IOM: Hơn 5.000 người thiệt mạng trên các tuyến đường di cư châu Âu kể từ năm 2021
(ĐCSVN) – Trong khi hơn 29.000 trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận trên các tuyến đường di cư đến châu Âu kể từ năm 2014, thì ít nhất 5.684 trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận trên các tuyến đường di cư đến và trong châu Âu kể từ đầu năm 2021.
Những người di cư được Liên hợp quốc cứu ở ngoài khơi Libya. (Ảnh: UN) |
Theo Tổ chức Di cư Thế giới (IOM), số người thiệt mạng ngày càng tăng trên các tuyến đường băng qua Địa Trung Hải, biên giới đất liền của châu Âu và trong lục địa này,
Ông Julia Black, tác giả của báo cáo dữ liệu Người di cư mất tích ở châu Âu của IOM cho biết: “Những cái chết tiếp tục này là một lời nhắc nhở nghiệt ngã khác rằng rất cần những con đường di cư hợp pháp và an toàn hơn”.
IOM cho biết ít nhất 2.836 người chết và mất tích đã được ghi nhận trên tuyến đường Trung Địa Trung Hải kể từ năm 2021 (tính đến ngày 24/10/2022), tăng so với con số 2.262 trường hợp tử vong được ghi nhận trong giai đoạn năm 2019 – 2020.
Trên tuyến đường Tây Phi-Đại Tây Dương đến Quần đảo Canary của Tây Ban Nha, 1.532 trường hợp thiệt mạng đã được ghi nhận trong thời gian báo cáo. Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, đây đã là “con số cao hơn bất kỳ khoảng thời gian 2 năm nào kể từ khi IOM bắt đầu ghi nhận các trường hợp thiệt mạng vào năm 2014”. Trên cả hai tuyến đường biển dài và nguy hiểm này, dữ liệu cho năm hiện tại rất có thể là không đầy đủ, do quá trình xác minh về “những vụ đắm tàu vô hình” vốn diễn ra quá thường xuyên.
Kể từ năm 2021, số người thiệt mạng trên nhiều tuyến đường khác của châu Âu đã được ghi nhận so với những năm trước, bao gồm những trường hợp thiệt mạng tại biên giới đất liền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (126 trường hợp thiệt mạng được ghi nhận).
Dự án Người di cư mất tích của IOM cũng đã ghi nhận những trường hợp thiệt mạng trên tuyến đường Tây Balkan (69), cũng như trên Kênh đi qua giữa Pháp và Vương quốc Anh (53), tại biên giới giữa Belarus và Liên minh châu Âu (23) và cái chết của người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xung đột gần đây (17).
Các báo cáo từ những người sống sót được chuyển đến IOM cho thấy ít nhất 252 người đã chết trong các cáo buộc trục xuất bởi các nước châu Âu kể từ năm 2021. Các trường hợp thiệt mạng liên quan đến những vụ trục xuất này đã được ghi nhận ở trung tâm Địa Trung Hải (97 trường hợp thiệt mạng kể từ năm 2021), ở phía Đông Địa Trung Hải (70 người thiệt mạng), ở biên giới đất liền giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp (58 người thiệt mạng), ở phía Tây Địa Trung Hải (23 người thiệt mạng) và ở biên giới giữa Belarus và Ba Lan (4 người thiệt mạng). Theo IOM, những trường hợp này hầu như không thể xác minh toàn bộ và những con số này do đó có khả năng được đánh giá thấp so với số người chết thực tế.
Dữ liệu từ Dự án Người di cư mất tích chỉ ra rằng tổng cộng, hơn 29.000 người đã thiệt mạng trong các cuộc hành trình di cư đến châu Âu kể từ năm 2014.
Trước những dữ liệu đáng lo ngại này, IOM kêu gọi các quốc gia châu Âu thực hiện những biện pháp khẩn cấp và cụ thể để cứu sống và giảm thiểu số người chết trong các cuộc hành trình di cư. "Các quốc gia phải duy trì quyền được sống của tất cả mọi người bằng cách ngăn chặn những trường hợp tử vong và mất tích tiếp tục xảy ra" – IOM nêu rõ.
Đặc biệt, các quốc gia châu Âu được kêu gọi ưu tiên cho công tác tìm kiếm và cứu nạn trên bộ và trên biển. IOM kết luận: “Cuối cùng, để chấm dứt cái chết của người di cư, các quốc gia phải xem xét tác động của các chính sách di cư để bảo đảm di cư an toàn và giảm thiểu mọi nguy cơ tử vong hoặc mất tích của người di cư”./.