Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Huy động xã hội hóa hỗ trợ bệnh nhân lao tham gia bảo hiểm y tế

Thứ Sáu, 01/03/2024 15:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Hiện nay các nhóm đối tượng được hỗ trợ thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) từ ngân sách nhà nước và địa phương còn hạn chế trong khi nhiều bệnh nhân lao lại không nằm trong các nhóm được hỗ trợ. Do vậy cần thiết phải có quỹ, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các bệnh nhân này để họ có thể tiếp cận được với điều trị lao.

Đây là chia sẻ của bà Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý chương trình Sức khỏe an sinh và Hỗ trợ cộng đồng (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI) về những chính sách, hoạt động liên quan đến phòng, chống lao hiện nay ở nước ta.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung - Quản lý chương trình Sức khỏe an sinh và Hỗ trợ cộng đồng (Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phát triển Cộng đồng - SCDI). Ảnh: TL

PV: Từ tháng 7/2022, thuốc chống lao từ nguồn quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) được cấp cho bệnh nhân lao trên toàn quốc đã đánh dấu cột mốc quan trọng, nhằm bảo đảm tài chính cho chương trình điều trị lao tại Việt Nam. Là tổ chức thực hiện nhiều hoạt động liên quan đến phòng, chống lao, bà đánh giá thế nào về chính sách này?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Tôi cho rằng, việc cung cấp thuốc lao từ nguồn BHYT là một bước phát triển tích cực. Ngoài việc đảm bảo tài chính cho chương trình chống lao tại Việt Nam một cách bền vững, quy định này có một số tác động to lớn khác. Cụ thể về tác động kinh tế bằng cách cung cấp thuốc lao thông qua quỹ BHYT, gánh nặng tài chính đối với từng bệnh nhân sẽ giảm bớt. Điều này có thể giúp cải thiện sự ổn định kinh tế cho các gia đình bị ảnh hưởng vì họ sẽ không phải chịu toàn bộ chi phí thuốc men. Đảm bảo tài chính cho việc điều trị bệnh lao của bệnh nhân, khiến người bệnh yên tâm hoàn thành điều trị, phục hồi sức khỏe, quay trở lại tham gia lao động – sản xuất góp phần vào sự ổn định kinh tế của xã hội nói chung.

Về tăng cường tiếp cận của người dân với BHYT, quy định này sẽ giúp người dân tiếp cận với BHYT nhiều hơn (bao gồm việc mua và sử dụng) từ đó tăng tiếp cận điều trị các bệnh không chỉ bệnh lao mà còn các bệnh khác nữa, đóng góp vào mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân mà Việt Nam đã cam kết.

Cùng với đó, chính sách này có thể góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng nói chung bằng cách đảm bảo rằng bệnh nhân lao được tiếp cận với các loại thuốc thiết yếu và liên tục. Việc điều trị kịp thời bệnh lao là rất quan trọng không chỉ đối với từng người bệnh mà còn nhằm ngăn chặn sự lây lan của bệnh trong cộng đồng.

Đồng thời việc đảm bảo bệnh nhân lao được điều trị cần thiết có thể tác động tích cực đến năng suất lao động. Bởi bệnh nhân được điều trị kịp thời và hiệu quả sẽ giúp giảm thời gian mắc bệnh, cho phép các bệnh nhân trở lại làm việc sớm hơn và đóng góp cho lực lượng lao động. Điều này phù hợp với các nỗ lực phòng chống lao, thúc đẩy dân số làm việc khỏe mạnh và hiệu quả.

PV: Rõ ràng việc thanh toán thuốc chống lao từ nguồn quỹ BHYT có ý nghĩa rất lớn nhưng theo phản ánh từ các địa phương vẫn còn rất nhiều bệnh nhân lao không tham gia BHYT. Vậy theo bà, cần có những chính sách và hành động như thế nào để đảm bảo 100% bệnh nhân lao có thẻ BHYT?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Hiện nay các hoạt động truyền thông về BHYT và đặc biệt về bệnh lao còn thiếu ở nhiều địa phương. Tiếp cận với thông tin về BHYT của người dân tộc thiểu số còn đặc biệt hạn chế có thể do rào cản về ngôn ngữ. Do vậy cần tăng cường các hoạt động truyền thông về tầm quan trọng của BHYT trong chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là trong điều trị bệnh lao. Các hoạt động truyền thông về bệnh lao cũng cần được thực hiện nhiều hơn.

