Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Cần thống nhất một đầu mối quản lý về nhập khẩu, kinh doanh hóa chất

Thứ Bảy, 23/11/2024 18:45 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Đây là vấn đề được các đại biểu Quốc hội đặt ra khi thảo luận ở hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), chiều 23/11.

Các ý kiến đại biểu cơ bản đồng tình với sự cần thiết sửa đổi luật để thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, khắc phục bất cập của luật hiện hành, phát triển công nghiệp hóa chất từng bước đáp ứng nhu cầu tư liệu sản xuất cơ bản của nền kinh tế.

Quan tâm đến các quy định về hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm hàng hóa, đại biêủ Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) chỉ ra, đối với trường hợp hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm chưa có quy chuẩn kỹ thuật thì chưa được xác định sẽ quản lý theo hình thức nào. Chính vì vậy, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần nghiên cứu, từ đó có quy định rõ về hình thức quản lý tiền kiểm hay hậu kiểm. Bên cạnh đó, cần xác định cụ thể nội dung quản lý, chức năng quản lý của các Bộ như Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với việc quản lý hóa chất trong sản phẩm có chứa hóa chất; cân nhắc tính khả thi của việc quy định giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm công bố danh mục hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm để có biện pháp tăng cường quản lý, nâng cao trách nhiệm quản lý, chất lượng sản phẩm.

 Các đại biểu thảo luận tại Hội trường. Ảnh: TL.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, việc quản lý hóa chất nguy hiểm ở trong sản phẩm là vấn đề người dân rất quan tâm. Do đó, đề nghị Nhà nước đầu tư có chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm và xây dựng ngành hóa chất của chúng ta mang tính hiện đại hơn. Riêng đối với những loại hóa chất độc hại nguy hiểm thì không nên cho phép xây dựng ở những khu dân cư, khu đô thị, mà có thể đưa về những vùng không ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, nếu có xảy ra sự cố thì không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người dân.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) đề nghị cần rà soát, xem xét các loại hóa chất đặc biệt, hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất, sử dụng sẽ có nguy cơ gây mất an toàn và ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường, sức khỏe của con người, nếu để xảy ra sự cố.

Đại biểu chỉ ra, các quy định của dự thảo liên quan đến các loại hóa chất này còn khá sơ sài.

Đại biểu dẫn chứng, trong thời gian qua có khá nhiều vụ án thương tâm liên quan đến đầu độc bằng hóa chất xyanua như vụ án tại tháng 12/2019 một đối tượng nữ tại tỉnh Thái Bình đã sử dụng xyanua bơm vào các ly trà sữa để đầu độc chị họ của mình, hành động tàn ác này đã cướp đi sinh mạng của một phụ nữ vô tội và diễn ra ngay tại một bệnh viện hay gần đây là vụ án dùng xyanua đầu độc hàng loạt người ở Bình Dương đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng vì hành động này đã diễn ra lặp đi lặp lại trong thời gian dài, nhưng điều đáng nói ở đây việc mua xyanua của đối tượng trong sự việc này thực hiện rất dễ dàng, đó là đặt mua trên mạng Internet; qua đây cho thấy một lỗ hổng nguy hiểm của việc mua bán các chất độc, trong đó có xyanua khá thông dụng. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị cần rà soát, đánh giá tất cả các loại hóa chất, hỗn hợp chất để đưa vào danh mục hóa chất cấm, hóa chất nguy hiểm và cần có những quy định chặt chẽ trong hoạt động nhập khẩu nguyên liệu sản xuất bảo quản, sử dụng và các điều kiện doanh nghiệp được nhập khẩu.

Đồng thời, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các quy định nhằm tăng cường thêm về quản lý, sử dụng hóa chất, tăng cường thêm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc của hóa chất, đặc biệt là các hóa chất nhập khẩu; thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc theo dõi toàn bộ quá trình sử dụng, vận chuyển hóa chất và yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết đối với tất cả các loại hóa chất mới trước khi đưa vào sử dụng; áp dụng các biện pháp quản lý do rủi ro tương ứng dựa trên kết quả đánh giá rủi ro và tăng cường thêm chế tài xử phạt đối với vi phạm quy định về hóa chất, áp dụng mức phạt cao nhất đối với các vi phạm nghiêm trọng gây hậu quả xấu đến sức khỏe con người và môi trường.

Về quản lý nhà nước trong lĩnh vực hóa chất, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Đoàn Nam Định) cho hay, do tính đa dụng, một loại hóa chất có thể được sử dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực khác nhau. Vì vậy, một loại hóa chất có thể do nhiều bộ quản lý, ví dụ như khí cười, khí nitơ dioxit N2O, Bộ Công Thương quản lý khi sử dụng trong công nghiệp, Bộ Y tế quản lý trong thực phẩm và y tế. Như vậy sẽ dẫn tới việc chồng chéo trong quản lý vì khi một loại hóa chất lưu thông trên thị trường không thể xác định nó được sử dụng trong lĩnh vực nào, tức là không xác định được thực chất mục đích sử dụng của hóa chất. Mặt khác, cũng do mục đích sử dụng khác nhau nên quy định về quản lý hóa chất của mỗi bộ cũng có sự khác nhau, không đồng bộ.

Từ việc không đồng bộ nêu trên, đại biểu Nguyễn Hải Dũng chỉ ra, đã có trường hợp doanh nghiệp lách luật, đăng ký hóa chất sử dụng trong lĩnh vực ít chịu sự quản lý, giám sát hơn, từ đó đưa hóa chất nguy hiểm ra thị trường gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Từ các phân tích trên, đại biểu cho rằng một loại hóa chất khi nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường không thể xác định cụ thể được mục đích sử dụng. Do đó, cần thống nhất một đầu mối quản lý về nhập khẩu, kinh doanh hóa chất để đảm bảo không chồng chéo giữa các bộ và thống nhất chỉ có một quy định quản lý đối với một loại hóa chất và không để xảy ra việc lách luật như nêu trên…/.

Vy Anh

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN