Kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng tích cực
(ĐCSVN) - Kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2024 của nước ta tiếp tục xu hướng tích cực, quý sau tốt hơn quý trước; các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các quý tiếp theo.
Quyết tâm tạo động lực đột phá phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra
Trong nước, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế - xã hội theo mục tiêu đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt các Bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện giải pháp đặt ra đồng thời nỗ lực thực hiện nhiệm vụ, giải pháp, từ đó tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Theo số liệu thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ 2023. GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%. Trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngành nông nghiệp duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng một số cây lâu năm chủ yếu tăng so với cùng kỳ 2023, nuôi trồng thủy sản tăng khá. Giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 3,15% so với cùng kỳ 2023; ngành lâm nghiệp tăng 5,34% nhưng chiếm tỷ trọng thấp; ngành thủy sản tăng 3,76%.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 tăng 7,54% so với cùng kỳ 2023. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 8,67%. Trong khu vực dịch vụ, hoạt động ngoại thương, vận tải, du lịch tăng cao đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của khu vực và thế giới, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,64% so với cùng kỳ 2023.
Infographic sản xuất nông nghiệp tháng 6 và 6 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Cũng theo số liệu thống kê, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2024 duy trì tăng trưởng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Lúa đông xuân năm nay được mùa, được giá; cây ăn quả tăng cả về diện tích và sản lượng do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. Chăn nuôi phát triển ổn định với sản lượng thịt lợn và gia cầm xuất chuồng tăng khá, dịch bệnh được kiểm soát. Diện tích rừng trồng mới và thu hoạch gỗ tăng cao do hoạt động xuất khẩu gỗ khởi sắc, giá gỗ nguyên liệu tăng. Hoạt động nuôi trồng thủy sản tăng trưởng khá, các địa phương chú trọng đầu tư nuôi thâm canh và bán thâm canh một số thủy sản chủ lực.
Ngành thống kê khuyến nghị, để ngành chăn nuôi phát triển ổn định và bền vững, các cơ quan quản lý cần đưa ra các định hướng, biện pháp tháo gỡ khó khăn trước mắt và lâu dài. Hướng dẫn doanh nghiệp và người dân thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát được dịch bệnh; nghiên cứu và đề xuất chính sách hỗ trợ về giống, kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm đầu ra và ưu đãi tín dụng. Cùng với đó, người chăn nuôi cần theo dõi sát tình hình thị trường, các cơ quan chức năng cung cấp thông tin kịp thời, kiểm soát tình hình chăn nuôi tại địa phương, không nên tăng đàn ồ ạt dẫn tới tình trạng dư thừa nguồn cung, giá bán giảm sâu gây thua lỗ.
Infographic sản xuất công nghiệp tháng 6 và 6 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Sản xuất công nghiệp quý II/2024 tăng trưởng tích cực hơn quý I/2024, với tốc độ tăng giá trị tăng thêm ước đạt 8,55% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,54% so với cùng kỳ 2023, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,67%. Đáng vui mừng hơn là số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/6/2024 tăng 1,1% so với cùng thời điểm tháng trước và tăng 3,8% so với cùng thời điểm 2023.
Trong tháng 6, cả nước có 15,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là 143 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký 85,6 nghìn lao động, tăng 19,1% về số doanh nghiệp, tăng 53,4% về vốn đăng ký và tăng 17,9% về số lao động so với tháng 5/2024. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, cả nước có gần 80,5 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 744,2 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 512 nghìn lao động, tăng 6,1% về số doanh nghiệp, tăng 5,2% về vốn đăng ký và tăng 0,4% về số lao động so với cùng kỳ 2023. Tuy nhiên, vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt 9,2 tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2023. Nếu tính cả 792,9 nghìn tỷ đồng vốn đăng ký tăng thêm của gần 23,1 nghìn doanh nghiệp tăng vốn, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2024 là 1.537,1 nghìn tỷ đồng, giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Infographic tổng sản phẩm trong nước 6 tháng đầu 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Tháng 6 là cao điểm của mùa du lịch hè nên hoạt động thương mại diễn ra sôi động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6/2024 ước tính tăng 1,1% so với tháng trước và tăng 9,1% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ 2023, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 37,1%.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 6 ước đạt 522,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với cùng kỳ 2023 do doanh thu nhóm hàng lương thực, thực phẩm và dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng. Trong quý II/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.558,4 nghìn tỷ đồng, tăng 1,2% so với quý trước và tăng 8,8% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Infographic hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu tháng 6 và 6 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Hoạt động vận tải tháng 6 khá sôi động đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong mùa cao điểm du lịch và vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất, xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. So với cùng kỳ năm trước, vận tải hành khách giảm 4,6% về vận chuyển và tăng 7,0% về luân chuyển; vận tải hàng hóa tăng 15,6% về vận chuyển và tăng 13,3% về luân chuyển. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, vận chuyển hành khách tăng 4,3% và luân chuyển tăng 11,0% so với cùng kỳ 2023; vận chuyển hàng hóa tăng 13,5% và luân chuyển tăng 10,3% so với cùng kỳ 2023.
Doanh thu hoạt động viễn thông quý II/2024 ước đạt 89,6 nghìn tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu hoạt động viễn thông ước đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ 2023.
Chính sách thị thực thuận lợi, chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch năm 2024 được các địa phương trên cả nước đẩy mạnh, thu hút lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng khá cao so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 6/2024 , khách quốc tế đến nước ta đạt hơn 1,2 triệu lượt người, tăng 28,1% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,8 triệu lượt người, tăng 58,4% so với cùng kỳ 2023.
Ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Infographic một số vấn đề xã hội tháng 6 và 6 tháng 2024 (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Báo cáo của Tổng cục thống kê nêu rõ, mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay duy trì xu hướng giảm, tỷ giá được điều hành chủ động, linh hoạt, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động kinh doanh bảo hiểm ổn định, thị trường chứng khoán duy trì xu hướng tăng trưởng theo đà phục hồi của nền kinh tế.
Tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023. Trong 6 tháng đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn với chi phí thấp, điều hành hài hòa giữa lãi suất và tỷ giá phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ; đồng thời chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Tỷ giá trung tâm được điều hành linh hoạt, phù hợp, đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đến ngày 25/6/2024, tỷ giá trung tâm ở mức 24.253 VND/USD, tăng 1,62% so với thời điểm cuối năm 2023.
Về thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm quý II/2024 ước đạt 55,6 nghìn tỷ đồng, giảm 6,6% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 109,1 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8%.
Về thị trường chứng khoán, hoạt động giao dịch trên thị trường diễn ra sôi động trong 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số VN-Index duy trì xu thế tăng trưởng nhờ hoạt động sản xuất kinh doanh được phục hồi.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 6 tháng đầu năm 2024 theo giá hiện hành ước đạt 1.451,3 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với cùng kỳ 2023, cao hơn mức tăng 4,8% cùng kỳ 6 tháng 2023, phản ánh tình hình sản xuất kinh doanh trong nước trong nửa đầu năm 2024 phục hồi rõ nét ở nhiều ngành, lĩnh vực, tạo động lực cho thu hút và và thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 10,84 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ 2023, đạt mức cao nhất 6 tháng đầu năm của các năm từ 2020 đến nay. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý II/2024 theo giá hiện hành ước đạt 834,3 nghìn tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2023.
Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/6/2024 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 15,19 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ 2023. Vốn đăng ký điều chỉnh có 592 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 3,95 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ 2023.
Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2024 có 57 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 118,6 triệu USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ 2023; có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 18,4 triệu USD, giảm 89,4%. Tính chung 6 tháng đầu năm tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 137 triệu USD, giảm 57,3% so với cùng kỳ 2023. 21 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam.
Thu ngân sách Nhà nước 6 tháng đầu năm 2024 tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023. Chi ngân sách Nhà nước giảm 0,1%, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.
Trong tháng 6, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 63,24 tỷ USD, giảm 2,7% so với tháng trước và tăng 11,7% so với cùng kỳ 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 368,53 tỷ USD, tăng 15,7% so với cùng kỳ 2023, trong đó xuất khẩu tăng 14,5%; nhập khẩu tăng 17%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 11,63 tỷ USD.
Lực lượng lao động và số người có việc làm trong quý II/2024 tăng so với quý trước và tăng so với cùng kỳ 2023. Thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm so với quý trước và tăng so với cùng kỳ 2023; tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thiếu việc làm đều tăng so với quý trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,5 triệu người, tăng 196,6 nghìn người so với cùng kỳ 2023; lao động có việc làm là 51,4 triệu người, tăng 195,7 nghìn người; tỷ lệ thất nghiệp là 2,27% và tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 2,05%.
Tình hình đời sống dân cư trong 6 tháng đầu năm nay được cải thiện hơn. Theo kết quả sơ bộ Khảo sát Mức sống dân cư 2024, ước tính thu nhập bình quân đầu người 1 tháng trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt 5,3 triệu đồng, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2023.
6 tháng đầu 2024, kinh tế nước ta có mức tăng trưởng tích cực, thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: PV) |
Có thể thấy, trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường nhưng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, kinh tế 6 tháng đầu năm 2024 đạt mức tăng trưởng 6,42%. Đây là mức tăng trưởng tích cực, thể hiện sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị đã quyết liệt thực hiện nhiệm, vụ giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và thích ứng nhanh, kịp thời với những biến động của kinh tế thế giới. Các chỉ tiêu thống kê cho thấy kinh tế vĩ mô trong nước tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp; cung cầu hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng nội địa duy trì tăng trưởng; xuất khẩu hàng hóa tiếp tục đạt mức tăng cao; ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế với mức tăng trưởng ổn định, bảo đảm tiêu dùng trong nước và đáp ứng nhu cầu của khu vực và thế giới. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội, vốn đầu tư nước ngoài thực hiện tiếp tục duy trì mức tăng khá. Công tác an sinh xã hội được quan tâm và thực hiện hiệu quả.
Kiên định thực hiện hiệu quả tăng trưởng
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương nhận định, bước sang quý III/2024, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen trước những rủi ro, bất ổn của kinh tế thế giới; các biến động về kinh tế, chính trị, dịch bệnh, thiên tai khó dự báo. Do đó, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,0-6,5% của năm 2024 là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và Nhân dân cả nước. Các ngành, các cấp tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với tình huống phát sinh, kiên định thực hiện hiệu quả các mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tối đa cho khu vực doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống của người dân.
Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương khuyến nghị, cần quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể bao gồm:
Một là, tiếp tục kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; liên tục cập nhật các kịch bản về tăng trưởng, lạm phát, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, hài hòa các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô nhằm duy trì sự ổn định và tăng trưởng của nền kinh tế. Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu, thực hiện điều chỉnh giá điện, dịch vụ y tế, giáo dục... theo mức độ và thời điểm phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế nhằm hạn chế tối đa tác động đến lạm phát, sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân; bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả.
Hai là, đẩy mạnh tiêu dùng, tập trung phát triển thị trường trong nước. Thực hiện có hiệu quả các Chương trình xúc tiến thương mại, thúc đẩy phân phối hàng hóa qua nền tảng số, thương mại điện tử để mở rộng tiêu dùng nội địa; vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam; đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành, lĩnh vực mới nổi, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả.
Ba là, tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng thế giới đang dần phục hồi. Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn, tiềm năng, phát huy hiệu quả các hiệp định, thỏa thuận thương mại đã ký kết; đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Triển khai hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu, nhất là các thủ tục thông quan hàng hóa; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất, đáp ứng nhanh các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu.
Bốn là, các Bộ, ngành, địa phương có các giải pháp quyết liệt thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao. Tập trung thúc đẩy tiến độ thi công các dự án quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, nhất là các công trình hạ tầng giao thông quan trọng; phát huy nguồn lực đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp Nhà nước; thu hút, sử dụng hiệu quả nguồn lực khu vực tư nhân, khu vực nước ngoài. Tích cực, chủ động thu hút FDI có chọn lọc, bảo đảm chất lượng; chú trọng chuyển giao công nghệ, liên kết với doanh nghiệp trong nước và tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu. Đẩy nhanh việc hoàn thiện và triển khai các quy hoạch, tăng cường liên kết vùng để tạo sự đồng bộ, không gian mới và động lực mới cho sự phát triển của các vùng kinh tế - xã hội cũng như các địa phương trong vùng.
Năm là, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh; chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn, có phương án sản xuất nông nghiệp phù hợp và chủ động cung cấp nước tưới, phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; phòng chống cháy rừng.
Thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, lao động, việc làm đảm bảo ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân. Chú trọng phát triển đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực, ngành, nghề mới, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Sáu là, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp; phát huy vai trò người đứng đầu dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn; công khai, minh bạch, tạo môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng.
Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Chú trọng phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, tăng cường đối ngoại, tăng cường công tác thông tin, truyền thông tạo đồng thuận, đoàn kết trong toàn xã hội và hợp tác quốc tế./.