Hội làng Yên Lạc
(ĐCSVN) – Hội làng Yên Lạc một nghi lễ gắn với những dấu ấn lịch sử, văn hóa lâu đời tại vùng đất này, đang được nhân dân xã Đồng Lạc (Chương Mỹ - Hà Nội) lưu truyền và tổ chức đều đặn hằng năm. Với người dân ở các miền quê, giữ gìn hội làng là góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc, giáo dục thế hệ trẻ nhớ về cội nguồn, về quê hương, đất nước.
Làng Yên Lạc, xã Đồng Lạc (Chương Mỹ - Hà Nội) đẹp dung dị, bình yên và cổ kính, không gian làng đậm chất một làng quê yên ả của vùng Bắc Bộ, tới đây khách thăm có cảm giác như được đi ngược lại với thời gian. Trong thời kỳ đô thị hóa đang làm mai một đi những giá trị truyền thống thì làng Yên Lạc vẫn giữ được những đặc trưng của một làng quê vùng Bắc Bộ với cây đa, giếng nước, sân đình, tường đá ong trầm mặc trải dài trên những con đường nhỏ khắp làng.
Trong không gian văn hóa của làng Yên Lạc, nổi bật là ngôi đình làng - Di tích văn hóa cấp quốc gia xây dựng từ thế kỷ 17, thờ vị anh hùng Chu Đạt, người đứng lên khởi nghĩa dưới cờ của Hai Bà Trưng chống lại sự xâm lăng của nhà Hán, được nhân dân suy tôn là Thành hoàng làng. Cùng đó là những di vật khảo cổ, lễ hội truyền thống gắn kết với dấu ấn lịch sử văn hóa đang được lưu giữ, bảo tồn qua nhiều thế hệ người dân nơi đây.
Gắn kết với dấu ấn lịch sử về bậc tiền nhân, hội làng Yên Lạc với lễ rước truyền thống tổ chức hằng năm thu hút sự tham gia rộng khắp của người dân nhiều làng xã, hoạt động này phản ánh đậm nét tinh thần yêu nước, tấm lòng tri ân vị anh hùng Chu Đạt đã có công lao với đất nước, làng xã, đồng thời biểu đạt sâu sắc đời sống tín ngưỡng của người dân nơi đây.
Khung cảnh hội làng Yên Lạc. |
Hội làng Yên Lạc diễn ra vào các ngày 5, 6, 7 tháng ba (âm lịch), để tưởng nhớ vị anh hùng Chu Đạt - người đứng lên khởi nghĩa chống lại sự xâm lăng của nhà Hán.
Có dịp hòa mình với lễ hội làng Yên Lạc, khách thăm hòa mình với khung cảnh người dân khắp các làng trên xóm dưới rộn rã trảy hội, tiếng trống hội làng lại vang lên, thúc giục bước chân mỗi người trẩy hội. Các cụ ông đội khăn xếp, mặc áo the, các cụ bà đội khăn mỏ quạ, mặc áo tứ thân, nam thanh nữ tú trong trang phục rực rỡ hào hứng xem múa lân, rước kiệu tại đình làng.
Theo tục lệ truyền thống, nghi lễ tế Thành Hoàng làng do các cụ cao niên và đội tế lễ thực hiện nhằm thể hiện lòng thành kính, biết ơn của người dân đối với công lao của Thành hoàng làng; đồng thời, cầu bình an, mưa thuận gió hòa cho nhân dân. Sau nghi thức lễ tại đình làng Yên Lạc, các bô lão và đoàn rước kiệu ông, sang làng bên rước “bà” và đón hộp chứa sắc phong về làng. Vào ngày hội chính, người dân mở hội để kính trời, đất, tổ tiên, sau đó, mời anh em, bạn bè đến chung vui để tăng thêm tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.
Trong những ngày lễ, phần hội đan xen, diễn ra các trò chơi dân gian, các màn biểu diễn “kiệu bay” sôi nổi do các nam thanh niên thực hiện, tiếng trống, tiếng reo hò cổ vũ của người dự hội như tiếp thêm sức mạnh để người chơi hăng hái hơn. Kết thúc hội làng, các gia đình trong làng đều mong muốn được Đức Thánh ban cho sức khỏe, tài lộc, may mắn.
Lớp lớp người rước lễ đã đi vào quá khứ của làng Yên Lạc nhưng truyền thống văn hiến của làng Yên Lạc vẫn hiển hiện trong đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây... Có được điều đó là do văn hoá dân tộc tiếp tục chảy mãi như mạch nguồn không bao giờ cạn.