Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hội “Chậm đò ho” của người Thổ, xứ Thanh

Thứ Ba, 14/11/2023 14:10 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) – Nghi thức nông nghiệp “Chậm đò ho”, thể hiện nét văn hóa sinh hoạt nông nghiệp, đồng thời phản ánh đậm nét đời sống tinh thần vui tươi, lạc quan trong cuộc sống của đồng bào Thổ ở vùng đất xứ Thanh.

Cũng như nhiều dân tộc anh em khác ở vùng đất xứ Thanh, phong tục tập quán có vai trò đặc biệt trong đời sống của người Thổ, nó thể hiện tính gắn kết cộng đồng trong đời sống sinh hoạt hằng ngày hay trong các dịp lễ hội, các hoạt động dân gian truyền thống. Đây cũng là dịp để những chàng trai, cô gái dân tộc Thổ thi tài, dịp gặp gỡ, để giao duyên.

Hàng năm, dịp cuối đông, khi mặt trời chiếu những tia nắng ấm áp xuống núi rừng, khi hoa đào tô điểm sắc hồng, hoa mơ phủ màu trắng tinh khôi. Mùa màng đã thu hoạch xong, đất đai đã nghỉ ngơi chờ mùa gieo hạt mới, là lúc người Thổ gác công việc ruộng nương, không phân biệt già trẻ, gái trai cùng nhau mở hội, với mong muốn làng bản yên vui, mùa màng tốt tươi, mưa thuận gió hòa, nhà nhà đủ cái ăn, cái mặc.

"Chậm đò ho" là một hoạt động dân gian đặc biệt vui nhộn, giúp vơi đi những nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống, sau cả năm trời miệt mài lao động. "Chậm đò ho" mang bản sắc một lễ hội gắn kết với ước mơ nông nghiệp người Thổ. Hội diễn ra trong không khí tươi vui rộn ràng, tiếng cồng chiêng hòa lẫn với tiếng hát và tiếng hò reo cổ vũ cho những thành viên tham gia các trò chơi. 

 Hội "Chậm đò ho" của người Thổ, xứ Thanh.

Những làn điệu dân ca vui nhộn nhất, thể hiện cảnh sinh hoạt đời thường của đồng bào dân tộc Thổ. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa cùng tiếng chày giã gạo tạo nên không khí vui nhộn, phản ánh một đời sống tinh thần tươi vui, lạc quan của đồng bào Thổ. Sau những cuộc hát đối đáp đó đã se duyên cho biết bao đôi trai gái người Thổ, nhiều đôi trai gái đã bén duyên nên vợ, nên chồng từ đây.

Trong nhịp sống hiện đại, hối hả, "Chậm đò ho" là một trong những làn điệu dân ca vui nhộn nhất của người Thổ. Tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chày giã gạo trong lễ hội này không chỉ tạo nên không khí vui nhộn, xua đi những nhọc nhằn trong cuộc sống mà còn lưu lại những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thổ từ bao đời nay.

Đặc biệt là ý nghĩa giúp các dân tộc anh em khác có dịp hiểu biết hơn về kho tàng văn hóa, văn nghệ phong phú, đa dạng của dân tộc Thổ ở xứ Thanh, đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết, gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc anh em trên các vùng miền đất nước.

Bài, ảnh: Thanh Bình

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN