Khai mạc Dự án “Làm mẹ an toàn” tại Yên Bái
(ĐCSVN) - Ngày 31/10, Sở Y tế và Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh Yên Bái phối hợp với Tổ chức Samaritan’s Purse International Relief (SPIR) của Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Khai mạc Dự án “Làm mẹ an toàn” tại Yên Bái, giai đoạn 2023 - 2024 do Tổ chức SPIR tài trợ.
Ths. Bs Lê Thị Hồng Vân – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội nghị . (Ảnh: Thái Hà/Ngọc Huyền) |
Năm 2023 là năm đầu tiên Tổ chức SPIR thực hiện Dự án “Làm mẹ an toàn” trên địa bàn tỉnh Yên Bái và tài trợ tại 02 huyện vùng cao là Trạm Tấu và Mù Cang Chải chủ yếu về công tác truyền thông, đào tạo triển khai các hoạt động về cộng đồng. Nhờ có sự tài trợ này, các cô đỡ có kinh phí để được tham gia khóa học đào tạo nâng cao năng lực và duy trì hoạt động.
Được triển khai từ tháng 10/2023 đến tháng 03/2024, với những đặc thù riêng về trình độ phát triển dân cư, vị trí địa lý cũng như phong tục tập quán, Dự án “Làm mẹ an toàn” đã nghiên cứu và đưa ra những hoạt động phù hợp với địa bàn 02 huyện vùng cao bao gồm: Tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực cho cô đỡ thôn bản về công tác truyền thông; Nâng cao năng lực và cung cấp đồ dùng dự án cho cô đỡ thôn bản… Từ đó giúp thay đổi hành vi cho vợ chồng bà mẹ mang thai, vợ chồng mới cưới và bà mẹ mới có con đầu lòng, với mục tiêu cuối cùng là giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và trẻ sơ sinh trên địa bàn.
Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản. Mục tiêu của chương trình làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Các nội dung giáo dục sức khoẻ về làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu...
Bà mẹ cần trang bị kiến thức và kỹ năng về làm mẹ an toàn. (Ảnh: Ngọc Diệp) |
Tại Việt Nam, trong 11 năm qua (từ năm 2011-2022), công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại nước ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ phụ nữ được khám thai từ 4 lần trở lên đạt trên 80%; tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đỡ duy trì từ 95-97%. Ngoài ra, tỷ lệ chăm sóc sau sinh trong 7 ngày đầu sau đẻ duy trì từ 75-80%.
Tuy nhiên, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9 phần nghìn, dưới 1 tuổi là 12,1 phần nghìn (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Con số này còn cao so với một số nước cùng mức thu nhập. Cụ thể, ở Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8 phần nghìn. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2 phần nghìn. Mỗi ngày có 39 trẻ sơ sinh ở Việt Nam tử vong, ngành Y tế đang cố gắng áp dụng các biện pháp can thiệp để giảm chỉ số này.
Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2023 với chủ đề năm 2023 là "Làm mẹ an toàn - Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé" diễn ra từ ngày 01-07/10/2023 tại 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với mục đích nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030./.