Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hôn nhân của dân tộc Phù Lá

Thứ Hai, 22/11/2021 08:58 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Dân tộc Phù Lá có gần 7500 người. Đồng bào sống ở các huyện thuộc tỉnh Lào Cai, huyện Xín Mần (Hà Giang), huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Xìn Hồ, huyện Tuần Giáo (Lai Châu). Người Phù Lá gồm một số nhóm địa phương có những sắc thái khác nhau có những tên gọi riêng như nhóm Lao Pạ, Bồ Khô Pạ, Mu Di Pạ.

 Lễ rước dâu của người Phù Lá.

Phong tục cưới xin của người Phù Lá ít nhiều mỗi nơi mỗi khác. Nhìn chung, trai gái được tự do yêu đương, không bị gán ép, vắng bóng lệ tục tảo hôn. Quan hệ hôn nhân không bị khép kín trong nội bộ dân tộc. Hôn nhân người Phù Lá đều có vai trò của ông mối và ông là người vất vả nhất. Khi đôi nam nữ đã qua quá trình tìm hiểu và ưng thuận nhau, gia đình nhà gái đã biết mặt chàng rể tương lai và cô gái đã đồng ý cho chàng trai ngủ tại nhà riêng trong phòng khách. Lễ hỏi sẽ được tiến hành. Ông mối được nhà trai mời ra làm mai mối và ông phải đi ít nhất là 3 lần đến nhà gái, mỗi lần cách nhau từ 10-12 ngày, gợi mở cuộc hôn nhân của đôi lứa. Nếu như 2 lần đầu, nhà gái không trả lời gì cả thì đến lần thứ 3, nếu như nhà gái đồng ý thì họ sẽ làm một bữa cơm chiêu đãi ông mối. Cũng nhân dịp này, họ bàn đến ngày cưới và những lễ vật thách cưới gồm hai loại lễ vật: loại cho bố mẹ cô gái và loại cho họ hàng nhà gái với các thứ như tiền, bạc trắng, thịt ống, thịt gói, bánh dầy, rượu…

Trang điểm cho cô dâu Phù Lá. 

Buổi sáng ngày cưới, đoàn nhà trai gồm 10 ngời, đi đến nhà gái. Khi đến đầu cầu gần bản, đoàn người dừng lại. Tại đây, ông mối được mời uống 12 bác rượu và nhà gái lấy 12 ống nứơc vẩy ướt đoàn nhà trai, trừ ông mối. Đoàn nhà trai phải nổi lửa đốt lên để sưởi cho khô áo quần trước khi bước vào nhà gái. Nhà trai trao lễ vật cưới, sau đó lấy những thực phẩm mang theo làm bữa cơm để chiêu đãi nhà gái. Xong bữa tiệc, nhà trai còn phải dâng cho bố mẹ cô gái một mâm thịt và hai bát rượu. Đổi lại, bố mẹ cô gái tặng của hồi môn gồm 30 cân thóc giống, một con dao, một cái chum, một  cái cào cỏ và một con lợn. Khi tiến hành xong các nghi thức này, nhà gái bước ra ngoài và đóng cửa lại, đoàn nhà trai bị nhốt trong đó. Muốn mở cửa, ông mối phải uống hết 12 bát rượu như lúc ban sáng. Cửa được mở ra. Một cuộc giằng co kéo cô dâu giữa 10 người bên nhà trai và 10 người bên nhà gái. Cuộc giằng co này chỉ có tính cách thủ tục mà thôi. Trước khi đoàn nhà trai từ biệt, nhà gái lấy nhọ nồi hoặc phấn bôi đen mặt ông mối và cả những người trong đoàn nhà trai. Người Phù Lá giải thích rằng làm như vậy để phân biệt đám cưới với đám ma.

Khi về đến nhà trai, cô dâu, chú rễ phải làm lễ ra mắt tổ tiên. Lễ lại mặt diễn ra sau 12 ngày. Cô dâu mang về 1 ống thịt, 1 ống rượu, ăn 1 bữa cơm rồi về nhà trai ngay.

Gia đình người Phù Lá là gia đình nhỏ, một vợ một chồng; đồng thời vẫn tồn tại một số ít gia đình lớn phụ quyền. Quan hệ trong nhà có những tập quán biểu hiện lễ giáo phong kiến. Địa vị người đàn bà là thấp kém trong xã hội cũ. Ngày nay, người Phù Lá đã được giải phóng, không những họ được bình đẳng trong gia đình mà một số chị em còn có điều kiện tham gia tích cực nhiều công tác xã hội. Đã có những người là công dân viên chức của cơ quan Đảng và chính quyền các cấp huyện, tỉnh; có người là uỷ viên Hội đồng nhân dân huyện, tỉnh hay đại biểu Quốc hội liên tục trong nhiều khoá.

Bài: Vân Hà

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN