Khai thác tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hoá
(ĐCSVN)- Xây dựng công nghiệp văn hóa là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội. Với bề dày lịch sử văn hóa, nước ta có nhiều dư địa để phát triển ngành công nghiệp này. Tuy nhiên, so với một số ngành khác, các ngành công nghiệp văn hóa nước ta vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng, lợi thế.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. (Ảnh: K.T) |
Nhiều dư địa phát triển nhưng chưa xứng với tiềm năng
Báo cáo tại Hội nghị toàn quốc về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam ngày 22/12, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Trải qua các giai đoạn phát triển của đất nước, đặc biệt trong gần 40 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, nhiệm vụ xây dựng văn hóa trong kinh tế ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm, kế thừa, bổ sung, phát triển và hoàn thiện để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực, nguồn lực để phát triển đất nước.
Những năm qua Đảng, Nhà nước đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật để phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa. Từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (năm 1998) đến Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) đều đề cập và khẳng định sự cần thiết phải phát triển ngành công nghiệp này.
Trên thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa đang diễn ra mạnh mẽ, là xu thế và dần trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của các quốc gia. Ở các nước phát triển, công nghiệp văn hóa đã mang lại nguồn thu lớn cho tổng sản phẩm trong nước (GDP). Ở Hồng Kông, 85% thu nhập quốc dân có được từ nguồn thu dịch vụ giải trí, truyền hình và quảng cáo. Ở Nhật Bản, một đất nước có ngành công nghiệp văn hoá tầm cỡ; điển hình là trong việc viết truyện, xuất bản truyện, làm quà lưu niệm từ các tác phẩm truyện này, làm anime, và làm các game từ các tác phẩm... trung bình doanh thu của họ đã lên đến 2 tỉ USD. Ở Hàn Quốc, một quốc gia cũng không kém cạnh so với Nhật Bản, các nhóm nhạc, những bộ phim, đều được các phương tiện truyền thông đưa đi khắp toàn cầu. Vì thế mà các tác phẩm này được ưa chuộng.
Việt Nam được đánh giá có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển công nghiệp văn hoá. Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau 05 năm triển khai thực hiện Chiến lược, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đạt được một số thành tựu nhất định, tính đến năm 2018, 12 ngành công nghiệp văn hóa đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỷ USD, tương đương 3,61% GDP. Đóng góp của công nghiệp văn hóa năm 2021 đạt 3,92% GDP. Năm 2022, tăng lên 4,04% GDP. Phát triển công nghiệp văn hóa đang trở thành xu hướng và được xác định là phần quan trọng, bền vững, thu hút nguồn lực, lao động, việc làm, phát huy lợi thế cạnh tranh.
Cụ thể, các sản phẩm công nghiệp văn hóa trên các lĩnh vực (âm nhạc, hội họa, văn chương, sân khấu, điện ảnh…) ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của công chúng, trong đó nhiều sản phẩm có giá trị cao, tạo được tiếng vang trong nước và quốc tế. Nhiều di sản văn hóa được khai thác có hiệu quả; nhiều ca sĩ Việt đạt hàng trăm triệu lượt xem trên YouTube hay được yêu thích trên các nền tảng số khác trong và ngoài nước…
Ngày càng nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia phát triển công nghiệp văn hóa. Giai đoạn 2018-2022, số lượng các cơ sở kinh tế hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hóa tăng khá cao ở mức 7,2%/năm (hiện có trên 70 nghìn cơ sở kinh tế). Lực lượng lao động thuộc các ngành công nghiệp văn hóa tăng nhanh ở mức 7,4%/năm (hiện thu hút khoảng 2,3 triệu lao động, chiếm 4,42% tổng lực lượng lao động của toàn nền kinh tế).
Mô hình tổ chức đào tạo nhân lực cho phát triển công nghiệp văn hóa từng bước được hoàn thiện theo hướng phù hợp, chuyên nghiệp, bài bản, nhất là cho tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.
Xây dựng mạng lưới liên kết, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong công nghiệp văn hóa được chú trọng, đạt được kết quả bước đầu. Mạng lưới liên kết, kết nối các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo trong nước và quốc tế dần hoàn thiện. Cơ sở dữ liệu về các di tích văn hóa - lịch sử, nhà hát, trung tâm biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim, bảo tàng được đẩy mạnh xây dựng, tạo nền tảng quan trọng xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về du lịch văn hóa nói riêng, công nghiệp văn hóa nói chung.
Công nghiệp văn hóa có tiềm năng lớn, phong phú, đa dạng nhưng cơ chế, chính sách, thể chế còn hạn hẹp, chưa tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước.
Cụ thể, chưa quy định rõ vai trò quản lý nhà nước, trách nhiệm, quyền hạn đối với một số lĩnh vực trong ngành công nghiệp văn hóa (như thiết kế mỹ thuật công nghiệp, thiết kế thời trang); cơ chế phối hợp thiếu đồng bộ.
Thể chế, cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chưa theo kịp thực tiễn; công tác tổ chức thực hiện trong một số ngành, lĩnh vực thuộc công nghiệp văn hóa chưa hiệu quả (như việc xử lý các vấn đề sao chép, vi phạm bản quyền...).
Nguồn lực đầu tư cho công nghiệp văn hóa chưa tương xứng, còn dàn trải; việc huy động các nguồn lực ngoài nhà nước, phương thức đối tác công tư (PPP) chưa đạt yêu cầu.
Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa còn hạn chế (thiếu những sản phẩm, tác phẩm lớn, phản ánh được hơi thở, sự phát triển KTXH của đất nước; một số tác phẩm có biểu hiện "lệch chuẩn"); dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài như suy thoái kinh tế, dịch bệnh… (Phim nước ngoài chiếm trên 70% phim chiếu rạp; phim truyền hình chủ yếu là phim nước ngoài).
Nguồn nhân lực trong các ngành công nghiệp văn hóa chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, cả về số lượng và chất lượng; thiếu chính sách đãi ngộ phù hợp.
Nhiều lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa chưa chuẩn hóa được phương pháp thống kê, thiếu hệ thống theo dõi, nên rất khó đánh giá tình hình phát triển (hiện 3/5 lĩnh vực chủ yếu có chỉ tiêu theo dõi trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa nhưng chưa có số liệu đánh giá cụ thể).
Cần có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp, “khơi thông” các nguồn lực
Để phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam thời gian tới, Bộ trưởng Bộ VHTTDL- Nguyễn Văn Hùng cho rằng, cần quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội về vai trò, vị trí của công nghiệp văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội.
Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung khổ pháp lý để tạo cơ sở pháp lý, “khơi thông” nguồn lực thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế, như chính sách ưu đãi về vốn, khuyến khích sáng tạo đối với văn nghệ sĩ, doanh nghiệp khởi nghiệp…
Phát triển công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới thông qua hoạt động giao lưu, hợp tác, liên doanh, liên kết với các quốc gia có nền công nghiệp văn hóa phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc…
Tập trung xây dựng mạng lưới doanh nghiệp sáng tạo, có thương hiệu, đủ sức cạnh tranh ở những lĩnh vực Việt Nam có tiềm năng, thế mạnh như phần mềm, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn… tạo ra nhiều sản phẩm văn hóa có chất lượng cao tham gia thị trường văn hóa trong nước và quốc tế.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực phát triển các ngành công nghiệp văn hóa thông qua các trường, thông qua liên kết với các doanh nghiệp, chương trình hợp tác với các đối tác quốc tế.
Bổ sung chỉ số thống kê về ngành công nghiệp văn hóa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, để trên cơ sở dữ liệu này, có chính sách đầu tư, lộ trình phát triển phù hợp đối với toàn ngành công nghiệp văn hóa nói chung và từng ngành công nghiệp văn hoá nói riêng.
Để các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam phát triển đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược đến năm 2030 đóng góp 7% GDP đòi hỏi sự phối hợp chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, giữa các bộ, ngành, địa phương, giữa các lĩnh vực trong công tác quy hoạch, xây dựng các chương trình, đề án, dự án phát triển các ngành công nghiệp văn hóa...
Để công nghiệp văn hóa đạt được như kỳ vọng "sáng tạo - bản sắc - độc đáo - chuyên nghiệp - cạnh tranh" chắc chắn không phải là điều đơn giản có thể làm được trong ngày một ngày hai. Với những bất cập đã nêu cho thấy chặng đường phía trước còn lắm gian lao, chúng ta cần phải có giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập phù hợp, nhất là trong cơ chế, chính sách; triển khai đồng bộ các giải pháp về quy hoạch, thị trường, khoa học công nghệ, huy động sự tham gia của doanh nghiệp, ngân hàng, thu hút nguồn lực hợp tác công tư, tập trung những sản phẩm, dịch vụ để tạo hiệu quả và sức lan tỏa, phát triển thương hiệu quốc gia…Nếu không những kỳ vọng chúng ta đưa ra sẽ mãi chỉ là những ước nguyện đẹp đẽ trên giấy mà thôi.