Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hưng Yên: Nhiều giải pháp xây dựng thương hiệu cam

Thứ Hai, 25/12/2017 15:25 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN)- Cùng với chất đất phì nhiêu màu mỡ do phù sa sông Hồng, sông Luộc và trình độ thâm canh ngày càng được nâng lên, trong những năm qua, ngoài “nhãn Lồng tiến vua”, thì nhiều hoa trái nơi khác mang về trồng ở Hưng Yên đã mang vị ngọt thơm khác lạ và được nhiều người ưu chuộng, trong đó có giống cam Hưng Yên.

Cách đây hơn 20 năm, giống cam đường Canh  đã được trồng nhiều ở các vùng Khoái Châu, Văn Giang của tỉnh Hưng Yên. Nhiều người dân thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận khi mua loại cam này thấy chất lượng, mẫu mã, đặc biệt là vị ngọt đậm mà, hương vị không khác nhiều với giống cam Vân Canh ở Hoài Đức,  Hà Nội. Chính vì vậy, mà giá thành cũng không hề rẻ chút nào, bán tại vườn thường có giá hơn 50 nghìn đồng một kg.  Tuy nhiên, cam Canh rất kén đất, nhanh cỗi và đòi hỏi trình độ thâm canh cao, vì vậy mà việc mở rộng các diện tích cam này không phải dễ. Từ năm 2005, nhiều nhà vườn ở Hưng Yên đã kết hợp trồng cam Canh lấy quả và làm cây cam cảnh để phục vụ sở thích đa dạng của người dân, hạn chế rủi ro khi bị cam đường Canh ở các tỉnh khác cạnh tranh.

 

Tuy nhiên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây, nói đến cam ở Hưng Yên phải kể đến giống cam Vinh. Luc đầu được đưa vào trồng nhiều ở Khoái Châu. Đến nay đã mở rộng diện tích với gần 800ha ra các huyện khác như Kim Động, Phù Cừ, Yên Mỹ, Văn Giang và Thành phố Hưng Yên. Đây đều là những huyện ven đê sông Hồng, sông Luộc, có chất đất phù sa mầu mỡ, cộng với quá trình tích lũy kinh nghiệm thâm canh, nên sau khoảng 10 năm, nhiều người đã gần như quên hẳn đó là giống cam Vinh lúc đầu, mà quen gọi là cam Khoái Châu, cam Hưng Yên.

 

So với cam Vinh chính gốc, cam Khoái Châu, hay cam Hưng Yên quả to, mã sáng, tươi và có độ ngọt mịn hơn. Không giống như cam Vinh hoặc cam Cao Phong chỉ trồng ở một diện tích hẹp, cam Hưng Yên phân bố khá đồng đều ven theo dẻo sông Hồng, sông Luộc dài gần 80 km. Hơn nữa, sẵn có kinh nghiệm thâm canh nhãn, bưởi, cam đường Canh, những năm gần đây được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, ngành khoa học công nghệ, nhiều nhà vườn ở Hưng Yên đã liên kết thành hợp tác xã, hội làm vườn để sản xuất cam sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, hạn chế sử dụng phân vi sinh, tăng cường dùng phân hữu cơ, với mong muốn đảm bảo sản lượng, chất lượng sản phẩm cũng như độ an toàn với người tiêu dùng.

 

Anh Bùi Văn Thái, một hộ trồng gần 7 mẫu cam ở xã Thọ Vinh, huyên Kim Động cho biết, tuy trồng diện tích lớn, song anh vẫn phải dùng máy để cắt cỏ, hoặc để phun trừ côn trùng thì dùng vôi bột và máy để phun lên từng cây cam,  chứ không dùng các loại hóa chất để diệt cỏ hay để trừ sâu bệnh. Mặc dù, nếu dùng hóa chất sẽ nhanh và giá thành rẻ đi rất nhiều. Anh Thái tâm sự, “ Nhà tôi tuy diện tích cam lớn, sản lượng nhiều, song có đến 60% là khách đến vườn, họ chứng kiến quy trình sản xuất của mình và mua cam, cứ người này giới thiệu người kia, thế là bán được nhiều, được giá mà không phải đi đâu xa cả.

 

Nhờ nhiều mô hình như anh Thái,  mà năm nay, tuy lượng người trồng cam ở các tỉnh khác tăng lên, cam được mùa, không ít nơi bị rớt giá,  song cam Hưng Yên đầu mùa vẫn bán giá bình quân 35 nghìn đồng một kg. Khoảng chính vụ giữa tháng 12, nhiều chủ hộ bán tại vườn vẫn có giá từ 25 đến 30 nghìn đồng một kg.

 

Từ năm 2014, ngành Công thương và ngành Nông nghiệp Hưng Yên và các huyện, thành phố ngoài hỗ trợ người dân về áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cam, quy hoạch các vùng trồng, tạo điều kiện cho người dân tích tụ ruộng đất, chuyển đổi, còn tích cực giúp các nhà vườn xây dựng thương hiệu để quảng bá quy trình trồng cam sạch tới khách hàng trong và ngoài tỉnh như: xây dựng các trang Website giới thiệu mô hình, sản phẩm, hỗ trợ kinh phí để các hộ dân tham gia gian hàng triển lãm trưng bầy và bán hàng tại thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh và trung ương quảng bá cho khách hàng nhận diện cam Hưng Yên khác với các giống cam khác như thế nào. Qua đây, nhiều người mua hàng đã phân biệt được các giống cam của Trung Quốc trà trộn vào bán với giá rẻ nhưng tự nhận là cam Hưng Yên.

 

Ông Nguyễn Văn Thơ, Giám đốc sở Công thương Hưng Yên cho biết, mới đây, sở đã chủ trì tổ chức lễ hội cam Hưng Yên tại khu đô thị Ecopark huyện Văn Giang, giáp với thủ đô Hà Nội.  Đây là lần đầu tiên Hội chợ Cam Hưng Yên được tổ chức với sự tham gia của 53 gian hàng. Các sản phẩm tham gia trưng bày và chào bán tại Hội chợ gồm: cam, các loại quả có múi, sản phẩm nông nghiệp đặc sản của tỉnh. Trong đó, cam sẽ được lựa chọn từ các địa phương có diện tích trồng lớn và chất lượng cao nhất trong tỉnh như: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Yên Mỹ, Phù Cừ, thành phố Hưng Yên. Qua hội chợ, đã có hơn 10 nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh tới tham dự. Nhiều du khách rất ngỡ ngàng bởi chất lượng cam Hưng Yên mà bấy lâu họ vẫn ngỡ là cam Vinh hay cam Cao Phong.

Bên cạnh đó, sở Công thương Hưng Yên cũng giới thiệu cho một số siêu thị ở Hà Nội, Quảng Ninh và các tỉnh khác đến chứng kiến quy trình sản xuất và tiêu thụ tại các siêu thị lớn như BigC, Metro...

Ngoài ra, các ngành chức năng ở Hưng Yên cũng đang chú trọng  tới việc phối hợp với Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viên Di truyền nông nghiệp và một số nhà vườn lớn ở Khoái Châu để phát triển, lai tạo và đưa vào trồng thử nghiệm các giống cam mới như giống V36 và cam ruột đỏ.  Đây là những giống cam mới, sẽ được thử nghiệm, nếu phù hợp với thổ nhưỡng, đảm bảo các điều kiện về đậu quả sai, không ra cách năm và chất lượng ngon thì sẽ được mở rộng trong những năm tới, nhằm hướng tới sự đa dạng trong lựa chọn của khách hàng.  Đồng thời xây dựng chỉ dẫn địa lý cũng như gắn với các tua du lịch sông Hồng để khi mùa cam đến, có thể đón khách thập phương tới thăm quan di tích lịch sử  và thưởng thức cam Hưng Yên.

Bình quân, mỗi ha cam ở Hưng Yên cho thu 18 tấn quả một vụ, giá bán bình quân 30 nghìn đồng/1kg, một ha thu hơn 500 triệu đồng, trừ chi phí người dân thu lãi gần 300 triệu đồng một ha.  Đây đang là hướng đi mới không chỉ đa dạng các sản phẩm nông nghiệp mà còn giúp hàng nghìn hộ nông dân ở Hưng Yên làm giầu từ trồng cam.

Nguyễn Bá Phước

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN