Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”

Thứ Tư, 26/06/2024 10:35 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) – Ngày 26/6, tại thành phố Nam Định, Báo Nhân Dân, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Học viện Báo chí và Tuyên truyền và Tỉnh ủy Nam Định phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”.

Các đồng chí chủ trì Hội thảo. 

Dự Hội thảo có các đồng chí: Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương; Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định; Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương; PGS.TS. Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật; TS. Nguyễn Công Dũng, Tổng Biên tập Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam; PSG.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Hội thảo có sự tham gia của đông đảo đại biểu đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; lãnh đạo các doanh nghiệp và tổ chức, các nhà khoa học…

Phát biểu chào mừng Hội thảo, đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định nhấn mạnh: Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự ủng hộ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, sự phối hợp của các địa phương bạn và cộng đồng doanh nghiệp; trên cơ sở phát huy truyền thống và những tiềm năng, lợi thế, sự chủ động, linh hoạt, quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, những năm gần đây, kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định có bước phát triển khá toàn diện.

Quy mô nền kinh tế tỉnh Nam Định được mở rộng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt gần 9%/năm; trong đó năm 2023 đạt 10,19% (cao nhất từ trước đến nay và đứng thứ 6 cả nước), tổng thu ngân sách đạt 10.400 tỷ đồng (vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đề ra). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng phát triển công nghiệp và dịch vụ. Đến nay, công nghiệp và dịch vụ đã chiếm tỷ trọng 82,5% trong cơ cấu kinh tế; tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống còn 17,5%.

Xác định phát triển nhanh và bền vững kết cấu hạ tầng sẽ là đòn bẩy thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, thời gian qua, Nam Định đặc biệt chú trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống giao thông tăng cường tính kết nối vùng, các khu, cụm công nghiệp tạo nền tảng phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy thu hút đầu tư. Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều công trình trọng điểm có tác động lâu dài đến sự phát triển của tỉnh. Đồng thời triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư; ưu tiên thu hút các dự án lớn có công nghệ cao, kinh tế xanh, thân thiện với môi trường, đóng góp nhiều cho ngân sách Nhà nước.

Đồng chí Phạm Gia Túc, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu chào mừng Hội thảo.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng về tầm quan trọng của tăng trưởng xanh đối với sự phát triển của đất nước và của địa phương, trong quá trình phát triển kinh tế, Nam Định luôn chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường từ các làng nghề, kiểm soát chặt chẽ nguồn phát sinh khí thải tại các khu, cụm công nghiệp, hướng tới xây dựng mô hình tăng trưởng theo hướng hiện đại, xanh, bền vững, đạt được các mục tiêu về ứng phó với biến đổi khí hậu và đặc biệt là thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu COP26.

Vừa qua, theo công bố đánh giá chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ công bố vào tháng 5/2024, Nam Định đạt 27,75 điểm, tăng 15,35 điểm so với năm 2022; trong đó 3/4 chỉ số thành phần tăng điểm gồm: Giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai; Đảm bảo tuân thủ; Chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ. Đây là nền tảng, tiền đề thuận lợi để Nam Định bước vào giai đoạn phát triển mới nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu đến năm 2030, Nam Định là tỉnh phát triển khá của cả nước.

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn” nhằm chia sẻ các quan điểm về cách tiếp cận kinh tế xanh ở Việt Nam trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, đề xuất các giải pháp về huy động nguồn lực đầu tư trong phát triển kinh tế xanh; qua đó thu nhận các thông tin, bài học kinh nghiệm hữu ích từ các cơ quan quản lý Nhà nước các cấp, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học và từ các doanh nghiệp; gợi mở ra hướng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển bền vững, giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu ở Việt Nam nói chung và tỉnh Nam Định nói riêng.

Đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Phát triển kinh tế xanh hiện là ưu tiên hàng đầu và mục tiêu mà mọi quốc gia hướng tới nhằm đạt được sự thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội.

Tại Việt Nam, xây dựng nền kinh tế xanh đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Cụ thể hóa chủ trương này, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu tổng quát là tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa các-bon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu. Cùng với đó, Quốc hội cũng đã ban hành mới, bổ sung, sửa đổi một số luật liên quan đến tăng trưởng xanh.

Thực hiện chủ trương này, từ năm 2021 đến nay, các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp đã triển khai mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kinh tế xanh và đã đạt được những kết quả bước đầu, có tác dụng tích cực đối với tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành và nỗ lực thực hiện kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh. Doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật báo cáo đề dẫn Hội thảo.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn quá trình chuyển đổi xanh của nền kinh tế Việt Nam còn gặp nhiều rào cản, điểm nghẽn cần tháo gỡ. Các cơ chế, chính sách, văn bản pháp luật cụ thể hướng tới thực hiện kinh tế xanh ở Việt Nam chưa được hoàn thiện, mới dừng ở việc đề xuất hướng tiếp cận, chủ yếu tập trung vào tăng trưởng xanh; ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường chưa cao; vấn đề tài chính, nguồn vốn cho thực hiện mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế xanh còn thiếu; công nghệ sản xuất ở Việt Nam so với thế giới phần lớn là công nghệ cũ, tiêu hao năng lượng lớn, xử lý chất thải kém dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp. Các ngành sản xuất năng lượng sạch, như: gió, mặt trời... phát triển chưa đủ mạnh để đáp ứng được nhu cầu năng lượng quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu. Vì vậy, lộ trình xây dựng nền kinh tế xanh trong bối cảnh biến đổi khí hậu còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...

Với mục đích làm rõ những cơ sở khoa học, khẳng định quan điểm, định hướng, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế xanh; đánh giá những kết quả đạt được, phân tích những vấn đề đặt ra trong phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng trong thời gian tới, đồng chí Lê Quốc Minh nhấn mạnh, tại cuộc hội thảo này, các đại biểu cùng nhìn nhận, đánh giá một cách thẳng thắn, có cơ sở khoa học và thực tiễn thực trạng phát triển kinh tế xanh; phân tích những vấn đề đang đặt ra hiện nay đồng thời đề xuất các giải pháp thiết thực thúc đẩy phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Những ý kiến trao đổi với sự kết hợp giữa kinh nghiệm thực tiễn và lý luận khoa học trên tinh thần xây dựng sẽ góp phần quan trọng làm nên thành công của Hội thảo, là những chất liệu quý báu đóng góp vào việc xây dựng các văn kiện Đại hội lần thứ XIV của Đảng.

Báo cáo đề dẫn Hội thảo, PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc – Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật khẳng định: Nhận thức được tầm quan trọng của phát triển kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài của nền kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương, định hướng thúc đẩy tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn.

Quang cảnh Hội thảo. 

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy bảo vệ môi trường sống và sức khoẻ nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường”. Đồng thời, xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, ngày 01/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội, hướng tới nền kinh tế xanh trung hòa carbon.

Để cụ thể hóa Chiến lược về tăng trưởng xanh, ngày 22/7/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, gồm 18 chủ đề, 57 nhóm nhiệm vụ, hoạt động và 134 nhiệm vụ, hoạt động cụ thể. Trong đó, xác định mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững; xanh hóa quá trình chuyển dịch trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.

Tuy nhiên, hiện nay kinh tế thế giới đang biến động rất nhanh và phức tạp dưới tác động của các yếu tố như: sự phát triển nhanh của công nghệ, thiên tai, biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt và khó lường; sự thiếu hụt về tài nguyên và năng lượng… chính là thách thức không nhỏ với mục tiêu phát triển kinh tế xanh, phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam.

 Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Nhận thức được khó khăn và thách thức, chúng ta xác định đây cũng là cơ hội để nắm lấy và đưa ra định hướng chiến lược phát triển kinh tế xanh như: nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, tài nguyên; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; phát triển nông lâm nghiệp hiện đại, xanh sạch, hữu cơ bền vững; ứng dụng công nghệ xanh, hạn chế các ngành kinh tế phát thải lớn, gây ô nhiễm môi trường; phát triển kết cấu hạ tầng, mạng lưới giao thông tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường; thúc đẩy đô thị hóa theo hướng xanh, thông minh và bền vững…

Với mong muốn tạo lập diễn đàn trao đổi, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các nhà khoa học, chuyên gia, các nhà quản lý, Hội thảo tập trung thảo luận về một số nội dung: Phân tích làm rõ những vấn đề lý luận và kinh nghiệm trong nước, quốc tế về phát triển kinh tế xanh; thực trạng phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, các mô hình phát triển nền kinh tế xanh, mô hình kinh doanh có trách nhiệm; đề xuất phương hướng, giải pháp thực hiện có hiệu quả mô hình kinh tế xanh và đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới…

Ban Tổ chức Hội thảo tin tưởng và hy vọng sau Hội thảo, các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, quản lý Nhà nước và các nhà khoa học sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện, xác đáng hơn, góp phần thúc đẩy việc việc phát triển kinh tế xanh tại Việt Nam./.

Tin, ảnh: Kim Dung – Phạm Cường

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN