Họp báo Khánh thành Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Hội chợ Xuân Lam Sơn 2016
(ĐCSVN) – Ngày 13/1, tại Thanh Hóa, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Công ty CP mía đường Lam Sơn tổ chức Họp báo về việc khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn và thông tin về Hội chợ xuân Lam Sơn 2016.
Hội chợ xuân Lam Sơn 2016 với chủ đề “Vì chất lượng cuộc sống”, sẽ diễn ra từ ngày 30/1 đến 3/2/2016. Ông Đào Văn Hồ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp cho biết: Hội chợ Xuân Lam Sơn là hoạt động xúc tiến thương mại có quy mô lớn và có ý nghĩa thiết thực, giúp phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững.
Thông qua Hội chợ, các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại và nông dân cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng có cơ hội kết nối giao thương, quảng bá thương hiệu sản phẩm, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, cung cấp các sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn; là cơ hội giao thương giữa các đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản trong nước với các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản nước ngoài; đồng thời, tạo cơ hội thúc đẩy việc ứng dụng khoa học công nghệ; giới thiệu với nhân dân trong và ngoài tỉnh về hình ảnh con người, các giá trị di sản văn hóa và tiềm năng du lịch của tỉnh Thanh Hóa.
Trong dịp diễn ra Hội chợ Xuân Lam Sơn 2016, Công ty CP mía đường Lam Sơn cũng tổ chức Lễ khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn; đồng thời sẽ tổ chức một loạt các hoạt động như: Hội thảo chuyên đề phát triển nông nghiệp công nghệ cao và cơ giới hóa nông nghiệp; trình diễn các công nghệ mới, hiện đại ứng dụng trong sản xuất, chế biến và bảo quản nông sản thực phẩm cho bà con nông dân học tập kinh nghiệm...
Trung tâm là một trong những hợp phần của quy hoạch khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thanh Hóa, có diện tích khoảng 1.000 ha thuộc địa bàn huyện Thọ Xuân và huyện Triệu Sơn, bao gồm khu trung tâm và khu sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao. Khu nông nghiệp công nghệ cao này nằm tại vị trí trung tâm giao lưu giữa miền núi trung du phía Tây với vùng đồng bằng, ven biển phía Đông Thanh Hóa. Đây cũng là địa điểm giáp với đô thị Lam Sơn – Sao Vàng, 1 trong 4 cụm động lực phát triển kinh tế trọng điểm của tỉnh.
Dự kiến tổng kinh phí đầu tư cho khu nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2014 – 2020 khoảng hơn 2 nghìn tỷ đồng. Khi hoàn thiện đi vào hoạt động, khu nông nghiệp công nghệ cao sẽ góp phần tạo việc làm cho từ 2 - 3 nghìn lao động. Đây là mô hình mới, nhằm chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học vào phát triển nông nghiệp hàng hóa lớn, đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu nền nông nghiệp và đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới.
Tính đến thời điểm này, Trung tâm đã đi vào hoạt động được 2 năm với việc đầu tư gần 200 tỷ đồng để quy hoạch, thiết kế, xây dựng hệ thống giao thông, mương tiêu thủy lợi; nhà kính, nhà lưới; khu nhân giống mía, cam; khu sản xuất giống nuôi cấy mô công nghiệp; đầu tư các thiết bị thí nghiệm, bảo vệ thực vật, nuôi cấy vi sinh và quản lý bệnh bằng sinh học phân tử…
Hiện, Trung tâm đã hợp tác với các viện nghiên cứu đầu ngành trong và ngoài nước để đào tạo và tiếp nhận công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Tính đến 31/12/2015, Trung tâm đã đào tạo và bố trí được hơn 70 cán bộ kỹ thuật cao phục vụ cho các lĩnh vực trọng tâm.
Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao Lam Sơn Trần Duy Khái cho biết: Bước đầu, đơn vị đã sản xuất trên 1 triệu cây giống mía sạch, trồng nhân 60 ha giống cấp 1 và 500 ha giống cấp 2, giống thương mại, cung cấp 20.000 - 25.000 tấn giống mía tốt, trồng mới 3.000 ha mía nguyên liệu. Trung tâm cũng xây dựng hệ thống sản xuất giống cam không hạt, sạch bệnh và trực tiếp tổ chức nhân giống 12.000 cây, trồng và chăm sóc 40 ha cam không hạt, 2 vườn tập đoàn đa dạng sinh học và 60 cây giống đầu dòng, năng suất bước đầu đạt 20 - 25 tấn/ha... Trong giai đoạn 2014-2015, mỗi năm, Trung tâm sản xuất và tiêu thụ 30.000 cây lan hồ điệp và 50.000 loại hoa khác…
Bên cạnh công tác nghiên cứu và tổ chức sản xuất, Trung tâm sẽ tập trung chú trọng liên kết để chuyển giao kỹ thuật, công nghệ sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGap, từng bước hình thành chuỗi sản phẩm có giá trị cao cung cấp cho thị trường./.