Hơn 110 triệu người trên thế giới phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn
(ĐCSVN) – Các cuộc xung đột ở Ukraine, Sudan và cuộc khủng hoảng ở Afghanistan đã buộc hàng triệu người phải rời bỏ nhà cửa để tìm kiếm nơi an toàn.
Liên hợp quốc cho biết, hơn 1 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột ở Sudan trong 2 tháng qua. (Ảnh: Reuters) |
Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), ngày 14/6, công bố báo cáo cho thấy, số người buộc phải rời bỏ nhà cửa để đi lánh nạn trên toàn cầu đã tăng lên mức kỷ lục là 110 triệu người, trong đó các cuộc xung đột ở Ukraine và Sudan đã khiến hàng triệu người phải sơ tán.
Khoảng 19 triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa vào năm ngoái đã nâng tổng số người phải rời bỏ nhà cửa lên 108,4 triệu người vào cuối năm 2022; và tiếp tục tăng thêm lên 110 triệu người, chủ yếu là do cuộc xung đột kéo dài 8 tuần vừa qua ở Sudan.
Con số này bao gồm những người tìm kiếm sự an toàn trong chính đất nước của họ, cũng như những người phải vượt biên giới để sang các quốc gia khác. Những người tị nạn và xin tị nạn chiếm khoảng 37,5% trong tổng số những người phải rời bỏ nhà cửa, theo báo cáo của UNHCR.
Báo cáo trên nêu rõ, trước cuộc xung đột ở Syria năm 2011, có khoảng 40 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, con số này đã duy trì ổn định trong khoảng 20 năm song tiếp tục tăng hằng năm.
Theo báo cáo, trong tổng số người tị nạn và những người cần sự bảo vệ quốc tế, khoảng một nửa trong số họ đến từ ba quốc gia: Syria, Ukraine và Afghanistan. Trong đó, vào cuối năm 2022, có 11,6 triệu người Ukraine vẫn phải rời bỏ nhà cửa, bao gồm 5,9 triệu người di tản trong nước và 5,7 triệu người xin tị nạn ở nước ngoài.
Báo cáo nhấn mạnh rằng, thay vì các quốc gia giàu có, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là những nước tiếp tục gánh vác gánh nặng tiếp đón những người phải di dời nhà cửa. Khoảng 76% người tị nạn chạy sang các nước có thu nhập thấp và trung bình, trong khi 70% ở lại các nước láng giềng.
Người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi đã bày tỏ quan ngại về những quy định nghiêm ngặt hơn trong việc tiếp nhận cũng như hồi hương người di cư, nhưng không nêu rõ là ở nước nào. Ông nhận thấy ngày càng nhiều quốc gia miễn cưỡng tuân thủ đầy đủ các quy định của Công ước 1951 về quy chế người tị nạn, ngay cả những nước đã tham gia ký kết.
Tuy nhiên, ông Grandi cũng thể hiện lạc quan về một số diễn biến mới, cụ thể là thỏa thuận mà các Bộ trưởng thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được hồi tuần trước về chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người di cư và tị nạn. Ông cũng đánh giá cao hành động của Kenya, quốc gia đang tìm kiếm các giải pháp mới cho 500.000 người tị nạn mà nước này tiếp nhận, trong đó có nhiều người đã chạy trốn đói nghèo và hạn hán ở vùng Sừng châu Phi./.