Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

ILO: Cần hành động khẩn cấp để quản lý chất thải điện tử

Thứ Năm, 18/04/2019 17:09 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ngày 17/4 kêu gọi hành động khẩn cấp để cải thiện việc quản lý hơn 50 triệu tấn chất thải điện và điện tử được thải ra mỗi năm.

Theo ILO, có hơn 50 triệu tấn chất thải điện và điện tử được thải ra mỗi năm.
(Ảnh: ILO)

Chuyên gia của ILO về chất thải điện và điện tử Casper Edmond cho biết: "Chúng ta đang phải đối mặt với một ‘cơn sóng thần’ về chất thải điện và điện tử". Chỉ 20% chất thải điện và điện tử được xử lý thông qua các kênh tái chế chính thức, tuy nhiên giá trị của chúng ước tính khoảng 55 tỷ euro.

Trong bối cảnh đó, ILO nhấn mạnh cần khẩn cấp tiến hành những biện pháp để khuyến khích quản lý tốt hơn các dòng chất thải điện và điện tử độc hại được thải ra trên khắp thế giới. Việc làm này cũng có thể hữu ích giúp tạo ra nhiều việc làm tốt.

Trong một cuộc họp tại trụ sở ILO ở Geneva, đại diện các chính phủ, tổ chức sử dụng lao động và người lao động đã cùng đi đến thống nhất rằng, các chính phủ cần "tăng cường và thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng và hệ thống quản lý chất thải ở tất cả các cấp, khi thích hợp, để quản lý sự phát triển của chất thải điện và điện tử theo cách có thể thúc đẩy tạo ra nhiều việc làm tốt".

Một điểm khác của thỏa thuận tại cuộc họp là cần phải bảo vệ khẩn cấp những người làm việc trong lĩnh vực xử lý chất thải điện và điện tử, vì độc tính và nguy hiểm của chúng đang gây hại cho người lao động và môi trường. "Các công nhân xử lý chất thải điện và điện tử không thể đưa ra ý kiến và không có khả năng thương lượng, trong khi công việc của họ là phá hủy các vật liệu nguy hiểm bằng tay" – Phó trưởng nhóm làm việc tại ILO James Towers giải thích. "Ngoài ra, những công nhân này không nhận thức được nhiều rủi ro liên quan đến việc xử lý chất thải điện và điện tử".

Bên cạnh đó, theo ILO, chất thải điện và điện tử cũng đang trở thành một nguồn tài nguyên ngày càng quan trọng đối với người lao động trong nền kinh tế phi chính thức có liên quan đến chuỗi giá trị của chất thải này, thu hồi, sửa chữa, phục hồi, tái sử dụng, chuyển đổi và tái chế thiết bị điện, điện tử.

“Ngành chất thải điện và điện tử mang đến cơ hội kinh doanh tuyệt vời" – Phó chủ tịch nhóm người lao động tại ILO, ông Patrick Van den Bossche khẳng định, đồng thời nói thêm rằng cần tăng cường nỗ lực để tạo thêm nhiều việc làm tốt và bền vững, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp bền vững, cung cấp các sản phẩm và dịch vụ mới; tăng thêm giá trị bằng cách củng cố nền kinh tế tuần hoàn.

Tổ chức Lao động Quốc tế là thành viên của Liên minh Liên hợp quốc chống rác thải điện và điện tử, được thành lập nhằm tăng cường hợp tác, xây dựng quan hệ đối tác và cung cấp hỗ trợ hiệu quả hơn, từ đó giúp các quốc gia ứng phó với các thách thức do chất thải này gây ra./.

Khánh Linh (Theo ILO, UN, AFP)

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN