Huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc: Phấn đấu gieo trồng trên 60% diện tích lúa Xuân muộn
(ĐCSVN) - Vụ Đông Xuân 2016-2017, huyện Sông Lô phấn đấu tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm đạt trên 5.000ha. Trong đó, cây lúa phấn đấu đạt trên 2.900ha (lúa Xuân muộn chiếm trên 60% diện tích. Duy trì các giống lúa thuần có năng suất, chất lượng ổn định như: HT1, Thiên Ưu 8, TH3-5, TBR225...
Đối với từng loại giống sử dụng gieo trồng ở địa phương cần bố trí gieo vào thời gian tập trung và trồng thành vùng, các giống có thời gian sinh trưởng dài hơn nên bố trí đầu khung lịch thời vụ, các giống có thời gian sinh trưởng ngắn hơn nên bố trí vào cuối khung lịch thời vụ để thuận tiện chăm sóc cũng như theo dõi, chỉ đạo phòng trừ bệnh. Năng suất trung bình phấn đấu đạt trên 53tạ/ha; Cây ngô xuân phấn đấu đạt 470ha, năng suất trên 47 tạ/ha; Cây lạc phấn đấu đạt trên 550ha, năng suất đạt trên 20 tạ/ha; Cây có củ phấn đấu đạt trên 600ha; diện tích còn lại là cây hàng năm khác. Tận dụng các loại đất còn trống để trồng rau, đậu, hoa, cây cảnh… với phương châm không để đất nông nghiệp bị bỏ trống.
Để đạt được các mục tiêu trên, một số các giải pháp được huyện đề ra như: Tăng cường công tác tổ chức, chỉ đạo và điều hành sản xuất. Tăng cường công tác quản lý nông nghiệp trên các lĩnh vực giống cây trồng, vật tư, phân bón phục vụ sản xuất nông nghiệp. Từng bước cải tiến nâng cao chất lượng hoạt động dịch vụ sản xuất nông nghiệp. Đối với các vùng không chủ động về tưới, tiêu cấy lúa bấp bênh,kém hiệu quả cần có kế hoạch hướng dẫn, tuyên truyền nông dân mạnh dạn chuyển đổi nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất…; Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng: Đài truyền thanh huyện, hệ thống truyền thanh cơ sở, bản tin sinh hoạt chi bộ và qua các hội nghị tuyên truyền phổ biến các chủ trương định hướng của tỉnh, huyện về sản xuất vụ Đông Xuân 2016- 2017 đến từng cơ sở, thôn dân cư, hộ nông dân để mọi người dân thấy được những thuận lợi và khó khăn của sản xuất vụ Đông - Xuân từ đó có biện pháp trong việc chủ động sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương cũng như của gia đình…; Bố trí cơ cấu giống cây trồng và thời vụ hợp lý phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Mở rộng tối đa diện tích lúa Xuân muộn ở những nơi có điều kiện chủ động nước, giảm dần diện tích lúa chiêm đầm và Xuân sớm nhằm tăng năng suất sản lượng vụ Đông Xuân, toàn huyện phấn đấu đạt trên 1.800ha lúa Xuân muộn…; Làm tốt công tác dịch vụ phục vụ sản xuất…/.