Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Khát khao đi học để thay đổi bản thân, để khẳng định mình

Thứ Hai, 23/10/2023 16:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Chứng kiến cuộc sống gia đình đầy mâu thuẫn và địa vị lép vế của mẹ trong nhà, Lù Thị Thảo tự nhận thấy, phụ nữ cũng cần phải có quyền, có tiếng nói trong gia đình và ngoài xã hội chứ không nên răm rắp theo sự điều khiển của người khác.

Lù Thị Thảo (tên nhân vật đã được tác giả thay đổi) năm nay học lớp 8, là người dân tộc La Chí, sinh sống tại xã Bản Máy, một xã miền núi xa xôi, giáp biên giới thuộc huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Ước mơ từ khi còn nhỏ của em là có một gia đình hạnh phúc, bố mẹ bớt uống rượu, bớt chửi mắng con cái sau mỗi lần uống rượu say và luôn yêu thương các con, nhưng em đã không may mắn được hưởng niềm vui đó.

Thảo không mong muốn mình sẽ sống trong một gia đình có bố mẹ luôn tranh cãi về mọi vấn đề của cuộc sống. Nhưng ngay từ nhỏ, em đã thường xuyên chứng kiến cảnh bố mẹ cãi vã, đồ đạc bay qua bay lại trong nhà

Những lúc đó, em cảm thấy rất sợ hãi. Buồn hơn nữa là thỉnh thoảng em bỗng trở thành nạn nhân của những trận đòn roi không lý do từ bố mẹ. Những lúc như vậy, em chỉ biết cắn răng khóc và chịu đựng.

Thảo khao khát được đi học, được đến ở nội trú tại trường, được thoát khỏi gia đình. Lớn lên trong căn nhà có bố mẹ luôn mâu thuẫn, lục đục, bản thân em sinh ra mặc cảm, tự ti, thậm chí có những lúc bất cần, vì em nghĩ bố mẹ đâu còn quan tâm đến mình nữa.

Rồi câu chuyện buồn của gia đình Thảo cũng đi tới hồi kết bằng một tờ giấy ly hôn của bố mẹ. Khi đó, em đã khóc rất nhiều.

Sau khi bố mẹ ly hôn, Thảo về ở cùng bác ruột. Em đã nghĩ rất nhiều đến việc bỏ học. Nhưng mẹ luôn là người hiểu và động viên em: “Mặc dù bố mẹ không thể ở bên cạnh con mỗi ngày nhưng bố mẹ sẽ cố gắng lo cho con, đừng bỏ học sau này sẽ khổ như mẹ con ạ!”

Dù mẹ khuyên nhủ nhưng vì xấu hổ với bạn bè nên Thảo quyết định nghỉ học, không còn muốn đến trường nữa.

Biết hoàn cảnh của Thảo, thầy cô đã đến tận nhà động viên, vận động em đi học trở lại. Được sự động viên của thầy cô và gia đình, Thảo tiếp tục đến trường.

Liên đội Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Bản Máy, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang tổ chức tập huấn “Kĩ năng triển khai vận động cho trẻ em gái quay lại trường học” cho nhóm học sinh nòng cốt (Ảnh: CTV)

Sau hơn một tháng trở lại học tập, được gặp thầy cô, bạn bè, Thảo đã cân bằng lại tinh thần. Em tự hứa với bản thân sẽ cố gắng trong học tập để không phải như mẹ - người phụ nữ luôn bị lép vế trước bố.

Chứng kiến cuộc sống gia đình đầy mâu thuẫn và địa vị lép vế của mẹ trong nhà, Thảo tự nhận thấy, phụ nữ cũng cần phải có quyền, có tiếng nói trong gia đình và ngoài xã hội chứ không nên răm rắp theo sự điều khiển của người khác.

Cũng từ đó, Thảo không còn nghĩ nhiều về chuyện gia đình nữa mà dần mở lòng với bạn bè, thầy cô và nỗ lực tập trung vào học tập. Kết quả cuối các năm học lớp 6, lớp 7, em là số ít trong số các bạn nữ đạt học sinh tiên tiến của nhà trường trong hai năm học đó.

Tuy không phải là thành tích cao nhất, nhưng Thảo đã khẳng định được mình với người thân và bạn bè rằng mặc dù là nữ sinh, nhưng trước hoàn cảnh éo le của gia đình, em đã đủ bản lĩnh vượt qua và vượt lên.

Ước mơ lớn nhất của Thảo là tiếp tục cố gắng học thật giỏi, sau này trở thành một bác sĩ chữa bệnh cho người dân ở quê hương mình, giúp đỡ cho những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn.

Chúng ta cùng chúc cho ước mơ của Thảo sẽ trở thành hiện thực để em có cơ hội trở thành một người phụ nữ độc lập, có vị thế trong công việc và trong gia đình! Đó cũng là cách để cô bé sẽ đạt được bình đẳng giới trong tương lai./.

Hà Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN