Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội nghị trực tuyến về xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt

Thứ Hai, 23/04/2018 22:19 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Mô hình xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội cũng như các cơ quan tư pháp, lực lượng vũ trang và các ngành, nghề, chính sách ưu đãi tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt đã được các đại biểu cho ý kiến tại Hội nghị.

Đồng chí Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HH)

Chiều 23/4, tại Hà Nội, thực hiện sự phân công của Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về tổ chức hệ thống chính trị và các vấn đề có liên quan tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc).

Tại Hội nghị, đại diện các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương, Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các tỉnh Quảng Ninh, Khánh Hòa, Kiên Giang đã có ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo đề án xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu của các cơ quan, đơn vị, địa phương tại Hội nghị, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về xây dựng các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt nhấn mạnh những quan điểm, nguyên tắc xây dựng hệ thống chính trị tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Mạnh dạn thực hin thí đim, vừa làm vừa rút kinh nghim

Đồng chí Phạm Minh Chính yêu cầu ban soạn thảo đề án cần bám sát yêu cầu bảo đảm và tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tố quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân; bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Xây dựng hệ thống chính trị gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ xây dựng Đảng, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, với xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông và giải quyết tốt các mối quan hệ: giữa kế thừa, đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế sâu rộng; giải quyết tốt mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm từng bước hoàn thiện và mở rộng dần; những việc còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, trao đổi, bàn bạc để thống nhất chủ trương, giải pháp phù hợp và tổ chức thực hiện.

Có thể thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu cần bám sát Điều lệ Đảng quy định tại điều 10: “Hệ thống tổ chức của Đảng được lập tương ứng với hệ thống tổ chức hành chính của Nhà nước”. Như vậy, tổ chức đảng ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt sẽ được thành lập tương ứng với mô hình tổ chức chính quyền theo quy định của Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017, Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII "Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, “xây dựng một số đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt với thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy thuộc hệ thống chính trị”.

Thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, chúng ta sẽ nghiên cứu, đề xuất theo hướng: Thống nhất văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy; Hợp nhất văn phòng cấp uỷ với văn phòng hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho phù hợp với dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Thực hiện kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất một số cơ quan của Đảng và chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt cho phù hợp với dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Thực hiện mô hình bí thư cấp uỷ đồng thời là chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch uỷ ban nhân dân đặc khu tùy theo điều kiện cụ thể của từng địa phương để đề xuất cho phù hợp; Tập trung nghiên cứu theo hướng có 02 phó bí thư cấp ủy đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Tổ chức chính quyền theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Về xây dựng tổ chức chính quyền, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, Hiến pháp 2013, Điều 111 quy định: “Cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân được tổ chức phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do luật định”.

Về mô hình tổ chức chính quyền ở các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Bộ Chính trị đã cho ý kiến tại Thông báo số 21-TB/TW, ngày 22/3/2017 về các đề án xây dựng đơn vị hành chính đặc biệt: “Đồng ý cho thành lập ba đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt: Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) trực thuộc cấp tỉnh... Cơ cấu, mô hình tổ chức chính quyền đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định” và tinh thần tại Công văn số 6114-CV/TW, ngày 09/3/2018 của Văn phòng Trung ương theo hướng có Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân nhưng đổi mới cơ bản về cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và cách thức hoạt động theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Vì vậy, cần tập trung nghiên cứu đề xuất theo hướng này nhưng phải thật sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và góp phần cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức để thực hiện tinh giản biên chế theo tinh thần Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị.

“Nguyên tắc là không để trống quyền lực, vì vậy cần nghiên cứu và chuẩn bị đề xuất để thực hiện theo hướng: chính quyền cũ phải tổ chức bầu được chính quyền mới theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu hội đồng nhân dân, Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, các quy định của Đảng, Nhà nước hiện hành. Đồng thời tổ chức tốt đội ngũ cán bộ để khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt ban hành là triển khai thực hiện được ngay” – Đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

 

Đại diện các bộ, ban, ngành phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: HH) 

Về Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương yêu cầu thực hiện theo Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017, Hội nghị lần thứ sáu, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tố chức, bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” theo hướng: Thực hiện trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc; Thực hiện mô hình cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc chung khối Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội (như mô hình Ban Bí thư đã cho thí điểm tại tỉnh Quảng Ninh); sắp xếp mô hình tổ chức và hoạt động sao cho khắc phục bằng được tình trạng “hành chính hoá” hoạt động và “công chức hoá” cán bộ của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đồng chí Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cũng cho rằng, các cơ quan tư pháp và lực lượng vũ trang, tổ chức theo yêu cầu, nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp, Quân đội và Công an phù hợp với tổ chức, đặc điểm của từng địa phương và được Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt quy định.

Bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế

Về ngành nghề và chính sách ưu đãi, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp rà soát theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Thông báo số 21-TB/TW, ngày 22/3/2017: Phát triển những ngành, nghề, lĩnh vực chủ đạo phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, tiềm năng, lợi thế so sánh và điều kiện thực tế của từng địa phương. Như vậy, cần nghiên cứu theo hướng phát triển có công nghệ cao kinh tế số, kinh tế tri thức, chống biến đổi khí hậu, ngân hàng, tài chính, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí...

Đồng chí Phạm Minh Chính cũng yêu cầu chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Nghĩa là, các cơ quan, đơn vị chức năng và các địa phương cần rà soát theo hướng những ngành nghề cần ưu tiên thì chính sách ưu đãi phải bằng hoặc cao hơn so với các nước trong khu vực.

Đồng chí Phạm Minh Chính đề nghị các cơ quan có liên quan ở Trung ương và địa phương cần phải có quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực lớn hơn nữa, hành động quyết liệt hơn nữa và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa để hoàn thành tiến độ dự thảo Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 tới đây với chất lượng cao như chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Đồng chí cũng yêu cầu, khi nghiên cứu và tổ chức thực hiện cần bám sát những vấn đề có tính quan điểm, nguyên tắc đã được nêu trong các chủ trương, chính sách, nghị quyết của Đảng, các nội dung đã được Bộ Chính trị kết luận để rà soát, thẩm định và thực hiện theo tiến độ, có chất lượng./.

Hiền Hòa

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN