Kết nối doanh nghiệp sản xuất - phân phối hàng Việt Nam
(ĐCSVN) – Sáng 5/10, tại Hà Nội, Vụ Thị trường - Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam tổ chức “Hội nghị Kết nối các doanh nghiệp sản xuất - phân phối hàng Việt Nam”.
120 đại biểu đến từ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Công Thương Hà Nội, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội, Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, các doanh nghiệp nhà bán lẻ Việt Nam đã tham gia Hội nghị.
Hiện nay, an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng ở nước ta. Được tiếp cận nguồn thực phẩm an toàn đang trở thành quyền cơ bản đối với mỗi người. Hội nghị Kết nối các doanh nghiệp sản xuất – phân phối hàng Việt Nam được tổ chức nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà sản xuất Việt Nam tiêu thụ các sản phẩm thực phẩm Việt Nam an toàn và chất lượng, đồng thời tạo nguồn cung hàng hóa Việt Nam cho hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm Việt Nam có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có chất lượng tốt đến tay người tiêu dùng, tạo chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ bền vững.
Hội nghị Kết nối các doanh nghiệp sản xuất – phân phối hàng Việt Nam. Ảnh: TD.
Phát biểu tại Hội nghị, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường, Bộ Công thương đã biểu dương sự nỗ lực của Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam đã hỗ trợ cho các doanh nghiệp bán lẻ trong nước, kết nối chuỗi thực phẩm hàng trong nước tới tay người tiêu dùng với chất lượng đạt tiêu chuẩn và bình ổn giá cả theo Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công thương chủ trì. Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường – Bộ Công Thương đề nghị Hội nghị cần tập trung vào việc học tập các mô hình, chuỗi liên kết các nhà bán lẻ đã thành công tại thị trường trong và ngoài nước với chất lượng đạt tiêu chuẩn, thân thiện với môi trường và giá thành ổn định.
Tại Hội nghị, bà Đinh Thị Mỹ Loan – Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam đưa ra tham luận từ góc nhìn của nhà bán lẻ cần “Làm gì để tăng hiệu quả kết nối các doanh nghiệp sản xuất – phân phối hàng Việt Nam, đặc biệt mảng thực phẩm Việt Nam an toàn chất lượng”. Theo tham luận, nhằm nâng cao hiệu quả cho việc kết nối thị trường bán lẻ hiện nay cần Nhà nước hỗ trợ thành lập các trung tâm giao dịch hàng hóa hoặc tổ chức các phiên chợ giao dịch hoạt động định kỳ theo tháng; Hỗ trợ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các tổ chức đầu mối thích hợp xây dựng cơ chế mua chung, mua theo nhóm cho các nhà bán lẻ thành viên; Hỗ trợ từ cơ quan quản lý để xây dựng và vận hành Cổng thông tin kết nối nhà sản xuất với các nhà bán lẻ hoạt động thường xuyên.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội đã đưa ra 4 giải pháp cho ngành chăn nuôi sạch và cung ứng sản phẩm thịt an toàn từ chăn nuôi là cần tháo gỡ khó khăn trong việc giao đất lâu dài cho chăn nuôi, bồi dưỡng và thu hút nhiều nhà doanh nghiệp lớn đầu tư lấp chỗ trống hiện nay trong sản xuất và tiêu thụ, thúc đẩy phát triển cửa hàng tiện ích cả vùng thành thị và nông thôn, tuyên truyền thay đổi tập quán thói quen người tiêu dùng để sử dụng thịt cấp đông, phát triển nhãn hiệu chứng nhận để giúp người tiêu dùng không phải mua sản phẩm an toàn bằng lòng tin nữa mà có cơ sở khoa học để khẳng định an toàn, chắc chắn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đã tập trung chia sẻ, trao đổi về việc áp dụng các phương pháp truyền thông, marketing hiện đại, xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị hệ thống bán hang. Tại hội nghị đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa VACOD và các doanh nghiệp nhằm mục đích tăng cường kết nối trực tiếp, hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề phát triển và mở rộng thị trường, tạo cơ hội trực tiếp cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, giới thiệu, sắp xếp các gian hàng trưng bày các sản phẩm tiêu dùng./.