Thúc đẩy vai trò của các tiếp cận viên cộng đồng, các tổ chức dựa vào cộng đồng trong truyền thông và hướng dẫn người dân mua và sử dụng BHYT. Đặc biệt cần hỗ trợ BHYT cho các nhóm khó khăn mắc bệnh lao. Hiện nay các nhóm đối tượng được hỗ trợ BHYT từ ngân sách nhà nước và địa phương còn hạn chế trong khi nhiều bệnh nhân lao lại không nằm trong các nhóm được hỗ trợ này. Do vậy cần thiết phải có quỹ, ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các bệnh nhân này để họ có thể tiếp cận được với điều trị lao. Gỡ bỏ các rào cản về thủ tục đối với những người không có giấy tờ tùy thân và chỗ ở ổn định. Gỡ bỏ các rào cản về sử dụng thẻ BHYT, đặc biệt với những người dân tộc thiểu số.

Đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ BHYT cho người khó khăn, khuyến khích các quỹ trong nước, các doanh nghiệp, tổ chức hỗ trợ thẻ BHYT cho người khó khăn. Việc tăng cường bao phủ thẻ BHYT sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giúp người dân có thể khám và chữa bệnh kịp thời, tiết kiệm chi phí không chỉ với bệnh lao mà còn các bệnh khác nữa.

 Khám sàng lọc bệnh lao miễn phí cho người dân nhằm phát hiện ca lao và lao tiềm ẩn trong cộng động. Ảnh: TL

PV: Được biết SCDI bên cạnh việc triển khai dự án sàng lọc nhằm phát hiện lao chủ động còn huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tặng thẻ BHYT cũng như chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân lao. Bà có thể nói rõ hơn về những hoạt động này?

Bà Nguyễn Thị Kim Dung: Bên cạnh việc chủ động tìm kiếm ca lao và lao tiềm ẩn (LTA), mạng lưới cộng đồng cũng phát huy vai trò trong việc hỗ trợ bệnh nhân hoàn thành điều trị lao và lao tiềm ẩn. Việc hỗ trợ điều trị và tuân thủ điều trị đòi hỏi ở cán bộ y tế và mạng lưới cộng đồng sự tỉ mẩn và kiên trì. Qua việc cung cấp kiến thức, tư vấn kết hợp với hỗ trợ trực tiếp từ mạng lưới cộng đồng, hầu hết bệnh nhân đều tuân thủ và hoàn thành điều trị.

Với các bệnh nhân lao có hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc gặp khó khăn về giấy tờ tùy thân, bảo hiểm y tế … sẽ được các tiếp cận viên cộng đồng hỗ trợ để bệnh nhân được tiếp cận điều trị, tuân thủ và hoàn thành điều trị. Trong năm 2023, chúng tôi đã hỗ trợ 198 khách hàng, trong đó có 15 bệnh nhân lao, mua thẻ BHYT trong các hoạt động của Trung tâm. Đặc biệt trong năm 2023 chúng tôi đã huy động xã hội được 784 thẻ BHYT cho người có hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhân lao, trẻ em nghèo.

SCDI cũng đẩy mạnh triển khai hoạt động hỗ trợ xã hội, hỗ trợ dinh dưỡng với mong muốn tạo điều kiện hỗ trợ và khuyến khích động viên người mắc lao, nhiễm lao tiềm ẩn được phát hiện trong các đợt sàng lọc lao năm 2023 do SCDI phối hợp với các Bệnh viện Phổi, các Trung tâm y tế huyện tổ chức. Bệnh nhân đang điều trị hoặc chuẩn bị vào điều trị, có hoàn cảnh khó khăn và chưa nhận được hỗ trợ bởi nguồn nào khác từ Quỹ toàn cầu trong năm 2023. Đã có 497 bệnh nhân lao và lao tiềm ẩn đáp ứng các tiêu chí trên đã nhận được hỗ trợ dinh dưỡng từ dự án trong năm 2023.

PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!

 

Hà Minh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN