Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

IMF khởi động đợt phân bổ Quyền Rút vốn đặc biệt lớn nhất trong lịch sử

Thứ Ba, 24/08/2021 12:53 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Ngày 23/8, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) thông báo quyết định về mức phân bổ chung mới dành cho Quyền Rút vốn đặc biệt (SDR) trị giá 650 tỷ USD mà Hội đồng Thống đốc của tổ chức này đã thông qua hồi đầu tháng 8 bắt đầu có hiệu lực.

Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva. (Ảnh: Financial Express)

“Đây là một quyết định mang tính lịch sử - đợt phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh.

Trong thông báo mới nhất được đưa ra, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh: “Mức phân bổ SDR lớn nhất trong lịch sử của IMF sẽ có hiệu lực từ ngày hôm nay. Việc phân bổ này là một cú huých quan trọng đối với thế giới. Nếu được sử dụng một cách khôn ngoan, đây sẽ là cơ hội để giải quyết cuộc khủng hoảng chưa từng có này”.

Theo bà Kristalina Georgieva, mức phân bổ SDR mới sẽ giúp tăng cường thêm tính thanh khoản cho hệ thống kinh tế toàn cầu, bổ sung cho nguồn dự trữ ngoại hối của các quốc gia. Các quốc gia có thể sử dụng tiềm lực từ SDR để hỗ trợ nền kinh tế và thúc đẩy cuộc chiến chống khủng hoảng hiện nay.

Trước đó, đề xuất phân bổ SDR mới đã bị trì hoãn trong hơn 1 năm, do Mỹ, quốc gia thành viên có quyền phủ quyết duy nhất, đã bác bỏ hồi năm ngoái khi cựu Tổng thống Donald Trump còn tại nhiệm. Tuy nhiên, sau khi lên nắm quyền, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng đảo ngược quan điểm và bày tỏ ủng hộ kế hoạch này. Tại hội nghị mùa Xuân trực tuyến giữa IMF và Ngân hàng Thế giới (WB) hồi tháng 4 vừa qua, đề xuất cũng đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi của các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng như giới chức các nước thành viên IMF khác.   

Ngày 2/8 vừa qua, IMF đã thông qua mức phân bổ SDR mới này trong nỗ lực thúc đẩy thanh khoản toàn cầu. Đây là lần đầu tiên kể từ khi tung gói cứu trợ 250 tỷ USD sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, IMF áp dụng quyền rút vốn đặc biệt trị giá 650 tỷ USD.

Theo bà Kristalina Georgieva, gói tài chính lịch sử này là “một liều vắc xin dành cho nền kinh tế thế giới”, giúp tăng cường sự ổn định toàn cầu.

“Việc phân bổ SDR sẽ mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên, giải quyết nhu cầu dự trữ dài hạn trên toàn cầu, xây dựng lòng tin đồng thời thúc đẩy khả năng phục hồi và ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, mức phân bổ mới cũng sẽ giúp các quốc gia dễ bị tổn thương nhất hiện đang vật lộn để đối phó với các tác động của cuộc khủng hoảng COVID-19”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva nhấn mạnh.

Việc phân bổ các SDR mới sẽ được cung cấp dưới dạng hạn mức tín dụng cho các nước thành viên tương ứng với hạn ngạch mỗi quốc gia hiện có. Khoảng 275 tỷ USD (193 tỷ SDR) trong mức phân bổ mới sẽ được dành cho các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, trong đó các nước có thu nhập thấp sẽ nhận được khoảng 21 tỷ USD.

SDR được phân bổ dựa theo quy mô nền kinh tế của một quốc gia và đóng góp của quốc gia đó vào dự trữ của IMF, vì vậy, các quốc gia giàu có hơn sẽ nhận được khoản phân bổ nhiều hơn. Tuy nhiên, những quốc gia giàu có hơn không cần khoản phân bổ này có thể chuyển chúng cho những quốc gia nghèo hơn. 

SDR là một dạng tài sản dự trữ quốc tế do IMF xây dựng từ năm 1969 nhằm bổ sung cho tài sản dự trữ của các quốc gia thành viên. SDR được coi là loại tiền tệ quy ước của IMF sử dụng trong quan hệ tín dụng giữa quỹ với các nước thành viên hoặc giữa các nước với nhau. Phương tiện này có thể quy đổi thành một đồng tiền bất kỳ trong rổ gồm USD, Euro, Yen, bảng Anh và Nhân Dân tệ... để đáp ứng nhu cầu cân bằng thanh toán của các nền kinh tế thành viên.

SDR ra đời cung cấp cho các quốc gia thành viên một nguồn lực bổ sung để có thể duy trì tỷ giá hối đoái của đồng nội tệ. IMF nhận tiền đóng góp và sử dụng nguồn góp đó, cộng thêm với các tài trợ khẩn cấp đặc biệt để cho một số nước thành viên vay, nhằm ổn định cung cầu tiền tệ, tỷ giá hối đoái, cán cân thanh toán ngắn hạn. Số tiền cụ thể mà mỗi quốc gia phải đóng góp được IMF xem xét quyết định căn cứ tình hình kinh tế của quốc gia đó. IMF sử dụng SDR làm cơ sở cho các khoản vay khẩn cấp của thể chế tài chính này.

Trong báo cáo cập nhật về triển vọng kinh tế thế giới được đưa ra ngày 27/7 vừa qua, IMF dự báo, tăng trưởng toàn cầu vẫn giữ nguyên ở mức 6% cho năm 2021. Ngoài đưa ra dự báo tăng trưởng toàn cầu 2021, IMF cũng cảnh báo sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 sẽ là mối nguy đối với kinh tế thế giới. Quỹ này cũng chỉ rõ, tình trạng lạm phát gia tăng gần đây là hậu quả của tình hình dịch bệnh tái bùng phát và việc giá cả hàng hóa, dịch vụ leo thang có thể còn kéo dài. Nhà kinh tế trưởng Gita Gopinath cảnh báo, biến thể siêu lây nhiễm Delta có thể làm chệch hướng phục hồi và có thể tiêu tốn tới 4.500 tỷ USD giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu vào năm 2025./.

H.Hà (Theo Business News, imf.org)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN