Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoạt động chất vấn mang “hơi thở” cuộc sống vào nghị trường

Thứ Sáu, 14/06/2019 18:06 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Diễn ra trong 20 ngày (không kể ngày nghỉ), Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV có nhiều vấn đề thiết thực liên quan đến đời sống dân sinh được đưa ra bàn thảo đã thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri cả nước.

Chiều ngày 14/6, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV đã bế mạc sau 20 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm.

Kỳ họp thu hút cử tri

Theo đánh giá của nhiều cử tri, đây là kỳ họp mà Quốc hội đã tiến hành nhiều nội dung quan trọng để lại dấu ấn với cử tri, nhân dân cả nước. Nhiều cử tri cũng đánh giá, Kỳ họp thành công, ngắn gọn, súc tích. Các mục tiêu chương trình đặt ra đều đạt được. Nhiều ý kiến, mong muốn của người dân cũng được đại biểu quan tâm sát sao, đưa ra thảo luận tại Kỳ họp.

Cử tri Nguyễn Hiệp (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh).

Đánh giá về Kỳ họp thứ 7, cử tri Nguyễn Hiệp (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nhận xét: Kỳ họp để lại nhiều cảm xúc đối với nhân dân, cử tri cả nước. Trong kỳ họp này, Quốc hội đã xem xét một số Luật rất quan trọng như: dự án Luật Giáo dục (sửa đổi); dự Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)... Đây là những vấn đề rất thiết thực tới cuộc sống của người dân.

Cử tri Nguyễn Hiệp bày tỏ quan tâm đặc biệt tới việc Quốc hội đã xem xét và thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia … Theo bà, trong tình hình ngày càng xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng rượu, bia gây ra hậu quả rất nghiêm trọng thì việc quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn, tức là đã uống rượu, bia thì không được điều khiển phương tiện giao thông là cần thiết.

“Tôi rất vui mừng khi sau rất nhiều tranh luận, cân nhắc, Quốc hội đã tán thành quy định cấm điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Quy định này sẽ mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm” – cử tri Nguyễn Hiệp nói.

Một vấn đề khác tại kỳ họp này được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm là về dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Trong dự luật này, đại biểu Lê Ngọc Hương (Tĩnh Gia, Thanh Hóa) bày tỏ quan tâm đến đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu. “Theo dõi báo chí, tôi được biết việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu không phải là vấn đề mới và đã được bàn thảo nhiều từ khi sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2012 cũng như sửa Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Cán bộ, công chức. Tôi cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan tới hàng chục triệu lao động, nên mong muốn Chính phủ cân nhắc kỹ hơn về quy định trong dự thảo luật; và nếu được, đề nghị Quốc hội xin ý kiến nhân dân về nội dung này” – cử tri này bày tỏ.

Cũng về dự luật này, chị Nguyễn Thị Anh (công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long) thẳng thắn nêu quan điểm: “Chúng tôi rất băn khoăn trước đề xuất quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Là những người lao động sản xuất trực tiếp, chúng tôi không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Tôi mong muốn các đại biểu Quốc hội quan tâm tới mong muốn của người lao động như chúng tôi”.

Trước đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, cử tri Đỗ Thị Hoàn (Đông Anh, Hà Nội) nêu quan điểm: “Tôi cũng là viên chức, hiện nay tôi 52 tuổi nhưng đã thấy từ sức khỏe đến kiến thức đều đã kém cỏi so với lớp trẻ quá nhiều. Vì vậy, tôi mong muốn Chính phủ, Quốc hội sẽ cân nhắc kỹ đề xuất này”.

Chất vấn đúng và trúng vấn đề cử tri quan tâm

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn luôn là nội dung đặc biệt, được cử tri và Nhân dân quan tâm theo dõi.

Về các phiên chất vấn tại Kỳ họp lần này, các cử tri cho biết: Hoạt động chất vấn tại Quốc hội đã mang được hơi thở cuộc sống vào trong nghị trường. Hơn nữa, qua việc đặt câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, việc trả lời của các thành viên Chính phủ, các Trưởng ngành đã cho Quốc hội, đồng bào cử tri cả nước thấy được những nỗ lực, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo, điều hành và trách nhiệm của đại biểu trong việc giám sát, theo dõi việc thực hiện các yêu cầu của Quốc hội.

Cử tri Trần Mai Vân (Tam Dương, Vĩnh Phúc) đánh giá, các kỳ họp gần đây, đổi mới lớn nhất của Quốc hội là chất vấn. Kỳ họp này cũng vậy, hoạt động chất vấn rất hiệu quả và chất lượng khi các nội dung chất vấn rất đúng và trúng những vấn đề của đời sống kinh tế - xã hội mà nhân dân và cử tri cả nước quan tâm. Phiên chất vấn diễn ra trong không khí sôi nổi, dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng.

“Các thành viên Chính phủ trả lời chất vấn vào những vấn đề được hỏi trong kỳ họp lần này có thể nói là không né tránh những vấn đề khó, phức tạp và đã giải trình làm rõ thêm những vấn đề đại biểu nêu. Tôi và nhiều cử tri cũng vui mừng khi các Bộ trưởng đã nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, của lĩnh vực và cam kết khắc phục để tạo ra một sự chuyển biến tích cực trong thời gian tới” – cử tri Vân nói.

Cử tri Phạm Thị Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh)

Cũng đề cao tinh thần đổi mới của Quốc hội, cử tri Phạm Thị Thủy (Cẩm Phả, Quảng Ninh) đánh giá, các vấn đề được Quốc hội lựa chọn chất vấn xuất phát từ những vấn đề bức xúc trong đời sống để hướng tới các giải pháp giải quyết thiết thực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của cử tri, nhân dân. Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội tiếp tục áp dụng những cải tiến đã được thực hiện tại các kỳ họp trước, các Bộ trưởng không trình bày báo cáo mà phát biểu ngắn gọn trước khi các đại biểu Quốc hội chất vấn. 

Cử tri cũng cho rằng, việc mỗi lượt chất vấn có 05 đại biểu đặt câu hỏi với thời lượng hỏi 01 phút, người trả lời chất vấn có tối đa 03 phút để trả lời chất vấn mỗi vị đại biểu Quốc hội là rất hay. Bởi với cách thức này, các vị đại biểu Quốc hội đã câu hỏi chất vấn ngắn gọn, rõ ý, tập trung phân tích, đánh giá chính sách, làm rõ trách nhiệm, hạn chế; không đi quá sâu vào vụ việc cụ thể. 

"Các đại biểu Quốc hội đã nêu câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, tập trung, đi thẳng vào các vấn đề chất vấn; người trả lời chất vấn cũng thể hiện có trách nhiệm, cụ thể các giải pháp hơn, nên cử tri cũng như người dân chúng tôi rất phấn khởi" - cử tri Thủy bày tỏ.

Tuy vậy, nhiều cử tri cũng bày tỏ đáng tiếc, nhiều chất vấn, trả lời chất vấn của Bộ trưởng vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng của cử tri, trong đó, có cả những vấn đề đã chất vấn qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn “nóng” trong cuộc sống.

Sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, cử tri mong muốn các Bộ trưởng đã hứa rồi thì sẽ có kế hoạch triển khai để lời hứa với cử tri thành hiện thực, đây là điều quan trọng nhất cử tri quan tâm. Quốc hội phải theo dõi chặt chẽ nội dung này./.

Nhóm PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN