Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Huyện Mường Chà (Điện Biên) tích cực thực hiện công tác bình đẳng giới

Thứ Ba, 31/10/2023 21:49 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

​(ĐCSVN) - Thực hiện Đề án Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện Mường Chà (Điện Biên) đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Chung tay hành động vì bình đẳng giới

Năm vừa qua, UBND huyện Mường Chà đã tổ chức 76 cuộc tuyên truyền về phòng chống mua bán người, bất bình đẳng giới tại 19 CLB phụ nữ với 1.520 lượt phụ nữ tham gia; 240 hoạt động tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục truyền thống, tôn vinh, tri ân nhân dịp các ngày lễ lớn của đất nước; tổ chức tuyên truyền Chỉ thị, Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Nhà nước và của Hội Liên hiệp Phụ nữ tới 7.986 hội viên, phụ nữ trên địa bàn huyện; tổ chức 46 buổi tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ” với 4.257 hội viên tham gia; tuyên truyền phòng, chống mua bán phụ nữ, trẻ em tại 8 xã có 630 lượt hội viên.

Bên cạnh đó, tổ chức “Phiên chợ mùa hè”, tuyên truyền phòng, chống mua bán người tại chợ trung tâm huyện và tại xã Hừa Ngài với hơn 1.000 hội viên phụ nữ tham gia. Tuyên truyền trên sóng truyền thanh và trang truyền hình cơ sở 9 tin, bài, phóng sự chuyên đề về bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình. Lồng ghép tuyên truyền bằng xe thông tin lưu động 23 lượt. Treo 170 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền Ngày Gia đình Việt Nam và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

  Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc được CLB Gia đình hạnh phúc xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) tổ chức. Ảnh TL

Về công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong năm vừa qua UBND huyện Mường Chà đã tăng cường công tác tuyên truyền về các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới các cơ quan, đơn vị, trường học, xã, tổ dân phố, bản và toàn thể nhân dân trên địa bàn huyện. Xây dựng tin bài, phóng sự phát trên sóng truyền thanh huyện, tuyên truyền lưu động 5 lượt, treo 25 băng rôn tuyên truyền Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.

UBND huyện Mường Chà cũng tiếp tục duy trì sinh hoạt 18 CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững”, 01 CLB “Phòng chống bạo lực gia đình”, 02 mô hình “Học chữ, học tiếng phổ thông”, 19 CLB “Phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em” tại xã Mường Mươn, Na Sang, Sa Lông, Huổi Lèng, Hừa Ngài, thu hút 18 hộ gia đình thành viên trong các CLB tham gia. Thành lập mới một mô hình “3 không: không di cư tự do, không xuất cảnh trái phép, không kết hôn trái pháp luật” tại bản Huổi Lóng, xã Na Sang có 30 hội viên tham gia.

Hiện UBND Huyện có 13 cán bộ làm công tác bình đẳng giới, chị em liên tục nâng cao kiến thức, năng lực qua các lớp tập huấn. Được biết, trong năm 2022 đã tổ chức được 12 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng giao tiếp giúp phụ nữ địa phương tự tin hơn khi đứng trước đám đông, hay tham gia các cuộc nói chuyện, phỏng vấn, 18 cuộc tập huấn tại nhà cho phụ nữ dễ bị tổn thương giúp họ cải thiện kỹ năng giao tiếp.

Ngoài ra, Huyện còn chú trọng hỗ trợ phụ nữ thành lập tổ nhóm liên kết, tổ hợp tác, kết nối tiêu thụ sản phẩm do hợp tác xã quản lý; trao tặng 3 “Mô hình sinh kế” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam hỗ trợ 10 triệu đồng cho xã Ma Thì Hồ. Tiếp tục duy trì 02 mô hình sinh kế tại xã Ma Thì Hồ hỗ trợ 130 triệu đồng cho 16 chị vay để phát triển chăn nuôi trâu, bò. Duy trì tổ hợp tác “Nuôi thả cánh kiến đỏ” xã Huổi Lèng, kết nối, tiêu thụ sản phẩm theo Nghị quyết của huyện.

Phụ nữ Mường Chà giúp nhau xóa đói giảm nghèo

 Chị em CLB Hạnh Phúc xã Mường Tùng sinh hoạt chuẩn bị cho Chương trình kỷ niệm ngày Phụ nữ VN 20/10. Ảnh TL

Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội, nên Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Mường Chà đã chú trọng vận động chị em giúp đỡ lẫn nhau, hăng hái thi đua lao động sản xuất. Hội viên, phụ nữ chủ động, tích cực tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo đúng hướng phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản; mở rộng quy mô sản xuất các loại cây trồng có năng suất, giá trị kinh tế cao; cây ăn quả và cây trồng có thế mạnh của huyện. Vừa qua, Hội cũng tổ chức một lớp tập huấn về thực hiện Đề án 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, đề án mỗi xã một sản phẩm OCOP, chiến lược bán hàng thành công trên sàn Thương mại điện tử. Đưa chuỗi nông sản an toàn, tiềm năng của huyện như: dứa, miến dong, tinh dầu sả Java lên sàn. Chăm sóc, khai thác mủ cao su, nuôi thả cánh kiến đỏ; tham gia quản lý, bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng tái sinh, rừng trồng mới. Góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

 Chị Đoàn Lan Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà

chia sẻ với phóng viên Báo điện tử ĐCSVN. Ảnh TL

Các cấp Hội đã chú trọng đổi mới nội dung và hình thức khen thưởng; kết hợp chặt chẽ giữa thi đua với khen thưởng để trở thành động lực thúc đẩy công tác Hội, đưa nội dung thực hiện thi đua là một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ và bình xét thi đua hàng năm. Nổi bật là phong trào thi đua “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giảm nghèo bền vững”, “Hũ gạo tiết kiệm”, “Ống tiền tiết kiệm”, “Giúp nhau phát triển kinh tế”, “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong nữ cán bộ, công chức viên chức; áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Thực hiện phong trào phụ nữ hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững; Hội đã vận động hội viên, phụ nữ tích cực thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế của huyện. Hội huy động nguồn lực hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giảm nghèo bền vững; duy trì và phát triển mô hình “Ống tiền tiết kiệm”, thực hiện ủy thác cho hội viên vay vốn ngân hàng chính sách để phát triển kinh tế bền vững... Đến nay, mô hình “Ống tiền tiết kiệm” đã đạt 135 triệu đồng, cho 110 hội viên vay phát triển kinh tế; giúp đỡ 82 hộ phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Hội duy trì hợp đồng ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với tổng dư nợ trên 75 tỷ đồng hỗ trợ cho 1.496 hộ vay vốn; 100% các hộ vay vốn đều sử dụng vốn đúng mục đích.

Đồng chí Đoàn Lan Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Mường Chà cho biết: Những năm qua, phong trào giúp nhau phát triển kinh tế được các cơ sở Hội chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả thông qua nhiều hình thức, như trao đổi ngày công lao động, cây, con giống, tiền, vật chất... Các cấp hội đã ủy thác, tạo nguồn vốn cho hội viên phát triển kinh tế, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Các tổ, chi hội phụ nữ tích cực tiết kiệm vốn tại tổ, đóng góp xây dựng quỹ, trích ra giúp hội viên nghèo; chủ động phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế để tạo điều kiện cho các hội viên, nhất là hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất và kinh doanh, cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo, làm giàu.

 Chị Lò Thị Duyên (huyện Mường Chà) đưa đặc sản Tây Bắc lên

sàn thương mại điện tử để kinh doanh. Ảnh TL

Tại thị trấn Mường Chà có chị Lò Thị Duyên, là hội viên phụ nữ tiêu biểu về làm kinh tế giỏi với mô hình kinh doanh nhà hàng, kết hợp chế biến thịt sấy, lạp xường, các sản phẩm đặc sản vùng miền... thu nhập bình quân từ 150 - 200 triệu đồng/năm.

Chị Vàng Thị Dung thì phát triển mô hình ươm giống cây quế. Năm 2022, gia đình chị Dung phát triển mô hình kinh tế ươm giống cây quế (trên 10 vạn cây) trồng 3ha rừng quế, kết hợp chăn nuôi trâu, dê và gia cầm... Mô hình tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình gần 200 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Dung còn thường xuyên kêu gọi chị em trong chi hội đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng phát triển kinh tế. Bản thân chị cũng hỗ trợ nhiều chị em trong bản về cây giống cũng như kỹ thuật trồng, chăm sóc cây quế.

Có thể nói, trong thời gian qua, công tác bình đẳng giới trên địa bàn huyện Mường Chà đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới đã được triển khai toàn diện, 100% người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới khi phát hiện đều được tiếp cận một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản; bình đẳng giới được đưa vào chương trình giảng dạy ở 100% các cấp học. UBND huyện cùng các cấp Hội phụ nữ đã tạo điều kiện cho chị em phụ nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội của huyện./.

TL

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN