Logo báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam

Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, Nghệ An

Thứ Sáu, 31/05/2024 17:21 (GMT+0)
zalo-icon
viber-icon
00:00 / 00:00

(ĐCSVN) - Các đại biểu nhất trí cần sửa đổi, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù, tạo tiền đề cho sự phát triển của TP Đà Nẵng và thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, chiều 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An; Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2022 (trong đó có việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 91/2023/QH15 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước).

Làm rõ nội dung phân quyền, phân cấp thêm cho chính quyền thành phố Vinh 

Góp ý dự thảo nghị quyết thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) quan tâm đến quy định tại Khoản 2, Điều 6: Hội đồng nhân dân thành phố Vinh được thành lập 03 Ban, gồm: Ban Pháp chế, Ban Kinh tế - Ngân sách, Ban Văn hóa - Xã hội. Hội đồng nhân dân thành phố Vinh có không quá 02 Phó Chủ tịch và không quá 08 đại biểu hoạt động chuyên trách. Ủy ban nhân dân thành phố Vinh có không quá 04 Phó Chủ tịch.

 Đại biểu Đỗ Đức Hiển (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phát biểu (Ảnh: KT)

Đại biểu tán thành về sự cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù về tổ chức bộ máy đối với thành phố Vinh - trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Nghệ An. Theo Tờ trình của Chính phủ thì một trong những lý do chính để có cơ chế đặc thù cho thành phố Vinh là do mở rộng địa giới đơn vị hành chính để vừa thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính của Đảng, Chính phủ, vừa tạo động lực, mở rộng không gian phát triển của thành phố này. Với việc dự kiến nhập toàn bộ thị xã Cửa Lò và 04 xã của huyện Nghi Lộc vào thành phố Vinh thì quy mô, phạm vi quản lý của thành phố Vinh sẽ tăng lên gần gấp rưỡi so với hiện nay và quy mô dân số tăng hơn 100 nghìn người. 

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung những lý giải thuyết phục hơn nữa về vai trò, chức năng của thành phố Vinh đối với tỉnh Nghệ An nói riêng và đặt trong mối quan hệ liên kết, phát triển vùng nói chung để làm cơ sở đầy đủ hơn cho những đề xuất này. Bởi lẽ mục đích của việc sắp xếp, mở rộng quy mô của đơn vị hành chính theo yêu cầu tại Nghị quyết số 37-NQ/TW và Kết luận số 48-KL/TW của Bộ Chính trị là để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trên thực tế, đã có địa phương sau khi sắp xếp, sáp nhập, quy mô diện tích và dân cư, phạm vi quản lý tăng lên gấp nhiều lần nhưng cũng không đề nghị tăng thêm tổ chức bộ máy.  

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị cần làm rõ thêm trong dự thảo Nghị quyết những nội dung mà chính quyền tỉnh Nghệ An phân quyền, phân cấp thêm cho chính quyền thành phố Vinh, cụ thể là Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố sau khi được sáp nhập; đồng thời, bổ sung thông tin để làm rõ sau khi mở rộng thành phố Vinh thì khối lượng công việc, trách nhiệm của chính quyền Thành phố sẽ tăng lên thế nào; việc bố trí, sắp xếp đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách và việc đổi mới phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân khi được tăng cường để có đủ cơ sở cho Quốc hội xem xét, quyết định.

Đảm bảo tính khả thi của các chính sách

Góp ý đối với dự thảo nghị quyết về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (Đoàn Hòa Bình) bày tỏ băn khoăn khi các chính sách được đề xuất khá rộng, đưa ra nhiều chính sách nhưng lại không có hướng dẫn triển khai thực hiện thì tính khả thi như thế nào? Đại biểu cho rằng thực tiễn thực hiện thời gian vừa qua, nhiều cơ chế chính sách đưa ra gần như không thực hiện được. Vì vậy, đề nghị rà soát lại các chính sách đưa ra trong Nghị quyết để bảo đảm tính khả thi, tránh trường hợp cứ đưa vào Nghị quyết rồi đề nghị rút kinh nghiệm.

"Đơn cử như tại Nghị quyết có chính sách hỗ trợ nhà đầu tư chiến lược, trong đó có một số chính sách đưa vào thực hiện sẽ rất khó triển khai, do Nghị quyết không yêu cầu việc hướng dẫn, một số địa phương có chính sách này thời gian qua cũng không thực hiện được" - đại biểu nêu ý kiến và đề nghị nếu trong Nghị quyết vẫn quy định nội dung này thì trong tổ chức thực hiện Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể.

Đại biểu cũng lưu ý, việc áp dụng một số chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định pháp luật nhưng hiện nay chúng ta đang áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, trong đó có quy định là các doanh nghiệp đa quốc gia mà có tổng doanh thu trên 750 triệu EURO và 800 EURO thì phải áp dụng theo Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu. Vì vậy, đề nghị cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này để tránh khiếu kiện.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hiển cơ bản nhất trí các nội dung liên quan đến việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, bao gồm cả các nội dung được bổ sung nhằm khắc phục những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thời gian qua. Riêng đối với việc thành lập Sở An toàn thực phẩm, để thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật, đại biểu đề nghị cân nhắc đây là mô hình thí điểm hay thực hiện chính thức? Bởi lẽ việc thành lập Sở này sẽ có một số nội dung khác quy định của Luật an toàn thực phẩm, Luật xử lý vi phạm hành chính. Đây là những nội dung đã được phân tích kỹ khi đề xuất thí điểm tại TP Hồ Chí Minh.

Đại biểu cũng đề nghị chỉnh lý lại quy định “Tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thử nghiệm được miễn trách nhiệm dân sự, trách nhiệm hành chính, trách nhiệm kỷ luật khi đã thực hiện đầy đủ nội dung quy định trong cơ chế thử nghiệm có kiểm soát và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” cho phù hợp. 

Theo đại biểu, điều này là không phù hợp với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Mặt khác, điểm d Khoản 1 Điều 23 của Luật Khoa học và Công nghệ quy định người được bổ nhiệm vào chức danh nghiên cứu khoa học, chức danh công nghệ “được miễn trách nhiệm dân sự trong trường hợp xảy ra thiệt hại, rủi ro gây ra cho Nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ do nguyên nhân khách quan, mặc dù đã thực hiện đầy đủ quy trình, quy định về nghiên cứu khoa học”. Như vậy, trường hợp gây ra thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật./.

TG

có thể bạn quan tâm

Ý KIẾN BÌNH LUẬN