Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Thứ Sáu, 28/04/2023 20:57 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon

(ĐCSVN) - Trước sự phát triển nhanh, mạnh của internet và các thiết bị công nghệ thì việc bảo vệ trẻ em khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh là hết sức cần thiết. Đặc biệt, cần có khung pháp lý và chính sách, chương trình phù hợp trong nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và duy trì tính tích cực mạng lưới bảo vệ trẻ em ở các cấp.

Sáng 28/4, Báo Đại biểu Nhân dân phối hợp với Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tổ chức Tọa đàm “Hoàn thiện pháp luật về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng”.

Khách mời tham dự Tọa đàm gồm: Bà Nguyễn Thị Mai Thoa, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Mark Kavenagh, Cố vấn bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Văn phòng UNICEF khu vực Đông Á và Thái Bình Dương; ông Vũ Xuân Cường - Phó Trưởng phòng Phóng viên, Báo Tin tức - TTXVN.

Ngày 20/2/1990, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở châu Á và quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em. Từ đó đến nay, rất nhiều văn bản được Đảng, Nhà nước ban hành với những quy định cụ thể về bảo vệ trẻ em. Các quy định này đã thể hiện trách nhiệm, nhận thức của Nhà nước trong quá trình hiện thực hóa việc bảo vệ trẻ em, góp phần vào sự phát triển toàn diện của thế hệ tương lai của dân tộc.

Tuy nhiên, với sự phát triển quá nhanh và mạnh của internet, của các thiết bị công nghệ khiến các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng ở nước ta thiếu và chưa đồng bộ, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng; chưa có cơ chế thu thập, giám sát dữ liệu về trẻ em bị xâm hại; các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác bảo vệ trẻ em...

 Các đại biểu tại Tọa đàm.

Tọa đàm nhằm tạo diễn đàn cho các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý nhà nước, các chuyên gia cùng bàn các giải pháp bảo vệ các em khỏi các hình thức xâm hại trên môi trường mạng, tạo một môi trường mạng an toàn, lành mạnh cho thanh, thiếu niên trước những nguy cơ tiềm ẩn hay cạm bẫy khó nhận biết. Đặc biệt, có khung pháp lý và chính sách, chương trình phù hợp trong nâng cao nhận thức, tăng cường năng lực và duy trì tính tích cực mạng lưới bảo vệ trẻ em ở các cấp.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Lê Thanh Kim, Phó Tổng Biên tập Báo Đại biểu Nhân dân cho biết, theo thống kê của Viện Nghiên cứu quản lý Phát triển bền vững (MSD), hiện có 96,9% trẻ em sử dụng mạng Internet, một số liệu khác chỉ ra rằng, gần 36,5% trẻ em đã phải trải nghiệm các thông tin, hình ảnh liên quan đến bạo lực trên Internet, hơn 13% trẻ em buộc phải tiếp xúc không mong muốn với các tài liệu khiêu dâm. Còn trong năm 2022, Tổng đài Quốc gia Bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111) đã ghi nhận 1.500 cuộc gọi can thiệp hỗ trợ, trong đó có 419 cuộc gọi báo cáo về hoạt động xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Cục Trẻ em đã 21 lần can thiệp để xử lý những trường hợp này. Như vậy, có thể thấy rằng nguy cơ đối diện với các đối tượng, tội phạm thực hiện hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng sẽ rất cao.

Chúng ta có hành lang pháp lý khá rộng để bảo vệ trẻ em, tuy nhiên, theo bà Leo Thị Lịch, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, việc thực hiện triệt để chính sách, pháp luật, đặc biệt ở một số tỉnh miền núi có bốn thách thức và nguy cơ lớn. Thứ nhất, đó là sự phát triển nhanh của công nghệ thông tin, mạng Internet và mạng xã hội đã làm xuất hiện nhiều trò chơi phim ảnh trên mạng có tính bạo lực, khiêu dâm, đặc biệt là những sản phẩm độc hại; cùng với đó, diễn biến phức tạp của tội phạm trên môi trường mạng bởi phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Thứ hai, các hàng rào kỹ thuật phòng ngừa xâm hại cho trẻ em trên môi trường mạng thực sự chưa được quan tâm đúng mức. Thứ ba, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng phòng, chống xâm hại trẻ em trên mạng và trên internet và mạng xã hội, chưa được quan tâm nhiều. Thứ tư, ở vùng nông thôn, miền núi còn khó khăn về kinh tế, các bậc phụ huynh mải lo toan về kinh tế và cũng chưa có nhận thức đầy đủ về không gian mạng để bảo vệ, phòng tránh xâm hại trẻ em.

Để bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ khi tiếp xúc với mạng xã hội, ông Nguyễn Đức Tuân, Giám đốc Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp không gian mạng Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, cần quan tâm đến công tác bảo vệ trẻ em, đặc biệt là cha mẹ và nhà trường. Với trẻ em, ông nhấn mạnh đến 2 chữ “C” là “Cẩn thận” và “Chia sẻ”: Cẩn thận là các cháu khi vào các nội dung truy cập cần xem nên vào hay không; Chia sẻ là khi các cháu gặp các sự cố thì phải chia sẻ với người thân của mình. Với cha mẹ và giáo viên, 2 chữ "C" là “Chú ý” và “Che chở”. Chú ý các cháu truy cập vào trang web nào, tương tác với ai trên môi trường mạng, kết bạn với ai; Che chở khi các cháu gặp sự cố, tránh tình trạng khi gặp sự cố, thay vì che chở lại làm những hành động gây tổn thương cho các cháu. “Quan trọng nhất là làm sao trang bị cho trẻ em một hệ miễn dịch và thường xuyên "tiêm vaccine số” cho trẻ để trẻ có một hệ miễn dịch thật tốt, có thể tự bảo vệ được mình trên môi trường internet” – ông Tuân nhấn mạnh.

Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam cho rằng, chúng ta sống trong thời đại số nên phải có những công dân số, có “vaccine số”. Đó là một quá trình tiếp thu, học hỏi; từ kiến thức, từ nhận thức trở thành các kỹ năng ứng xử, kỹ năng ở trên môi trường mạng; từ các hành vi văn hóa cho đến những hành vi cảnh giác, tự bảo vệ mình. “Chúng tôi cho rằng, đó là những vấn đề mà chúng ta cần phải nhìn nhận có tính chất nguyên tắc, diễn biến để chúng ta không chỉ là ứng cứu, ứng phó mà chúng ta phải có sự phòng ngừa và ngăn chặn tốt hơn” - ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh./.

PV

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN