mua, thực phẩm dễ tẩy, nhưng những hệ lụy về sức khỏe người dân thì không dễ thấy. Ngộ độc, rối loạn thần kinh, tiêu chảy, trọng bệnh do tích tụ chất độc lâu ngày, tất cả đều đổ lên đầu người tiêu dùng. Bộ Y tế đã có khuyến cáo về việc oxy già hay urê không được phép sử dụng như những chất phụ gia cho thực phẩm. Nhưng để tấy trắng mực hay ốc, người ta dùng chất gì thì không cần phải là nhà khoa học mới biết!

Vấn đề cốt lõi vẫn là đạo đức kinh doanh, điều mà những kẻ mang lòng tham không đáy và sự nhẫn tâm không dễ để hiểu. Bên cạnh đó, những chế tài xử lý vẫn chưa khiến người dân thỏa lòng. Những hành vi cố tình hủy hoại giống nòi dân tộc, hủy hoại sức khỏe đồng loại, hủy hoại cả niềm tin của cộng đồng, đã đến lúc cần đứng trước một chế tài hình sự đúng nghĩa hay chưa? Câu trả lời càng phải chờ lâu, sự bất ổn càng ám ảnh những người tiêu dùng vô tội./.

HC

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN